P-500 Bazalt -Tên lửa đối hạm đầu tiên có thể tác chiến theo nhóm

(Soha.vn) - Điểm đặc biệt của các tên lửa đối hạm Liên Xô và Nga bắt đầu từ P-500 trở đi chính là khả năng chia sẻ dữ liệu mục tiêu trong nhóm phóng.




Thông số cơ bản của P-500 Bazalt/ P-1000 Vulkan (SS-N-12 Sandbox)
Dài: 11,7m
Đường kính: 884 mm
Sải cánh: 2,6 m
Tầm bắn: 550/ 700 km
Tốc độ: Mach 2.5/ Mach 2.8
Đầu đạn: 1.000 kg HE hay 350 kT
Trọng lượng phóng: 4.800 kg
Tàu trang bị: Tuần dương hạm mang máy bay lớp Kiev-dự án 1143, Tuần dương hạm lớp Slava-dự án 1164; Tàu ngầm hạt nhân dự án 675-Echo II
Nước sử dụng: Liên Xô/ Nga, Ukraine
P-500 Bazalt hay SS-N-12 Sandbox được thiết kế nhằm thay thế cho tên lửa P-6P-35 (SS-N-3 Shaddock), hiện tại chỉ còn được sử dụng trên tàu mặt nước. Tên lửa này ngày nay vẫn là một trong những loại vũ khí lợi hại nhất của Hải Quân Nga. Ban đầu, tên lửa được thiết kế có thể phóng từ cả tàu mặt nước và tàu ngầm nhằm tấn công hạm đội tàu sân bay ở cự ly trên 500 km, ngoài tầm radar của đội tàu hộ tống.
Cũng như các tên lửa đối hạm khác của Nga, P-500 sử dụng động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn và động cơ hành trình nhiên liệu lỏng cho phép đạt tới tốc độ tối đa Mach 2,5 khi bay cao và Mach 1,5 - 1,6 khi bay ở tầm thấp, độ cao hành trình của tên lửa từ 30 - 7.000 m.
Điểm đặc biệt của các tên lửa đối hạm Liên Xô và Nga bắt đầu từ P-500 trở đi chính là khả năng chia sẻ dữ liệu mục tiêu trong nhóm phóng. Thông thường tên lửa đầu tiên được phóng sẽ bay ở tầm cao để xác định mục tiêu thông qua radar chủ động trong khi các tên lửa khác bay tầm thấp và ở chế độ thụ động. Tên lửa dẫn đầu sẽ truyền dữ liệu về mục tiêu cho các tên lửa còn lại và chỉ định từng mục tiêu cho mỗi tên lửa.
Thông thường một nửa số tên lửa sẽ tấn công vào tàu sân bay và nửa còn lại sẽ tấn công các tàu khác trong khu vực. Nếu tên lửa dẫn đường bị bắn hạ thì ngay lập tức một tên lửa khác sẽ bay lên cao để tiếp tục chỉ huy. Mọi tên lửa trong nhóm phóng đều có hệ thống gây nhiễu tích cực nhằm phá vỡ tuyến phòng thủ của các loại máy bay, tàu chiến đối phương và để tăng khả năng sống sót các bộ phận tên lửa đều được bọc thép.
Được thử nghiệm lần đầu vào những năm 1969-1970 và thử nghiệm lần cuối vào giai đoạn 1971-1975, tên lửa khi hoàn thành có tầm bắn 550 km, mang đầu đạn 1.000 kg HE hoặc đầu đạn hạt nhân 350 kT. Đã có 10 trong số 29 chiếc tàu ngầm hạt nhân Echo II đã được trang bị P-500. Khi tuần tra, các tàu ngầm sẽ trang bị 6 tên lửa mang đầu đạn thường và 2 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Toàn bộ số tàu ngầm này đã ngưng phục vụ từ giữa những năm 1990.
Tàu ngầm hạt nhân dự án 675 Echo II
Từ năm 1977, P-500 được trang bị cho tuần dương hạm mang máy bay lớp Kiev. Có tất cả 4 chiếc loại này đã được chế tạo, 3 chiếc đầu có 8 dàn phóng trên boong trước, chiếc cuối cùng có tên Baku trang bị 12 dàn phóng về sau được đổi tên thành Đô Đốc Gorshkov và bán cho Ấn Độ. Trước khi mang bán, con tàu đã bị tháo dỡ toàn bộ tên lửa và trang bị.

