5 tàu chiến mặt nước nguy hiểm nhất của Hải quân Trung Quốc

Hải quân là lực lượng được Trung Quốc đầu tư mạnh nhất trong thời gian qua, nhằm âm mưu thực hiện những yêu sách phi lý về chủ quyền trên biển.



Dưới đây là 5 lớp tàu chiến mặt nước của Hải quân Trung Quốc mà các quốc gia trong khu vực cần phải đặc biệt lưu tâm.


Tàu tên lửa tấn công nhanh Type 022
Type 022 Houbei (Hồ Bắc) là lớp tàu tên lửa tấn công nhanh tiên tiến và có số lượng đông đảo nhất của Hải quân Trung Quốc. Chiếc đầu tiên được hạ thủy vào tháng 4/2004 tại nhà máy đóng tàu Hudong - Zhonghua, Thượng Hải.
Việc áp dụng công nghệ tàu 2 thân (cataraman) trên Type 022 có một số ưu điểm so với tàu một thân truyền thống (mono hull) như cung cấp sự ổn định cao và độ nghiêng thấp, cho phép chạy với tốc độ rất cao và làm tăng khả năng tàng hình.
Vũ khí trang bị của Type 022 gồm 8 tên lửa đối hạm YJ-83 (có thể thay thế bằng tên lửa hành trình tấn công mặt đất Hongniao-2), tên lửa vác vai FLS-1 và 1 pháo phòng không cao tốc 30 mm sao chép AK-630 của Nga.
Mặc dù được vũ trang khá mạnh nhưng Type 022 bị cho là chỉ giữ vai trò bệ phóng di động, để có thể bắn tên lửa thì cần có sự chỉ thị mục tiêu từ máy bay hoặc tàu chiến khác.
Type 022 có lượng giãn nước đầy tải 220 tấn; dài 42,6 m; rộng 12,2 m, mớn nước 1,5 m. Tàu được trang bị 2 động cơ diesel 6.865 mã lực (5.119 kW) cùng 4 động cơ phản lực nước MARI cho tốc độ tối đa 36 hải lý/h; thủy thủ đoàn 12 người.



Khu trục hạm Sovremenny (Dự án 956/ 956EM)
Khu trục hạm lớp Sovremenny (Dự án 956) được Liên Xô chế tạo vào giữa thâp niên 1980, mục đích để chống lại cụm tác chiến tàu sân bay của Hải quân Mỹ.
Năm 1996, Trung Quốc ký hợp đồng trị giá 800 triệu USD mua lại 2 chiếc Sovremenny đang đóng dở, chúng được chuyển giao lần lượt trong giai đoạn 1999 - 2000 và mang tên Hangzhou (136) và Fuzhou (137).
Năm 2002, Trung Quốc tiếp tục mua 2 chiếc phiên bản hiện đại hóa (Dự án 956EM) gồm Taizhou (138) và Ninhbo (139) với tổng trị giá 1,4 tỷ USD, 2 tàu lần lượt được chuyển giao trong năm 2005 - 2006.
Sovremenny mang đậm thiết kế thời Chiến tranh lạnh, không chú trọng đến khả năng tàng hình. Tuy nhiên vũ khí của tàu lại cực mạnh với 8 tên lửa chống hạm siêu âm 3M80 Moskit có tầm bắn 120 km (Dự án 956) hoặc 3M80MBE tầm bắn tăng lên tới 240 km, tốc độ Mach 3, lắp đầu đạn nặng 300 kg (Dự án 956EM).
Hệ thống phòng không tầm trung Shtil của Sovremenny trang bị đạn tên lửa 9M38 có tầm bắn 25 km, phóng đi từ ray phóng đơn phía trước mũi tàu. Phiên bản nâng cấp còn được lắp hệ thống CIWS Kashtan thay cho ụ pháo AK-630.
Trên 2 tàu Dự án 956 được lắp 2 khẩu pháo nòng đôi AK-130 cỡ 130 mm (bố trí trước - sau), ở phiên bản nâng cấp Dự án 956EM chỉ còn một khẩu duy nhất phía trước.
Sovremenny có chiều dài 156 m; rộng 17,3 m; mớn nước 6,5 m; lượng giãn nước đầy tải lên tới 8.000 tấn. Tàu được trang bị 4 nồi hơi áp suất cao KVG-3 và động cơ turbine khí TV-12-4, cho tốc độ tối đa 32 hải lý/h, tầm hoạt động 22.500 km; thủy thủ đoàn 350 người.


