Những tổ hợp phòng không sau đây nếu trang bị trên tàu tên lửa Molniya sẽ gia tăng đáng kể sức mạnh phòng thủ cho lớp chiến hạm này.
Như đã biết, tàu hộ vệ tên lửa lớp Molniya gồm 2 biến thể 1241.REvà 1241.8 đang là những tàu chiến mặt nước hàng đầu của Hải quân Việt Nam với khả năng diệt hạm rất mạnh. Tuy nhiên, do có lượng giãn nước nhỏ (đầy tải 500 tấn) nên để có sức mạnh tấn công các chiến hạm này bắt buộc phải hy sinh bớt một số tính năng khác trong đó có năng lực phòng không.
Tàu hộ vệ tên lửa Molniya 1241.RE với 2 pháo phòng không AK-630M bố trí phía cuối tàu |
Hỏa lực phòng không hiện chỉ gồm 2 pháo bắn nhanh AK-630M cùng tên lửa vác vai SA-N-10. Nếu trong tương lai gần Hải quân Việt Nam có ý định trang bị cho tàu tên lửa Molniya những hệ thống phòng không mạnh hơn nhằm tạo ra một lá chắn tin cậy nhằm chống lại các cuộc tấn công bằng tên lửa từ phía đối phương thì có thể tham khảo một số ứng viên sau đây:
Module tác chiến của hệ thống phòng không Palma |
1. Hệ thống phòng không Palma
Palma có thể coi như một biến thể của hệ thống phòng khôngKashtan, được thiết kế để phòng vệ cho chiến hạm trước các cuộc tiến công đường không của đối phương. Nó có thể tiêu diệt tên lửa đối hạm, máy bay cũng như các mục tiêu cỡ nhỏ trên mặt nước và trên bờ.
Module tác chiến của hệ thống Palma (ký hiệu 3R-99E) có trọng lượng 6.900 kg, hoạt động hoàn toàn tự động, mỗi module tác chiến gồm 8 tên lửa 9M311 Sosna-R lắp sẵn trong container kiêm ống phóng và 2 bệ pháo tự động 6 nòng AO-18KD cỡ 30 mm (với 1.500 viên đạn).
Pháo AO-18KD có tốc độ bắn 10.000 phát phút, sơ tốc đạn 960 m/s, tầm bắn hiệu quả 4.000m; tên lửa Sosna-R có trọng lượng 57 kg, dài 2.560 mm mang theo đầu đạn nặng 9 kg, được điều khiển bằng laser có tầm bắn 1.500 - 8.000 m, trần bay 3.500 m, tốc độ 1.100 m/s; pháo và tên lửa nhận lệnh từ hệ thống điều khiển hỏa lực quang điện đa kênh 3V-89 bao gồm kênh truyền hình và ảnh nhiệt cùng máy đo xa và kênh điều khiển laser.
Tàu hộ vệ tên lửa Molniya 1242 của Nga được nâng cấp với hệ thống phòng không Palma |
Có thể nói Palma là ứng viên sáng giá nhất cho lựa chọn nâng cấp hệ thống phòng không trên các tàu tên lửa Molniya của Việt Nam. Đặc biệt là trong thời gian gần đây Hải quân Nga cũng lựa chọn phương án này khi đã lắp đặt 1 hệ thống Palma phía sau đuôi tàu để thay thế vị trí 2 pháo bắn nhanh AK-630M trên các tàu Molniya của họ.
Tên lửa phòng không Umkhonto-R và Umkhonto-IR |
2. Tên lửa phòng không Umkhonto
Umkhonto là loại tên lửa phòng không tiên tiến của Nam Phi, được thiết kế đặc biệt để phòng thủ trước các cuộc tấn công đồng thời từ nhiều máy bay cánh cố định hoặc trực thăng và các loại tên lửa. Các tên lửa và hệ thống con tạo thành một nhóm tác chiến có thể lắp đặt trên tàu hải quân hoặc triển khai trên mặt đất. Với phương thức phóng thẳng đứng và thời gian phản ứng nhanh, hệ thống phòng không hạm tàu sử dụng tên lửa Umkhonto có thể tiêu diệt đến 8 mục tiêu cùng lúc.
