(Soha.vn) - Năm 2017, dự kiến Việt Nam sẽ có hơn 200 bệ tên lửa chống hạm trên các tàu chiến, sẵn sàng "nhấn chìm" những kẻ có âm mưu thôn tính Biển Đông.
Giữ vững biển trời quê hương |
Hiện đại hóa, đa dạng hóa nhanh chóng lực lượng tàu chiến
Những năm gần đây, lực lượng Hải quân Việt Nam được ưu tiên đầu tư, trang bị nhiều loại vũ khí, phương tiện hiện đại để đáp ứng nhiệm vụ trong tình hình mới. Bên cạnh các phương tiện tuần tra như tàu tuần tra, máy bay tuần thám và các thiết bị trinh sát như radar thế hệ mới, các tổ hợp tác chiến điện tử cùng các máy bay tác chiến biển thì các tàu mang tên lửa là lực lượng được đầu tư mạnh mẽ nhất.
Trước hết, phải tính đến các chiến hạm Gepard 3.9. Hiện nay, Hải quân Việt Nam đã đưa vào trang bị 2 tàu, mỗi tàu 8 tên lửa hiện đại Kh-35, như vậy đã có 16 tên lửa.
Chưa kể hiện nay, Nga đã khởi công đóng thêm 2 tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 cho Việt Nam từ ngày 24/9/2013. Hai tàu mới này theo thông báo của nhà máy là sẽ có trang bị hiện đại hơn, đồng thời nâng cao về mặt tác chiến chống ngầm. Hai tàu Gepard dự kiến sẽ được bàn giao cho Việt Nam vào năm 2016-2017.
Tiếp theo đó là 2 tàu hộ tống tàng hình lớp SIGMA, mỗi tàu mang 8 tên lửa hiện đại Exocet của Pháp. Ngày 23/8/2013, báo chí Hà Lan đưa tin nhà máy đóng tàu Damen của nước này đã đạt được một thỏa thuận với Hải quân Việt Nam về việc cung cấp 2 tàu hộ tống tàng hình lớp SIGMA tối tân với giá trị lên tới nửa tỷ Euro (khoảng 667 triệu USD). Hai tàu này chưa rõ thời gian bàn giao, nhưng chiếc thứ nhất dự đoán sẽ được bàn giao trước năm 2016.
Lực lượng tàu tên lửa tiếp theo là chiếc BPS-500 được trang bị 8 tên lửa Kh-35E. Mặc dù theo kế hoạch, Việt Nam sẽ đóng 10 tàu này, nhưng hiện tại chỉ hoàn thành 1 tàu. Nguyên nhân là do có lẽ hiệu quả không cao bằng các tàu lớp Molniya.
Lực lượng được xem là đội phản ứng nhanh của Việt Nam chính là các tàu Molniya dự án 12418. Hiện nay, đã có 2 tàu đưa vào trang bị. Theo kế hoạch, sẽ có 6 tàu nữa được đóng tại Việt Nam theo giấy phép của Nga. Hai tàu đầu tiên đóng tại nhà máy Ba Son đã bước vào giai đoạn thử nghiệm và dự kiến sẽ được bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào cuối năm 2013. 4 tàu còn lại của hợp đồng sẽ được hoàn thành và bàn giao cho Hải quân Việt Nam vào cuối năm 2015.
Như vậy đến năm 2015, Hải quân Việt Nam sẽ có trong biên chế 8 tàu tên lửa cao tốc lớp Molniya, mỗi tàu được trang bị tới 16 tên lửa chống hạm Kh-35 Uran E tầm bắn 130 km, không loại trừ sẽ có biến thể mới nhất Kh-35 UE tầm bắn 220 km.
