(Soha.vn) - Việc Việt Nam mua tàu hộ tống tàng hình lớp SIGMA của Hà Lan đã đánh dấu một thành công lớn lao cả về quân sự lẫn ngoại giao.
Đa dạng hóa vũ khí
Những năm gần đây, trong trang bị của quân đội Việt Nam, bên cạnh những vũ khí truyền thống của Nga và Đông Âu đã lần lượt xuất hiện các loại vũ khí của các nước khác.
Trước hết, phải kể đến loạt vũ khí trang bị cho lính hải quân đánh bộ xuất xứ từ Israel. Các loại vũ khí như súng trường tiến công Tavor TAR-21/CTAR-21, súng trung liên IMI Negev, súng bắn tỉa IMI Galatz, súng chống tăng Matador. Đối với Israel, Việt Nam còn có những thỏa thuận về việc nâng cấp xe tăng T54, mua sắm chuyển giao công nghệ UAV. Đây chính là bước đột phá đầu tiên của lĩnh vực xuất nhập khẩu vũ khí của Việt Nam.
Tiếp đó là các thương vụ mua máy bay tuần thám CASA212 từ Tây Ban Nha, hợp tác với Hà Lan đóng tàu cảnh sát biển DN 2000 (dựa trên nguyên mẫu OPV - 9014), mua các máy bay trực thăng EC-225 từ Pháp.
Những sự hợp tác này nằm trong chiến lược đa dạng hóa các vũ khí trong trang bị. Đa dạng hóa chủng loại vũ khí có cùng chức năng là một nguyên tắc cơ bản. Khi đó, các loại vũ khí sẽ góp phần bổ khuyết cho nhau, hạn chế được nhược điểm của nhau.
Nhưng cũng phải thấy rằng các loại vũ khí của các thương vụ trên đây chỉ là vũ khí bộ binh hạng nhẹ hoặc các loại phương tiện không mang tính sát thương lớn. Chỉ đến khi Việt Nam ký hợp đồng đóng tàu SIGMA với Hà Lan thì tất cả chúng ta mới có thể khẳng định rằng Việt Nam đang đa dạng hóa vũ khí một cách mạnh mẽ, đặc biệt là vũ khí dành cho lực lượng Hải quân. Bởi SIGMA không đơn thuần là một loại vũ khí hay phương tiện mà nó là một tổ hợp lớn các loại vũ khí và trang thiết bị hiện đại.
Thiết nghĩ đây cũng là động thái hết sức hợp lý. Tình hình Biển Đông thời gian gần đây hết sức căng thẳng. Trung Quốc dùng đủ mọi mưu mô thủ đoạn, kể cả việc xua tàu cá xâm phạm chủ quyền láng giềng rồi lấy cớ “tăng khả năng thực thi pháp luật hàng hải” và “bảo vệ ngư dân” để "gặm bằng hết Biển Đông". Muốn giữ được chủ quyền biển đảo, chúng ta phải tăng cường tiềm lực quốc phòng.
Vũ khí của Tây Âu không phải ai cũng có thể mua được, muốn mua được phải có sự tin tưởng trong quan hệ với nhau. Chính vì vậy, việc Việt Nam có trong trang bị vũ khí của các nước Tây Âu sẽ khiến nhiều nước phải tính toán lại chiến lược bành trướng của mình.
Tàu cảnh sát biển 8001 - sản phẩm của hợp tác quốc phòng Việt Nam - Hà Lan |
Đa phương hóa trong quan hệ
Với phương châm tự lực, tự cường, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế trên tinh thần bình đẳng, tôn trọng độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, Việt Nam luôn mở rộng vòng tay cũng như mong muốn được trở thành đối tác của tất cả các nước có thiện chí.
Chỉ có đa phương hóa mới tránh được thế bị kẹt giữa lợi ích của các nước lớn. Việc mua sắm vũ khí từ các nước Tây Âu không chỉ đơn thuần là các hợp đồng kinh tế. Ẩn chứa đằng sau đó là những thông điệp hết sức rõ ràng từ Việt Nam.
Đa phương hóa sẽ giúp Việt Nam có nhiều đối tác hơn, đồng thời tránh rơi vào tình trạng bị động, lệ thuộc vào một bên nhất định trong các vấn đề.
Việc ký kết các hợp đồng quốc phòng là một minh chứng cho sự thành công của đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa của Việt Nam.
Tập đoàn công nghiệ quốc phòng hàng đầu thế giới Thales coi Việt Nam là một đối tác chiến lược lâu dài |
Vị thế mới của Việt Nam trên thế giới
Vũ khí luôn là một loại hàng hóa đặc biệt. Để có được một hợp đồng mua bán vũ khí, đặc biệt là những vũ khí hiện đại như tàu SIGMA đòi hỏi Việt Nam phải đạt được sự tin cậy cao độ từ Hà Lan.