Khinh hạm đa năng Type 054A

Type 054A (Jiangkai II) là khinh hạm đa năng thế hệ mới, giữ vai trò xương sống của Hải quân Trung Quốc trong giai đoạn đầu thế kỷ 21.
Thiết kế của Type 054A được cho là dựa trên khinh hạm La Fayette của Pháp, với nhiều bề mặt góc cạnh nhằm tối ưu hóa khả năng tàng hình. Hệ thống điện tử của tàu gồm các loại radar đậm chất Nga nhưng do Trung Quốc tự sản xuất trong nước như Fregat-MAE-5, Mineral-ME hay MR-90.
Hỏa lực của Type 054A khá mạnh và toàn diện gồm tên lửa chống hạm YJ-83 có tầm bắn 180 km, tên lửa phòng không phóng thẳng đứng HHQ-16 tầm bắn 35 km (sao chép 9M317 của Nga), ngư lôi chống ngầm hạng nhẹ Yu-7.
Ngoài ra tàu còn được trang bị pháo hạm bắn nhanh H/PJ-26 cỡ 76 mm và hệ thống CIWS Type 730. Sàn đáp và hangar phía đuôi tàu cho phép mang theo trực thăng chống ngầm Kamov Ka-28 hoặc Harbin Z-9C.
Type 054A có chiều dài 134 m; rộng 16 m; lượng giãn nước đầy tải 4.053 tấn. Hệ thống động lực kết hợp CODAD gồm 4 động cơ diesel SEMT Pielstick 16 PA6V-280 STC có tổng công suất 18.880 kW, cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h, tầm hoạt động 6.000 km; thủy thủ đoàn gồm 165 người.


Khu trục hạm phòng không Type 052D

Type 052D (Luyang III) là khu trục hạm mang tên lửa hạng nặng của Hải quân Trung Quốc, nhiệm vụ chính của tàu là phòng không hạm đội, mặc dù nó cũng được trang bị tên lửa hành trình diệt hạm và đối đất tầm xa.
Type 052D có thiết kế gần như giống hệt "người anh" Type 052C, với thượng tầng lắp 4 mảng radar đa năng quay về 4 phía, tương tự như hệ thống tác chiến Aegis của Mỹ. Tuy nhiên radar của Type 052D đã được làm phẳng chứ không lồi và cong hình cung như người tiền nhiệm.
Vũ khí đáng chú ý nhất của tàu là 64 tên lửa phòng không tầm xa HHQ-9 có tầm bắn 200 km, tốc độ Mach 4,2, trần bay 30.000 m. Tên lửa sử dụng phương thức dẫn đường quán tính trong giai đoạn đầu và giữa, đến cuối hành trình thì chuyển sang dùng radar chủ động.
Hỏa lực chống hạm của Type 052D gồm 8 tên lửa tầm xa YJ-12 có tầm bắn 400 km, tốc độ Mach 2,5, giai đoạn cuối bay cách mặt biển 30 m, phương thức dẫn đường của YJ-12 tương tự như HHQ-9.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị pháo hạm 130 mm H/PJ-38, tên lửa phòng không tầm ngắn HHQ-10 và hệ thống phòng thủ tầm cực gần H/PJ-12. Bệ phóng thẳng đứng của Type 052D có thể bắn cả tên lửa hành trình đối đất CJ-10 và tên lửa chống ngầm Y-8.
Type 052D có chiều dài 156 m; rộng 18 m; mớn nước 6,5 m; lượng giãn nước đầy tải 7.500 tấn. Hệ thống động lực kết hợp CODOG gồm 2 động cơ turbine khí QC-280 (28 MW) và 2 động cơ diesel MTU 20V 956TB92 (6 MW) cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h; thủy thủ đoàn gồm 280 người.


Tàu sân bay Liêu Ninh

Tàu sân bay Liêu Ninh nguyên gốc là chiếc Varyag được Trung Quốc đã mua lại từ Ukraine vào năm 1998, khi đó chỉ có khung tàu mà không có động cơ, bánh lái và phần lớn các hệ thống vận hành khác. Năm 2002, con tàu được kéo về cảng Đại Liên để tiếp tục đóng cho đến khi hoàn thiện vào tháng 6/2011.
Do vốn là tàu Varyag nên Liêu Ninh có thể xem như thuộc lớp tàu sân bay Đô đốc Kuznetsov. Nó có chiều dài 304,5 m; rộng 37 m; mớn nước 11 m; lượng giãn nước đầy tải 58.500 tấn và có thể di chuyển với tốc độ 32 hải lý/h, tầm hoạt động 7.130 km hoặc 45 ngày.
Theo thiết kế, Liêu Ninh có thể mang 26 tiêm kích hạm J-15 (phiên bản sao chép Su-33) và 24 trực thăng các loại. Đường băng của tàu dùng kiểu nhảy cầu giúp máy bay cất cánh chứ không phải máy phóng hơi nước như tàu sân bay Mỹ.
Vũ khí còn lại của Liêu Ninh gồm hệ thống phòng thủ tầm cực gần Type 1030 và tên lửa phòng không tầm ngắn ổn định bằng thân quay FL-3000N (phiên bản sao chép RIM-116 Rolling Airframe của Mỹ).
Mặc dù Trung Quốc tuyên bố Liêu Ninh chỉ được sử dụng với mục đích huấn luyện nhưng không có gì đảm bảo nó sẽ không được huy động tham chiến lúc cần thiết. Khi đó, tàu sẽ giữ vai trò hạt nhân của hạm đội viễn chinh Trung Quốc.

Việt Hà | _theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/quan-su/5-tau-chien-mat-nuoc-nguy-hiem-nhat-cua-hai-quan-trung-quoc-20150531231827632.htm

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post