R-60 - Tên lửa đối không chủ lực của MiG-21 và Su-22 Việt Nam

(Soha.vn) - Với số lượng lớn MiG-21 và Su-22 trong biên chế, tên lửa R-60 vẫn giữ một vai trò quan trọng trong kho vũ khí đối không của tiêm kích Việt Nam.




Thông số kỹ thuật của tên lửa R-60
Trọng lượng: 43,5 kg
Chiều dài: 2.090 mm
Đường kính: 120 mm
Sải cánh: 390 mm
Vận tốc: Mach 2,7
Tầm bắn: 8 km
Trần bay: 20.000 m
Đầu nổ: 3 kg, loại đầu nổ tiếp xúc
Hệ thống dẫn đường: hồng ngoại
Máy bay trang bị: MiG-21, MiG-23, MiG-25, MiG-27, MiG-29, MiG-31, Su-15, Su-17, Su-20, Su-22, Su-24, Su-25, Yak-28, Yak-38, Yak-141, Mi-24...


Với chủ trương của Đảng và Nhà nước đưa 3 lực lượng Hải quân, Phòng không - Không quân và Thông tin liên lạc tiến thẳng lên hiện đại thì Không quân Việt Nam gần đây đã được trang bị những máy bay tiêm kích thế hệ mới kèm theo nhiều loại tên lửa hàng không có tính năng chiến đấu cao.

R-60 (NATO định danh AA-8 Aphid) là loại tên lửa không-đối-không tầm ngắn của không quân Liên Xô. R-60 được phát triển bởi cục thiết kế Molniya vào cuối những năm 1960 để thay thế cho loại tên lửa tầm ngắn cũ K-13 (AA-2 Atoll) và bắt đầu được sản xuất từ năm 1973. R-60 được sử dụng trên nhiều loại máy bay chiến đấu của không quân Liên Xô như Mi-24, Su-15 bis, Su-17M3, Yak-38, MiG-21 bis, MiG-23, MiG-25, MiG-27, MiG-29...

Tên lửa R-60 của Ukraine
R-60 có khối lượng nhỏ hơn khá nhiều so với các tên lửa đối không tầm ngắn của phương Tây. Thời gian phát triển loại tên lửa này cũng khá ngắn, chỉ khoảng 4 năm từ khi bắt đầu thiết kế đến lúc đưa vào sản xuất hàng loạt (so với thời gian trung bình để phát triển một loại tên lửa không-đối-không mới của Liên Xô là 8 đến 9 năm).
Sở dĩ có sự rút ngắn thời gian này là bởi Liên Xô đã thu được rất nhiều kinh nghiệm thực chiến của loại tên lửa đối không K-13 (AA-2 Atoll), đặc biệt là từ các phi công Không quân Việt Nam đã sử dụng K-13 để chiến đấu với Không quân Mỹ.
Tên lửa R-60 trên máy bay MiG-29
Thiết kế của R-60 bao gồm đầu dò hồng ngoại ở mũi, tiếp đến là đầu nổ và cuối cùng là động cơ nhiên liệu rắn. Khả năng linh hoạt cực cao của R-60 nhờ vào thiết kế thân ngắn và cơ chế điều hướng với 4 cánh lái nhỏ ở đầu và 4 cánh lái lớn ở đuôi tên lửa.
Đầu dò hồng ngoại của R-60 sử dụng công nghệ những năm 1970, nhưng về sau trước sự xuất hiện của các biện pháp gây nhiễu tên lửa tầm nhiệt nên ở phiên bản R-60M đã được tích hợp khả năng chống nhiễu và góc dò tìm tín hiệu nhiệt được mở rộng. Ngòi nổ radar lẫn quang học đều có thể được sử dụng trên R-60.
R-60 là vũ khí không chiến chính của trực thăng vũ trang Mi-24
Với sự kết hợp giữa đầu dò hiệu quả và khả năng linh hoạt giúp R-60 thành một loại vũ khí không chiến đáng tin cậy. Mặc dù tầm bắn chỉ khoảng 8 km nhưng mục đích chính là sử dụng trong không chiến tầm cực gần khiến R-60 trở thành vũ khí không thể thiếu, thậm chí sự kết hợp giữa R-60 và MiG-29 còn là biểu tượng sức mạnh không chiến của Không quân Liên Xô.
Có thể nói R-60 là một loại tên lửa thành công trong thời gian phục vụ của nó với đầu dò nhiệt hiệu quả và sự nhanh nhẹn đáng kinh ngạc. Về sau R-60 được thay thế bởi loại tên lửa hiện đại hơn là R-73, vốn được cải tiến dựa trên thiết kế của R-60.
Tên lửa R-60 gắn dưới bụng máy bay MiG-23
Trong Không quân Việt Nam, tên lửa đối không R-60 có thể được sử dụng trên tất cả các loại máy bay chiến đấu nhưng chủ yếu vẫn được trang bị cho MiG-21 và Su-22. Mặc dù không thể sánh bằng tên lửa R-73 trang bị cho Su-27 và Su-30 nhưng với số lượng lớn MiG-21 vàSu-22 trong biên chế thì tên lửa R-60 vẫn giữ một vai trò quan trọng trong kho vũ khí đối không của tiêm kích Việt Nam.

Tiêm kích MiG-21 bis Việt Nam với tên lửa R-60
theo Trí Thức Trẻ_Quang Minh | 

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post