Một lực lượng mang tính đột phá tiếp theo là các tàu ngầm Kilo 636. Chiếc đầu tiên theo thông báo sẽ được bàn giao vào ngày Kỷ niệm cách mạng tháng 10 Nga (7/11). Theo kế hoạch, năm 2013, Việt Nam sẽ nhận bàn giao hai chiếc đầu tiên, chiếc cuối cùng sẽ được bàn giao vào năm 2016. Số vũ khí mỗi tàu mang theo bao gồm 18 ngư lôi (bao gồm cả 4 quả tên lửa 3M-54E, tầm bắn 220 km) hoặc 24 quả mìn.
Ngoài ra chưa kể các tên lửa thế hệ cũ P-15, P-21 được trang bị trên các tàu khác.
Tàu Gepard 3.9 mang tên Đinh Tiên Hoàng (HQ-011) tuần tra trên biển |
Không dưới 200 bệ tên lửa chống hạm sẵn sàng nhấn chìm tàu địch
Bây giờ chúng ta sẽ thống kê xem, tại một thời điểm bất kỳ, trên Biển Đông, Việt Nam có thể có tối đa bao nhiêu tên lửa chống hạm nằm trên bệ phóng sẵn sàng ngăn chặn những kể xâm chiếm chủ quyền.
Ngay tại thời điểm hiện tại, chúng ta đã có 16 tên lửa trên 2 tàu Gepard, 32 quả trên 2 tàu Molniya và 8 quả trên tàu BPS-500, tất cả đều là tên lửa hiện đại Kh-25E. Như vậy tổng là 54 quả, có thể không nhiều nhưng với sự hỗ trợ của các lực lượng không quân hải quân, chúng có thể đảm nhận được nhiệm vụ trong giai đoạn ngắn hiện nay.
Số lượng tên lửa này sẽ tăng lên một các nhanh chóng sau một vài năm nữa. Tới năm 2015, sau khi hoàn thành thêm 6 tàu Molniya chúng ta sẽ có 8 tàu với tổng cộng 128 tên lửa, cùng với 16 tên lửa trên hai tàu Gepard, 8 tên lửa trên BPS-500 và 12 tên lửa chống hạm trên 3 tàu Kilo. Như vậy, tổng cộng số tên lửa có thể sẵn sàng là 164 tên lửa.
Nếu đến hết năm 2016, so với 2015, sẽ tăng thêm 3 tàu Kilo với 12 tên lửa và ít nhất 1 tàu SIGMA với 8 tên lửa, khi đó tổng số tên lửa là 184 tên lửa.
Đến năm 2017, Việt Nam sẽ nhận thêm 2 tàu Gepard với 16 tên lửa chống hạm, nâng số tên lửa chống hạm tổng cộng lên 200 quả với các loại Kh-35E tầm bắn 130 km, Exocet tầm bắn 180 km, Kh-35UE tầm bắn 220 km, 3M54E tầm bắn 220 km.
Bên cạnh đó, các ngư lôi, thủy lôi từ cả tàu mặt nước và tàu ngầm có thể gây cho đối phương những thiệt hại không ngờ tới. Đó là chưa kể các tổ hợp tên lửa bờ hết sức uy lực như Bastion, Redut, Ruzbeh tầm bắn tới không chỉ ngăn chặn địch xâm phạm bờ biển mà còn có thể hợp đồng tác chiến tung ra các đòn tiêu diệt đối phương. Việt Nam còn có một lực lượng nữa là các máy bay không quân hải quân, chúng cũng có thể mang tên lửa chống hạm và giáng xuống tàu chiến đối phương những đòn hủy diệt từ bầu trời.
Với lượng tên lửa "khủng" như vậy, mật độ hỏa lực tập trung cao, Việt Nam sẽ đủ sức giữ vững chủ quyền biển đảo, ngăn chặn âm mưu của những kẻ muốn thôn tính Biển Đông.
Các tàu Molniya sẽ đóng vai trò là lực lượng cơ động nhanh, mạnh của Hải quân Việt Na, |
theo Trí Thức Trẻ_Hà Dũng |
http://soha.vn/quan-su/bien-dong-vn-co-hon-200-be-ten-lua-san-sang-nhan-chim-tau-dich-201310292349287.htm
Tags:
TÊN LỬA VIỆT NAM