Đáng nói là Mỹ và Tây Âu vẫn chưa dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí sát thương đối với Việt Nam. Trước đây, không ít mặt hàng Việt Nam muốn nhập khẩu từ Mỹ và Tây Âu nhưng sau nhiều kênh tiếp xúc vẫn không đạt được kết quả.
Những năm gần đây, việc hợp tác quốc phòng của Việt Nam với các nước phương Tây diễn ra rất mạnh mẽ. Hợp tác mua sắm vũ khí đã được thực hiện với Tây Ban Nha, Pháp, Israel, Hà Lan.
Trong các nước này, Israel và Hà Lan là những minh chứng rõ ràng nhất cho sự tin tưởng của thế giới dành cho Việt Nam.
Israel là một nước có trình độ công nghiệp quốc phòng phát triển, lại là một đồng minh thân cận của Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, với các hợp đồng nâng cấp xe tăng T54, mua sắm các loại vũ khí cho Hải quân đánh bộ,.. có thể nói mức độ tin tưởng lẫn nhau giữa Việt Nam và Israel là rất cao.
Hà Lan là một nước thuộc EU và NATO, do đó trong một chừng mực nhất định thái độ của Hà Lan cũng phản ánh thái độ của EU và NATO đối với Việt Nam. Với thế mạnh là công nghiệp đóng tàu, Hà Lan đã hợp tác quốc phòng với Việt Nam trong các hợp đồng đóng tàu cảnh sát biển 2.000 tấn và đặc biệt là hợp đồng chế tạo các tàu tàng hình hiện đại SIGMA. Theo thông tin được công bố, sau các tàu đầu tiên được chế tạo tại Hà Lan, những tàu tiếp theo sẽ được đóng tại Việt Nam. Với hợp đồng này, rõ ràng Hà Lan nói riêng, cũng như phương Tây nói chung đã đánh giá cao vị thế của Việt Nam trong các vấn đề quốc tế.
Hợp tác quốc phòng Việt Nam-Hà Lan được khẳng định thêm bằng chuyến thăm Hà Lan của Bộ trưởng Quốc phòng Phùng Quang Thanh từ ngày 18 đến 19/8 vừa qua theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Hà Lan Hennis-Plasschaer.
Hai Bộ trưởng đã trao đổi về tình hình thế giới và khu vực cùng quan tâm, trong đó có hợp tác quốc phòng. Về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh cho rằng, cùng với sự phát triển của mối quan hệ chung và trên cơ sở Bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực quốc phòng, thời gian qua hai bên đã triển khai có hiệu quả các nội dung hợp tác như trao đổi đoàn, đào tạo, công nghiệp quốc phòng, qua đó đã góp phần tăng cường sự tin cậy, mối quan hệ hữu nghị giữa nhân dân và quân đội hai nước.
Về phương hướng hợp tác trong thời gian tới, Bộ trưởng Phùng Quang Thanh khẳng định Việt Nam tiếp tục tăng cường hợp tác với Hà Lan; hai nước tiếp tục thúc đẩy hợp tác theo nội dung Bản ghi nhớ, bao gồm trao đổi đoàn các cấp; đào tạo; trao đổi kinh nghiệm, hợp tác giữa các quân binh chủng, trong đó, chú trọng lĩnh vực hải quân; công nghiệp quốc phòng, trọng tâm là hợp tác đóng tàu cho lực lượng hải quân, cảnh sát biển và lực lượng tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam.
Để chế tạo được tàu SIGMA, không chỉ cần riêng Hà Lan mà cần sự hợp tác của nhiều nước và các tập đoàn đa quốc gia.
Trong thương vụ này, đáng chú ý nhất là tập đoàn Thales, đây là một tập đoàn công nghiệp quốc phòng hàng đầu của thế giới. Nhưng Thales đã coi Việt Nam là một đối tác chiến lược lâu dài. Trong cuộc làm việc với Đô đốc Nguyễn Văn Hiến, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng tại Việt Nam, bà Pascale Sourisse, Phó chủ tịch phụ trách phát triển quốc tế của Tập đoàn Thales đã khẳng định Thales xem Việt Nam là một trong những mục tiêu phát triển chiến lược của Tập đoàn trong khu vực, đặc biệt là lĩnh vực quốc phòng và cam kết sẽ hỗ trợ Việt Nam trong công tác đào tạo.
Có thể nói rằng việc đặt hàng thành công các tàu hiện đại SIGMA một lần nữa khẳng định lại chiến lược quân sự hợp lý và đường lối đối ngoại đúng đắn của Việt Nam. SIGMA không chỉ bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo Tổ quốc mà còn góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Hà Dũng | _theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/quan-su/mua-tau-sigma-thong-diep-manh-me-viet-nam-danh-cho-ke-gam-nham-bien-dong-20130824235904296.htm