Hiện nay tên lửa Umkhonto có 2 phiên bản là Umkhonto-IR (sử dụng đầu dò hồng ngoại) và Umkhonto-R (sử dụng đầu dò radar). Thông số cơ bản của tên lửa Umkhonto-IR/Umkhonto-R: Trọng lượng 125/190 kg; chiều dài 3.320/4.300 mm; đường kính 180 mm; sải cánh 500 mm; tầm bắn 12.000/25.000 m; trần bay 8.000/12.000 m; tốc độ tối đa Mach 2.
Với đặc tính dễ dàng tích hợp vào các hệ thống điều khiển và có xác suất tiêu diệt mục tiêu cao, tên lửa Umkhonto đã được triển khai trên các tàu chiến của Hải quân Nam Phi và xuất khẩu tới Phần Lan, Brazil và Malaysia.
Mô tả hệ thống phòng không hạm tàu sử dụng tên lửa Umkhonto-IR tấn công đồng thời 3 mục tiêu |
Phó tổng thống Nam Phi Kgalema Motlanthe vào năm 2010 đã tiết lộ rằng, Nam Phi đang chào hàng tên lửa Umkhonto cho Hải quân Việt Nam để nâng cấp hệ thống phòng không trên các tàu hộ vệ tên lửa. Đây là một phương án mà Việt Nam cũng rất nên để ý và quan tâm.
Tên lửa phòng không Barak 1 |
3. Tên lửa phòng không Barak 1
Barak 1 là loại tên lửa hạm đối không tầm ngắn của Israel, được thiết kế với vai trò lá chắn phòng thủ điểm nhằm bảo vệ tàu chiến mặt nước chống lại các cuộc tấn công đường không từ máy bay chiến đấu, tên lửa hành trình chống hạm và UAV. Barak 1 có thể được sử dụng với vai trò bổ sung hoặc thay thế hoàn toàn cho pháo phòng không bắn nhanh kiểu Phalanx nhờ một số ưu điểm như độ linh hoạt cao hơn và tên lửa có tầm tác chiến xa hơn.
Thông số cơ bản: trọng lượng phóng 98 kg; dài 2,1 m; đường kính thân 170 mm; sải cánh 685 mm; đầu đạn 22 kg; tốc độ Mach 2,1; tầm bắn 0,5 - 12 km; trần bay 5,5 km. Tên lửa Barak 1 được đặt trong ống phóng thẳng đứng kiêm ống bảo quản dạng container, một cụm 8 ống phóng có trọng lượng 1.700 kg với yêu cầu bảo trì bảo dưỡng rất đơn giản, thích hợp để trang bị cho tàu chiến mặt nước có lượng giãn nước từ 500 tấn trở lên.
Kiểm soát hỏa lực cho tên lửa được cung cấp bởi một hệ thống C3I nhỏ gọn, trọng lượng chỉ 1.300 kg. Hệ thống này có thể hoạt động độc lập hoặc kết hợp với các cảm biến khác để tạo nên một chiếc ô bảo vệ bao quát toàn bộ góc 3600 xung quanh con tàu với thời gian phản ứng cực nhanh trước các mối đe dọa.
Nhờ có độ tin cậy cao, tên lửa Barak 1 đã được triển khai lắp đặt trên hầu hết các tàu chiến mặt nước của Hải quân Israel và còn được xuất khẩu tới Ấn Độ, Singapore và Chile. Đặc biệt, Hải quân Ấn Độ đang có ý định sẽ thay thế các hệ thống CIWS cũ của Nga trên các chiến hạm của mình bằng tên lửa Barak 1.
Tàu hộ vệ tên lửa RSS Vengeance của Hải quân Singrapore phóng tên lửa Barak 1 |
Với đặc tính chiến đấu cao và rất linh hoạt trong lắp đặt của tên lửa Barak 1, cộng với quan hệ hợp tác quốc phòng Việt Nam - Israel đang tiến triển rất tốt đẹp cũng như kinh nghiệm sử dụng và đánh giá của một lực lượng có nhiều nét tương đồng với Việt Nam là Hải quân Ấn Độ, rất có thể trong tương lai không xa các chiến hạm Molniya của Việt Nam sẽ được bảo vệ bởi chiếc ô phòng không mang tên Barak 1.
theo Đại Lộ_Phi Yến |
http://soha.vn/quan-su/mot-so-phuong-an-nang-cap-he-thong-pk-cho-tau-ten-lua-molniya-vn-2014102422381269.htm