Không quân VN và cuộc "lột xác" gian nan sau khi Liên Xô sụp đổ

(Soha.vn) - MiG-21, Su-22 dần trở nên lạc hậu khi không quân thế giới chuyển sang thời máy bay chiến đấu hạng nặng hiện đại. Sức mạnh Không quân Việt Nam suy giảm nghiêm trọng.



Những biến cố chính trị năm 1991 đã dẫn đến sự tan rã của Liên bang Xô viết, Việt Nam mất đi nguồn viện trợ quan trọng, trong khi đất nước vừa bắt đầu công cuộc Đổi Mới, kinh tế còn quá khó khăn. Thế nhưng, trong bất kì hoàn cảnh nào, nhiệm vụ hiện đại hóa không quân, đảm bảo khả năng tác chiến bảo vệ Tổ quốc vẫn được chú trọng.
Đội hình tiêm kích Su-27 của Không quân Nhân dân Việt Nam
Hiện đại hóa lực lượng với Su-27
Lúc bấy giờ, các máy bay chiến đấu MiG-21 và Su-22 mang tên lửa đối không tầm ngắn đã trở nên không hiệu quả. Không quân thế giới đã chuyển sang thời của các máy bay chiến đấu hạng nặng, với radar và các cảm biến mạnh, mang tên lửa đối không tầm trung-xa và vũ khí chính xác cao. Điều đó khiến sức mạnh của Không quân Nhân dân Việt Nam bị suy giảm nghiêm trọng, đòi hỏi phải có các biện pháp ứng phó kịp thời.
Năm 1994, Việt Nam ký hợp đồng đầu tiên, đặt mua 5 máy bay chiến đấu Su-27SK và 1 máy bay huấn luyện chiến đấu Su-27UBK từ Nga, trở thành quốc gia thứ hai ở châu Á mua dòng máy bay này. Điều đáng nói là Việt Nam đã mua các máy bay này với giá thị trường, thể hiện một nỗ lực rất lớn trong hiện đại hóa trang bị - khí tài.
Su-27 được đánh giá là tiêm kích tốt nhất thế kỉ XX, với tính năng vận động rất mạnh, không chiến tốt,có tốc độ tối đa Mach 2.25, bán kính chiến đấu tối đa 3.530km, mang 1 pháo GSh-30-1 30mm và 8.000kg vũ khí các loại, trong đó có các tên lửa không đối không tầm ngắn R-73, tầm trung R-27, R-77.
6 chiếc Su-27 được biên chế cho Trung đoàn Không quân 937, đóng tại sân bay Thành Sơn, Phan Rang. Ngày 4-8-1995, Trung đoàn 937 đã tổ chức bay thử thành công tiêm kích Su-27. Ngày 14-9-1997, Trung đoàn 937 tổ chức cho Su-27 bay ra Trường Sa tuần tiễu thành công, đảm bảo khả năng trực chiến sẵn sàng bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Bước sang năm 1996, Việt Nam kí hợp đồng mua thêm 2 máy bay Su-27SK và 4 máy bay Su-27UBK. Sở dĩ có sự thay đổi này, là bởi Việt Nam không chỉ muốn đảm bảo năng lực không chiến, mà còn muốn nâng cao khả năng tấn công đối đất và đối hải. Biến thể huấn luyện Su-27UBK có hai người lái, nên rất thuận tiện cho việc sử dụng các loại vũ khí chính xác cao như tên lửa chống hạm Kh-31A, chống radar Kh-31P, tên lửa không đối đất Kh-29 … Trong hoàn cảnh Việt Nam phải đối phó với những tranh chấp, xung đột trên biển Đông, thì việc có trong biên chế các máy bay như Su-27UBK là rất cần thiết.
Hai chiếc máy bay Su-27SK đầu tiên đã được máy bay An-24 vận chuyển đến sân bay Thành Sơn, lắp ráp, bay thử và bàn giao choKhông quân Việt Nam. Chuyến bay sau đó mang 2 máy bay Su-27UBK cũng đã diễn ra thuận lợi. Nhưng chuyến bay cuối cùng ngày 6-12-1997 đã gặp tai nạn. Rất may, lô hàng đã được bảo hiểm và Nga đã thay thế hai chiếc Su-27UBK bằng hai chiếc Su-27PU cho Việt Nam. Su-27PU thực ra là một phiên bản nâng cấp của máy bay huấn luyện Su-27UB, là tiền đề của máy bay chiến đấu hạng nặng Su-30 sau này.
Cũng trong giai đoạn này, năm 1996, Việt Nam đã cố gắng đàm phán với Pháp đã mua các máy bay chiến đấu Dassault Mirage 2000, nhưng không thành công vì lệnh cấm vận quân sự của Mỹ với Việt Nam.
Bên cạnh việc mua sắm các máy bay mới, Việt Nam cũng tăng cường nâng cấp các máy bay cũ, bởi một số nhỏ máy bay chiến đấu hiện đại Su-27 là chưa đủ để đảm bảo năng lực tác chiến.
