Kh-35/3M24 Uran - Tên lửa đối hạm Nga mang phong cách phương Tây

(Soha.vn) - Kh-35/3M24 Uran còn được gọi là Harpoonski vì giống tên lửa chống tàu AGM/RGM-84 Harpoon của Mỹ từ ý tưởng đến hình dạng và các đặc tính kỹ chiến thuật.



Thông số cơ bản của tên lửa Kh-35/3M24 Uran (SS-N-25 Switchblade)
Dài: 3,85 m
Đường kính: 420 mm
Sải cánh: 930 mm
Tầm bắn: 130 km
Tốc độ: Mach 0,8
Đầu đạn: 145 kg HE
Trọng lượng phóng: 610 kg
Khí tài trang bị:
Tàu hộ vệ tên lửa dự án 1135.4-Krivak IV, dự án 1454-Neustrashimy, dự án 1166.1-Gepard; Tàu tên lửa cỡ nhỏ dự án 1241.8-Molniya và dự án 151A-Sassnitz.
Máy bay: Tu-142 Bear, MiG-29K Fulcrum, Su-27SKM Flanker, Su-32/34 Fullback và trực thăng Ka-27 Helix.
Nước sử dụng: Nga, Việt Nam, Ấn Độ và Algeria.
Theo một quyết định được đưa ra vào tháng 4/1984, OKB Zvezda bắt đầu tiến hành nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa chống tàu đa năng thế hệ mới có thể phóng đi từ tàu mặt nước, máy bay hoặc từ xe phóng trên đất liền. Loại tên lửa này sau đó được định danh là Kh-35(phiên bản phóng từ máy bay) hay 3M24 (phiên bản phóng từ tàu chiến). Nó gần như là bản copy của tên lửa chống tàu AGM/RGM-84Harpoon khi giống từ ý tưởng đến hình dạng và các đặc tính kỹ chiến thuật.
Phiên bản phóng từ trên không Kh-35 có thể được bắn ở độ cao từ 200-5.000m và đạt tới tầm xa 150 km. Kh-35 được thiết kế để tấn công các tàu chiến nhỏ có tốc độ cao như tàu tên lửa, tàu phóng lôi của kẻ thù và cũng có thể sử dụng để tấn công tàu vận tải có lượng giãn nước lên đến 5.000 tấn. Đối tượng tác chiến của Kh-35 (3M24) Uran thường là những mục tiêu mà không yêu cầu phải triển khai các hệ thống tên lửa đối hạm tinh vi như Moskit hay Oniks, đó là lí do vì sao Kh-35 Uran có kích thước khá nhỏ và ít phức tạp. Đầu dò của tên lửa được tối ưu hóa cho việc tấn công những tàu xuồng có diện tích phản xạ radar thấp và tốc độ di chuyển cao. Tên lửa được trang bị một đầu đạn HE nhẹ có trọng lượng 145 kg mặc dù một vài nguồn khác cho rằng trọng lượng thực sự của đầu đạn chỉ là 90 kg.
Sơ đồ cấu tạo tên lửa Uran
Vào đầu những năm 1990, phiên bản phóng từ tàu chiến với ký hiệu 3M24 được thử nghiệm, tầm bắn tối đa của phiên bản này đạt 130 km, tên lửa sử dụng động cơ khỏi tốc nhiên liệu rắn và động cơ hành trình turbojet nhiên liệu lỏng. Ở giai đoạn hành trình, 3M24 bay ở độ cao 10-15m với tốc độ 280 m/s. Đến giai đoạn cuối, tên lửa hạ độ cao xuống rất thấp, chỉ cách mặt biển 3-5m và giữ nguyên tốc độ. Đầu dò radar chủ động ARGS-35 của tên lửa quét được ở góc phương vị từ -45- +450, góc tà -20- +100, tầm hoạt động tối đa đạt 20 km.
Tên lửa Uran được phóng đi từ bệ phóng tiêu chuẩn dạng containerKT-184 gồm 4 ống phóng hình trụ được đặt nghiêng so với thân tàu một góc 350 với các đường dẫn hướng gắn ở phía bên trong, hai đầu ống phóng được bịt bằng các nắp đậy và sẽ được mở ra khi chuẩn bị phóng. 4 bệ phóng KT-184 (16 tên lửa) đã được lắp đặt trên các tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ Molniya dự án 1241.8, những tàu này được xuất khẩu cho Việt Nam và chỉ có 1 chiếc cùng loại được Hải quân Nga dùng với mục đích thử nghiệm và huấn luyện thủy thủ nước ngoài.
Tàu tên lửa cỡ nhỏ Molniya dự án 1241.8
Kiểu bố trí hệ 4 bệ phóng KT-184 cũng được nhìn thấy trên chiếc tàu hộ vệ tên lửa duy nhất của Nga thuộc dự án 1154 mang tên Neustrashimy được đưa vào phục vụ từ năm 1993 trong thành phần Hạm đội Baltic, tuy nhiên các bệ phóng thực ra chưa bao giờ được gắn lên. Ngoài ra, 2 chiếc tàu hộ vệ cũ thuộc dự án 1135 Krivark I gồm Legkiy và Pilkiy đã hiện đại hóa lên chuẩn “1135.2” cũng được trang bị 2 bệ phóng KT-184 gồm 8 ống phóng cho tên lửa 3M24 Uran. Trong suốt năm 2002, những tàu này chưa mang theo tên lửa trong những chuyến tuần tra mà đó chỉ là những ống phóng rỗng. Các tàu trên đều sử dụng radar MR-755 Fregat (NATO: Half Plate) cho việc trinh sát mục tiêu trên không, trên biển và radar Garpun-Bal (NATO: Plank Shave) để kiểm soát hỏa lực.
Radar Garpun-Bal có khả năng kết hợp và nhanh chóng chuyển đổi từ chế độ làm việc chủ động sang thụ động. Ở chế độ chủ động, radar hoạt động trên băng tần I/J, có thể xác định và theo dõi cùng lúc 150 mục tiêu, tầm hoạt động tối đa của radar ở chế độ này là 35-45 km. Kênh bị động sẽ tìm kiếm những tín hiệu dạng xung và sóng liên tục. Khi một tín hiệu được định vị, radar sẽ xác định đối tượng phát ra tín hiệu thù địch này thông qua thư viện gồm hơn 1.000 mẫu sẵn có, sau đó sẽ tiến hành đo đạc và tính toán các tham số mục tiêu. Tầm tối đa của kênh bị động lên tới trên 100 km phụ thuộc vào tần số.
Tàu hộ vệ tên lửa Neustrashimy dự án 1154
Ngoài Việt Nam, một khách hàng khác của hệ thống tên lửa Uran là hải quân Ấn Độ với 4 chiếc khu trục hạm lớp Delhi được vũ trang 16 ống phóng mỗi chiếc. Những tàu này cũng được trang bị radar MR-755 Fregat và Garpun-Bal. Một loại chiến hạm khác của Ấn Độ sử dụng 3M24 Uran là 4 chiếc tàu tuần tiễu P-25A Kora với 4 bệ phóng KT-184 mang theo 16 đạn tên lửa.

