P-800 Oniks/Yakhont - Tên lửa đối hạm áp dụng công nghệ tàng hình

(Soha.vn) - P-800 Oniks/Yakhont là loại tên lửa đối hạm tiên tiến, mang trong mình nhiều tư duy thiết kế mới của Nga.




Thông số cơ bản của tên lửa P-800 OniksYakhont (SS-N-26)
Dài: 8.9 m
Đường kính: 670 mm
Sải cánh: 1.400 mm
Tầm bắn: 120 - 300 km tùy chế độ bay
Tốc độ: Mach 2.5
Đầu đạn: 250 kg HE xuyên thép
Trọng lượng phóng: 3.000 kg
Trang bị cho: Tàu mặt nước, tàu ngầm, máy bay, xe tải chở dàn phóng trên đất liền.
Nước sử dụng: Nga, Ấn Độ, Việt Nam, Syria.
Việc nghiên cứu chế tạo một loại tên lửa đối hạm với nhiều cải tiến hơn nữa để trang bị cho tàu chiến cỡ nhỏ được bắt đầu vào cuối những năm 1970 bởi NPO Mashinostroenya. Hệ thống mới sẽ được sử dụng không chỉ trên tàu mặt nước mà còn trên cả tàu ngầm, cho các đơn bị tên lửa phòng thủ bờ biển và một phiên bản phóng từ trên không. Tên lửa được yêu cầu phải áp dụng công nghệ tàng hình, có tầm bắn xa với chức năng “bắn và quên”, có đường bay thao diễn phức tạp với nhiều chế độ (cao-thấp, thấp-thấp), có tính đồng nhất cao giữa các phiên bản phóng đi từ tàu mặt nước, tàu ngầm, trên bờ và trên không.
Những cuộc thử nghiệm của tên lửa mới 3M55 cho hệ thống P-800 Oniks bắt đầu vào năm 1987, trước đó nó đã có một phiên bản thử nghiệm khác được đặt tên là P-100 Bolide. Những thử nghiệm cuối cùng diễn ra vào năm 1996 trên 2 tàu chiến được hoán cải là chiếc Nakat - một biến thể của Tarantul với 2 cụm 6 ống phóng SM-403 và trên tàu ngầm dự án 06704 K-452 với 8 cụm 3 ống phóng SM-315.
Chưa có thông tin về việc tên lửa Oniks có được chấp nhận phục vụ trong Hải Quân Nga hay không, tuy nhiên 3 lớp tàu dự kiến trang bị hệ thống này đã được thiết kế. Trong số đó có 10 tàu hộ vệ tên lửa dự án 12301 Scorpion được đóng cho Hải Quân Nga (thay thế cho tàuNanuchka và Tarantul) và một vài trong số 28 chiếc cùng loại được đóng để xuất khẩu (trang bị tên lửa Yakhont - phiên bản xuất khẩu của Oniks).
Vào tháng 12/1993, chiếc đầu tiên của lớp tàu ngầm đa năng thế hệ mới đã được hạ thủy đó là dự án 885 Yasen (NATO: Graney). Việc đóng tàu bị đình lại vào năm 1996 do thiếu kinh phí nhưng hiện tại đã được tái khởi động, con tàu này có tên Severodvinsk được trang bị 8 cụm 3 ống phóng SM-315 với 24 tên lửa.
Tàu ngầm hạt nhân dự án 885 Yasen
Tên lửa Oniks có diện mạo đặc trưng Nga với những cánh delta xếp giữa thân cùng cánh đuôi ngay phía sau. Tên lửa có khả năng mang một đầu đạn thông thường nặng 250 kg. P-800 được trang bị một động cơ phản lực dòng thẳng nhiên liệu lỏng cùng với động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn. Oniks có các đường bay thao diễn phức tạp ở độ cao lên đến 20.000m, thông thường nó sẽ bay đến độ cao 14.000m trong chế độ cao-thấp và khoảng 10-15m ở chế độ thấp- thấp. Khi vào giai đoạn công kích, độ cao của tên lửa được giảm xuống còn 5-10 m. Tầm bắn tối đa đạt 300 km với chế độ cao-thấp hoặc 120 km với chế độ thấp-thấp. Ở cự ly 60-80 km cách mục tiêu, radar của tên lửa sẽ được bật lên để tìm kiếm. Khi mục tiêu đã được xác định, ở khoảng cách 25-30 km, radar sẽ ngừng phát sóng và hoạt động ở chế độ thụ động.
Thông thường chỉ có 1 trong nhóm 3 tên lửa được phóng đi sẽ bật radar của nó và trở thành tên lửa dẫn đầu. Tên lửa cũng có một vài đặc tính khác nữa cho phép tăng cường khả năng thâm nhập xuyên qua hệ thống phòng không của tàu chiến đối phương ví dụ như thân tên lửa được phủ một lớp sơn hấp thụ sóng radar, nó cũng được trang bị một thiết bị thu cảnh báo tín hiệu radar và một thiết bị phân tích giúp thực hiện những động tác thao diễn tuyệt vời khi cần thiết. Tốc độ tối đa đạt Mach 2.5 khi ở tầm cao và Mach 1.5-1.7 ở tầm thấp - tốc độ này có mặt tích cực là tăng khả năng thâm nhập qua hệ thống phòng không của tàu địch nhưng ở khía cạnh khác nó làm cho tên lửa có mức độ bộc lộ hồng ngoại khá cao.
Phiên bản dành cho xuất khẩu của Oniks có tên Yakhont bắt đầu sản xuất vào năm 1998 và đã có một phiên bản hợp tác giữa Nga với Tổ chức nghiên cứu và phát triển quốc phòng Ấn Độ được ra đời dưới tên gọi PJ-10 Brahmos. Tên lửa Brahmos có một chút thay đổi so với Oniks, theo yêu cầu của phía Ấn Độ, Nga đã đầu tư 122 triệu USD cho chương trình này trong khi Ấn Độ bỏ ra 128 triệu USD.
Vụ phóng đầu tiên của tên lửa Brahmos diễn ra vào tháng 6/2001 và cuộc thử nghiệm gần đây nhất là vào năm 2013. Sau các cuộc thử nghiệm, phía Ấn Độ nói rằng loạt 9 tên lửa Brahmos phóng đi có thể phá hủy một nhóm 3 chiếc khu trục hạm cỡ nhỏ trong mọi điều kiện. Theo vài nguồn tin chưa xác định thì Brahmos sẽ được trang bị cho những tàu khu trục cỡ nhỏ lớp Shivalik đang được đóng mới của Ấn Độ (còn được gọi là dự án P-17). Một phiên bản phóng từ máy bay và một phiên bản tên lửa hành trình đối đất của Brahmos cũng đang được phát triển.
Tàu hộ vệ tên lửa INS Teg lớp Talwar được trang bị tên lửa Brahmos
Tên lửa Yakhont đã sẵn sàng cho việc xuất khẩu từ năm 1998, Việt Nam chính là khách hàng đầu tiên khi mua 40 tên lửa để trang bị cho 2 hệ thống phòng thủ bờ biển Bastion-P, sau đó đến lượt Syria cũng mua các hệ thống tương tự, ngoài ra còn có Indonesia cũng đã mua một lượng nhỏ để nâng cấp tàu hộ vệ tên lửa Ahmad Yani của mình.

Dương Phạm | _theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/quan-su/p-800-oniksyakhont-ten-lua-doi-ham-ap-dung-cong-nghe-tang-hinh-20140507162619168.htm

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post