Tuần dương hạm mang máy bay lớp Kiev
Những tàu chiến cuối cùng còn trang bị P-500 là tuần dương hạm lớp Slava. Chiếc đầu tiên phục vụ từ năm 1983, được đại tu lại vào những năm 1990 và đổi tên thành Moskva, chiếc này hiện đang biên chế trong Hạm đội Biển Đen. Chiếc thứ 2 Nguyên Soái Ustinov phục vụ từ năm 1986 trong hạm đội Biển Bắc. Chiếc cuối cùng Varyag phục vụ từ năm 1989 trong Hạm đội Biển Bắc sau này được trang bị lại bằng tên lửa P-1000 Vulkan có hình dạng tương tự P-500 nhưng tầm bắn tăng lên 700 km.
Cả 3 chiếc được trang bị 16 dàn phóng P-500 với sự chỉ thị mục tiêu thông qua trực thăng Ka-27 Helix. Chiếc thứ 4 được trang bị P-500 là chiếc Ukrainian được hoàn thành cuối 2001 nhưng sau những tranh cãi nó đã không bao giờ được biên chế cho Hải Quân Ukraine và hiện tại đã được bán ra nước ngoài, tất nhiên trong tình trạng đã bị tháo bỏ toàn bộ vũ khí - khí tài.
Tuần dương hạm Moskva lớp Slava
P-1000 Vulkan là tên lửa "huyền thoại" nhất của Liên Xô, nó cũng là tên lửa cuối cùng yêu cầu tàu ngầm phải nổi lên trước khi phóng. Ban đầu NATO không phát hiện ra sự phục vụ của P-1000 trong hải quân Liên Xô mặc dù nó đã được trang bị cho 5 tàu ngầm.
P-1000 gần như tương tự P-500 nhưng có vỏ cùng nhiều bộ phận bằng thép khác được thay thế bằng Titan. Điều này giúp giảm đáng kể trọng lượng, động cơ tên lửa mạnh hơn và có hiệu suất cao hơn cho phép nâng tầm bắn lên tới 700 km. Tên lửa được phát triển từ tháng 5/1979, trải qua các cuộc thử nghiệm giữa những năm 1980 và đưa vào phục vụ từ năm 1987. Cuối những năm 1980, tên lửa được trang bị cho 5 tàu ngầm Echo II hiện đại hóa. Do đến giữa những năm 1990 các tàu ngầm này đã ngừng phục vụ nên thực tế P-1000 chỉ phục vụ được 7-8 năm trên tàu tuần dương Varyag.
Do có tầm bắn rất xa nên trong pha giữa tên lửa P-500/ P-1000 thường được cập nhật tham số mục tiêu ở ngoài đường chân trời thông qua các máy bay như Tu-95 RC Bear-D, Ka-25 Hormone-B hoặc Ka-27Helix-B. Cấu hình của tên lửa tương tự như Shaddock nhưng radar chủ động lắp ở mũi đã được nâng cấp năng lực chống đối kháng điện tử khi có khả năng chuyển sang chế độ thụ động tấn công thẳng vào nguồn gây nhiễu của đối phương.
Vì được phát triển dựa trên P-35 Shaddock nên P-500 Bazalt có hình dáng bên ngoài khá tương đồng, nhiều nguồn tin Trung Quốc vẫn cho rằng Việt Nam có P-500 có lẽ là do nhầm lẫn giữa 2 loại tên lửa này. Tuy nhiên phiên bản P-35B hiện đại hóa của hệ thống Redut-M cũng đã tiệm cận được các tính năng với P-500.

Dương Phạm | _theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/quan-su/p-500-bazalt-ten-lua-doi-ham-dau-tien-co-the-tac-chien-theo-nhom-20140407110529487.htm

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post