Tháng 3-2000, Ấn Độ kí Hiệp định về hợp tác quốc phòng với Việt Nam, tiến hành bảo dưỡng và sửa chữa toàn bộ các máy bay chiến đấu MiG-21 đã cũ của Không quân Nhân dân Việt Nam. Năm 2010, Ấn Độ giúp Việt Nam nâng cấp một số máy bay MiG-21MF, MiG-21bis lên chuẩn MiG-21 Bison.
Một chiếc tiêm kích MiG-21 Bison
Gói nâng cấp thay thế radar điều khiển hỏa lực cũ kĩ RP-21MA, RP-22 bằng radar Kopyo hiện đại hơn, có thể phát hiện mục tiêu có diện tích phản xạ radar RCS 5mtừ khoảng cách 80km ở bán cầu trước và 40km ở bán cầu sau, theo dõi cùng lúc 10 mục tiêu và tiến công đồng thời 2 mục tiêu.
Đặc biệt, radar Kopyo cũng giúp MiG-21 Bison có khả năng tác chiến đối đất, đối hải rất mạnh. Đồng thời, MiG-21 Bison cải tiến cũng có thể mang các tên lửa tiên tiến như R-27, R-77 … Trong các cuộc tập trận chung với Mỹ, các máy bay MiG-21 Bison nâng cấp có thể không chiến rất hiệu quả với các máy bay F-15, F-16. Cùng với đó, một số không nhỏ các máy bay cường kích Su-22M4 của Cộng hòa Séc và Ba Lan cũng được bán cho Việt Nam.
Su-30MK2 để bảo vệ chủ quyền biển đảo
Trước tình hình biển Đông đang nóng dần lên, Không quân Nhân dân Việt Nam không thể chần chừ, mà phải nhanh chóng tiến thẳng lên chính qui, hiện đại. Máy bay chiến đấu Su-30 là lựa chọn tốt nhất. Đây là loại máy bay chiến đấu được phát triển dựa trên máy bay huấn luyện chiến đấu Su-27UB, kế thừa và phát triển tính năng không chiến mạnh mẽ của Su-27. Đồng thời Su-30 có hai chỗ ngồi, nên thuận lợi cho việc sử dụng các vũ khí tiến công chính xác cao, đặc biệt là vũ khí đối đất và đối hải.
Tiêm kích Su-30MK2 của Trung đoàn Không quân 923 luyện tập chiến đấu
Tháng 11 năm 2003, Việt Nam bắt đầu đặt mua 4 chiếc máy bay Su-30MK2 đầu tiên. Đây là phiên bản Su-30MK hiện đại hóa mạnh, do KnAPPO sản xuất để bán cho Trung Quốc và Việt Nam. Tiếp đó, tháng 1 năm 2009, Việt Nam kí tiếp hợp đồng mua 8 máy bay Su-30MK2, cùng các vũ khí, khí tài đi kèm. 12 máy bay Su-30MK2 được biên chế cho Trung đoàn Không quân 935. Còn tất cả các máy bay Su-27 được chuyển cho Trung đoàn Không quân 940, đóng tại sân bay Phù Cát.
Đặc biệt, năm 2010, Việt Nam tiếp tục đặt mua 12 máy bay chiến đấu Su-30MK2, trang bị cho Trung đoàn Không quân 923 đóng tại sân bay Sao Vàng, Thanh Hóa. Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 3 trung đoàn không quân mạnh, trang bị các máy bay chiến đấu hiện đại Su-27 và Su-30MK2.
Vào tháng 4 và tháng 9 năm 2013, các Trung đoàn 923 và Trung đoàn 940 đã tổ chức bay đêm, tiến tới trực chiến 24/24h. Các phi công Việt Nam đã tiếp thu nhanh và làm chủ rất tốt các loại máy bay chiến đấu hiện đại này.
Các phi công Trung đoàn 923 chia sẻ kinh nghiệm sau buổi bay an toàn
Nhìn lại chặng đường dài kể từ sau ngày thống nhất đất nước, chúng ta có thể tự hào rằng: Trong những năm tháng gian khó nhất, Đảng, Nhà nước và Quân đội vẫn cố gắng hết sức để đảm bảo năng lực chiến đấu cho Không quân Nhân dân Việt Nam: tiếp thu máy bay của chế độ cũ, nhận viện trợ máy bay Su-22, nâng cấp máy bay MiG-21, mua sắm các máy bay chiến đấu Su-27 và Su-30MK2 …
Ngày nay, khi kinh tế đã không còn quá khó khăn, lực lượng không quân, cùng các quân binh chủng khác càng được hiện đại hóa mạnh. Tất cả đã giúp cho những cánh bay oai hùng của Không quân Nhân dân Việt Nam có thể cất cao kiêu hãnh trên bầu trời, bảo vệ chủ quyền biển và hải đảo của Tổ quốc.
Lương Minh | _theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/quan-su/khong-quan-vn-va-cuoc-lot-xac-gian-nan-sau-khi-lien-xo-sup-do-20131229205934085.htm

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post