Khu trục hạm lớp Delhi
Bên cạnh phiên bản tên lửa đối hạm, một phiên bản tên lửa hành trình tấn công mặt đất phóng từ tàu mặt nước sử dụng hệ thống dẫn đườngGlonass cũng đã được phát triển với tên gọi 3M24M Uranium(3M24E1 dành cho xuất khẩu). Tên lửa 3M24E1 dự kiến sẽ đi vào phục vụ trong Hải quân Ấn Độ. Để đáp ứng nhiệm vụ mới phần thân của tên lửa được kéo dài để mang theo nhiều nhiên liệu hơn, nhờ vậy tầm bắn tối đa tăng lên tới 250 km.
Khác với Uran, Uranium được lắp một đầu dò sử dụng công nghệ ảnh hồng ngoại tại vị trí của radar chủ động (có một báo cáo cho rằng đầu dò hồng ngoại này cũng đã được thử nghiệm lắp đặt trên tên lửa đối hạm 3M24). Phiên bản tên lửa hành trình không đối đất trang bị cho máy bay được định danh Kh-37 có thêm biến thể dẫn đường bằng TV so với chỉ sử dụng đầu dò hồng ngoại như trên 3M24M.
Dương Phạm | _theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/quan-su/kh-353m24-uran-ten-lua-doi-ham-nga-mang-phong-cach-phuong-tay-20140511223003424.htm

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post