Nhắc đến thế chiến thứ nhất, báo Nga “tố” Phương Tây chưa thuộc bài học lịch sử

BizLIVE - Đúng 100 năm trước, nước Nga đã bước vào Chiến tranh thế giới thứ nhất (1/8).


Đúng 100 năm trước, nước Nga đã bước vào Chiến tranh thế giới thứ nhất.

Theo Tiếng nói nước Nga, cuộc xung đột toàn cầu này là bi kịch cho tất cả nhân loại, khiến cho hàng triệu người thiệt mạng, khiến cho bản đồ chính trị châu Âu có diện mạo mới và gây ra thiệt hại kinh tế rất lớn.

Ngày 1 tháng 8 năm 1914, Đức tuyên chiến với Nga. Nguyên cớ gây chiến là người thừa kế ngai vàng Áo, Thái tử Franz Ferdinand bị ám sát. Vụ ám sát ở Sarajevo đã buộc nước Áo tuyên chiến. 

Việc này làm cho hai quốc gia đồng minh với đế chế Áo-Hung (Liên minh Trung tâm) và những nước đồng minh với Serbia (phe Hiệp ước) tuyên bố chiến tranh chống lại nhau, khởi đầu cho Chiến tranh thế giới thứ nhất. Nước Đức tuyên bố đứng về phía Áo vì thấy dịp này là một cơ hội tốt để thực hiện tham vọng địa chính trị của mình. Đức coi Nga là đối phương vì nước này ủng hộ Serbia. 

Trong những ngày đầu tiên của tháng Tám năm 1914, Bỉ, Luxembourg, Pháp cũng bị lôi kéo vào cuộc chiến. Có thể lập tức hiểu được rằng việc Thái tử chết chẳng liên quan gì đến cuộc chiến: ở đây, điều chính yếu là các nước đang tìm cách giải quyết vấn đề riêng của mình. Tiến sĩ Khoa học lịch sử, nhà khoa học chính trị Natalia Narochnitskaya nói:

“Nguyên nhân gây ra chiến tranh thế giới thứ nhất là các quá trình sâu sắc trong tâm trạng xã hội, trong địa chính trị, trong việc mở rộng và phát triển các trung tâm quyền lực mới ở châu Âu. Những mâu thuẫn này đã trở nên gay gắt trong giai đoạn đầu thế kỷ 20. Các xung đột thường nổ ra vào đầu thế kỷ, ngày nay chúng ta cũng có thể thấy rằng đang có những mâu thuẫn tích lũy. Và những khát vọng quyền lực chiến lược chính đã xung đột với nhau tại biên giới châu Âu của Nga.”

Các quốc gia cạnh tranh với nhau để gây ảnh hưởng ở châu lục này, để tranh giành thị trường và tiếp cận đường biển, nhân thể gây xích mích giữa các đồng minh lâu đời và tạo ra các liên minh mới. Dần dần, cuộc chiến có thêm các bên tham gia mới là Australia, Áo, Hungary, Bỉ, Brazil, Bulgaria, Anh, Đức, Hy Lạp, Ấn Độ, Ý, Canada, Trung Quốc, New Zealand, Newfoundland, Đế chế Ottoman, Bồ Đào Nha, Romania, Nga, Serbia, Mỹ, Pháp, Montenegro, Liên minh Nam Phi và Nhật Bản. Hầu hết các nước này trực tiếp tham chiến và phải chịu thiệt hại lớn về kinh tế. 

Ngược lại, Hoa Kỳ chỉ tham chiến ở nên ngoài lãnh thổ của mình. Những đơn đặt hàng quân sự khổng lồ từ quốc gia khác nhau mang lại cho Hoa Kỳ những khoản lợi nhuận khổng lồ. Trong những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, ở Mỹ đã xuất hiện 17.000 triệu phú mới. Do kết quả của cuộc chiến tranh này, Mỹ trở thành cường quốc dẫn đầu thế giới.

Ngay từ khi đó các nước đã nhận thấy tầm quan trọng rất lớn của công việc tuyên truyền trong nước và bên ngoài. Nhà sử học Natalia Narochnitskaya nói:

“Lần đầu tiên người ta ý thức được vai trò rất lớn của ý thức xã hội. Khi đó người ta bắt đầu dùng báo chí để bôi nhọ đối phương tương lai. Hiện nay chúng ta đang chứng kiến các phương tiện truyền thông gia tăng ảnh hưởng của mình, cũng làm điều tương tự, làm trầm trọng thêm cuộc xung đột và đưa con người trượt dần tới thảm họa mà không hề nhận biết.”

Sự tương đồng giữa các sự kiện của thế kỷ trước và tình hình hiện tại trên lục địa châu Âu khiến cho ta phải suy nghĩ. Hôm nay tại Ukraine một lần nữa lợi ích của các quốc gia lại đụng độ với nhau, và một lần nữa Hoa Kỳ lại đóng vai trò tích cực để cố gắng quyết định số phận của các nước khác. Những bài học lịch sử từ thảm kịch thế chiến thứ nhất đã bị lãng quên. 

Người đứng đầu chương trình nghiên cứu của Quỹ "Lịch sử ký ức" Vladimir Simindey nói: “Chúng ta phải thừa nhận rằng ban lãnh đạo của các nước lớn ngày nay đã không còn nhớ bài học của lịch sử. Thay vì nỗ lực để giảm xung đột, họ thổi phồng xung đột bằng mọi cách và sử dụng mâu thuẫn nội bộ của các quốc gia khác. Do đó, hành vi của các cường quốc phương Tây hiện nay là rất nguy hiểm, vì họ khuyến khích chủ nghĩa dân tộc Ukraine và thúc đẩy Nga vào dính líu đến cuộc xung đột ở Ukraine”.

Theo kết quả của chiến tranh thế giới thứ nhất, bốn đế quốc: Nga, Áo-Hung, Ottoman và Đức không còn tồn tại. 

Các nước tham chiến đã mất hơn 10 triệu binh sĩ và 12 triệu dân thường. Khoảng 55 triệu người bị thương. Nhưng đó chưa phải là những nạn nhân cuối cùng của tham vọng tranh giành địa chính trị. Các mâu thuẫn chưa được giải quyết, và Thế chiến II sẽ phải xảy ra.

THÚY HÀ_04:30 03/08/2014
http://bizlive.vn/thoi-su-the-gioi/nhac-den-the-chien-thu-nhat-bao-nga-to-phuong-tay-chua-thuoc-bai-hoc-lich-su-324799.html

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post