Sau khi sự kiện Gạc Ma nổ ra, Hải quân Việt Nam đã điều động tới quần đảo Trường Sa những chiến hạm lớn và mạnh nhất của mình vào thời điểm đó.
Tàu hộ vệ săn ngầm Petya
Petya là tên định danh của NATO dành cho lớp tàu hộ vệ săn ngầmDự án 159 Storozhevoi Korabl. Đây là những chiến hạm đầu tiên chạy bằng động cơ turbine khí của Hải quân Liên xô. Vai trò của chúng là chống tàu ngầm tại các vùng nước nông.Tổng cộng 54 tàu đã được chế tạo tại 2 xưởng đóng tàu: Kaliningrad Yantar đóng 22 chiếc và Khabarovsk đóng 32 chiếc.
Hải quân Việt Nam được Liên Xô viện trợ tổng cộng 5 tàu Petya, gồm 3 chiếc Petya II và 2 chiếc Petya III vào thời điểm đầu những năm 1980.
Thông số kỹ thuật cơ bản: Lượng giãn nước tiêu chuẩn 950 tấn, đầy tải 1.150 tấn; dài 81,8 m; rộng 9,2 m; mớn nước 2,9 m; thủy thủ đoàn 90 người.
Tàu được trang bị hỗn hợp 2 động cơ turbine khí và 1 động cơ diesel có tổng công suất 36.000 mã lực, cho tốc độ tối đa 30 hải lý/h; tầm hoạt động 4.870 hải lý khi chạy với tốc độ 10 hải lý/h hoặc 450 hải lý khi chạy ở tốc độ lớn nhất.
Hệ thống điện tử của Petya gồm radar Don-2, Slim Net, Hawk Screech, sonar gắn liền Herkules và cả sonar loại nhúng.
Tấm ảnh trên được nhà báo Nguyễn Viết Thái chụp trong lúc cùng đoàn công tác hải quân ra thăm Trường Sa, ít ngày sau khi xảy ra sự kiện 14/3/1988. |
Tàu hộ vệ săn ngầm Petya II/III là một trong những chiến hạm chủ lực của Hải quân Việt Nam vào thời điểm đó, có nhiệm vụ bảo vệ quần đảo Trường Sa trước mọi thế lực thù địch.
Khinh hạm HQ-01 khi còn là HQ-15 của Hải quân Việt Nam Cộng Hòa |
Tàu hộ vệ lớp Barnegat
Ngoài những tàu chiến do Liên Xô sản xuất, những năm 1980 Hải quân Việt Nam vẫn duy trì một số tàu cỡ lớn thu được sau năm 1975. Trong đó nổi bật là khinh hạm HQ-01 (tên cũ của quân đội Sài Gòn là HQ-15 Phạm Ngũ Lão).
HQ-01/ HQ-15 là một khinh hạm thuộc lớp Barnegat được đóng cho Hải quân Mỹ trong giai đoạn chiến tranh thế giới thứ hai.
Khinh hạm Barnegat có lượng giãn nước tiêu chuẩn 2.040 tấn, đầy tải 2.551 tấn; dài 94,72 m; rộng 12,51 m; mớn nước 3,78 m; thủy thủ đoàn 215 người.
Động cơ diesel 2 trục công suất 6.000 (4,48 MW) mã lực của tàu cho phép chạy với tốc độ tối đa 20 hải lý/h; tầm hoạt động 6.000 hải lý khi chạy ở tốc độ 12 hải lý/h.
Tàu được trang bị 4 pháo 127 mm, 8 pháo phòng không 20 mm (có thể thay bằng 6 pháo phòng không 20 mm và 2 pháo 40 mm) đi kèm với hệ thống radar dẫn bắn và sonar khá đơn sơ.
Khinh hạm HQ-01 làm nhiệm vụ bảo vệ nhà giàn DK |
Ngoài những vũ khí nguyên bản, sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, Bộ Tư lệnh Hải quân đã có chủ trương nghiên cứu cải tiến đưa lên lửa chống hạm P15 lên tàu HQ-01. Nhiệm vụ trên được giao cho đơn vị mang số hiệu 173.
Năm 1976, đơn vị bắt đầu đưa toàn bộ hệ thống chỉ huy, bệ tên lửa xuống tàu, lắp thêm 1 bộ radar SPS-53 của Mỹ trên mặt boong chính để lấy số liệu phần tử bắn.
Ngoài ra còn mở rộng một phòng trên boong trung tâm để đặt thiết bị điều khiển; tăng cường gia cố khung xương và mặt boong tàu...
Cuối năm 1977 thì công việc thi công hoàn chỉnh. Ngày 30 Tết âm lịch Mậu Ngọ 1978, Bộ Tư lệnh tổ chức bắn thử nghiệm vào đảo Hòn Tý, một đảo nhỏ trong quần đảo Phú Quý. Kết quả đạn đã bắn trúng mục tiêu.
Với việc lắp đặt thành công tên lửa chống hạm P15, HQ-01 đã trở thành chiến hạm lớn nhất và mạnh nhất của Hải quân Việt Nam có khả năng hoạt động tại Trường Sa thời điểm năm 1988.
Mặc dù vậy, cả tàu hộ vệ săn ngầm Petya II/III lẫn tàu tên lửa hoán cải HQ-01 đều bị nhận định có sức mạnh còn thua kém rất nhiều các chiến hạm của Trung Quốc tại khu vực.
Tuy nhiên, sự xuất hiện của những tàu hải quân trên tại Trường Sa vào thời điểm nóng nhất là chỗ dựa tinh thần cực kỳ quan trọng cho bộ đội làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của tổ quốc.
http://soha.vn/quan-su/nhung-chien-ham-manh-nhat-cua-viet-nam-tai-truong-sa-nam-1988-20150317020502424.htm