(Kiến Thức) - Tàu chiến Gepard 3.9 tương lai của Hải quân Việt Nam nhiều khả năng vẫn giữ nguyên hệ thống vũ khí nhưng có bổ sung hệ thống chống tàu ngầm.
http://kienthuc.net.vn/vu-khi/tau-chien-gepard-39-viet-nam-co-vu-khi-san-ngam-255198.html
Mô hình tàu hộ vệ Gepard xuất hiện tại IMDS 2013 với thiết bị khá giống hệ thống định vị thủy âm dưới thân tàu ngầm. |
Gần đây, phát ngôn viên của nhà máy đóng tàu Zelenodolsky (Nga) cho hay, sẽ bắt đầu khởi đóng 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 Project 11661 tiếp theo cho Hải quân Nhân dân Việt Nam trong tháng 9/2013.
Theo Phó Giám đốc Cơ quan Hợp tác Kỹ thuật Quân sự Liên bang Nga (FSVTS) Vyacheslav Dzirkaln thì trong tháng 7/2012, Việt Nam chính thức ký hợp đồng với Nga mua thêm 2 tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9, sau quá trình vận hành cho thấy lớp tàu này có khả năng hoạt động tốt trên vùng biển duyên hải ở Biển Đông.
Cũng theo đại diện của Zelenodolsky, 2 tàu hộ vệ Gepard 3.9 mới sẽ được chuyển giao cho Hải quân Nhân dân Việt Nam vào năm 2016-2017.
Hiện vẫn chưa rõ cấu hình vũ khí cụ thể của 2 tàu hộ vệ Gepard 3.9 tiếp theo xuất khẩu cho Hải quân Nhân dân Việt Nam.
Tuy nhiên, tại triển lãm hàng hải quốc tế IMDS 2013 tổ chức tại Nga trong tháng 7, nhà máy đóng tàu Zlenodolsky có đưa tới trưng bày mô hình tàu hộ vệ lớp Gepard 3.9 giống hệ với 2 tàu hộ vệ tên lửa mà Việt Nam đang sử dụng, chỉ khác biệt ở một vài điểm. Điều này dấy lên những phỏng đoán cho rằng đó có thể chính là cấu hình của 2 tàu hộ vệ Gepard tiếp theo đang được đóng cho Việt Nam.
Theo đó, mô hình tàu hộ vệ Gepard trưng bày tại triển lại có bố trí kiến trúc thượng tầng, hệ thống vũ khí giống hệt với các tàu Gepard 3.9 xuất khẩu cho Việt Nam.
Ví dụ, ở phía trước tháp chỉ huy trang bị một pháo hạm AK-176, ngay sau pháo là tổ hợp pháo – tên lửa phòng không tầm thấp Palma-SU, ở giữa thân tàu là 2 cụm ống phóng (4 ống/cụm) bố trí chéo nhau chứa đạn tên lửa hành trình chống tàu. Tiếp theo, ở đuôi tàu có 2 ụ pháo phòng không bắn nhanh AK-630 6 nòng cỡ 30mm.
Đuôi tàu vẫn được bố trí một sân đáp dành cho trực thăng tuần tra/chống tàu ngầm Kamov Ka-27/28. Tuy nhiên không có nhà chứa máy bay. Nếu đó là biến thể Ka-27 gấp gọn cánh quạt có thể giúp nó đẩy vào trong khe giữa 2 khoang lắp ụ pháo AK-630.
Điều đặc biệt nhất của mô hình này là sự xuất hiện của thiết bị nằm dưới thân tàu khá giống với vỏ bọc bên ngoài hệ thống định vị thủy âm cho phép phát hiện tàu ngầm đối phương.
Nhưng điều đáng tiếc là trên tàu không thấy có sự xuất hiện của hệ thống ngư lôi chống tàu ngầm hay là hệ thống rocket săn ngầm kiểu RBU. Như vậy, tàu Gepard này chỉ có khả năng phát hiện tàu ngầm nhưng lại không thể tiêu diệt tàu ngầm.
Nửa thân sau của mô hình tàu Gepard 3.9 trưng bày tại triển lãm. |
Tất nhiên, đây có phải là thiết kế tàu Gepard 3.9 tương lai dành cho Hải quân Nhân dân Việt Nam hay không vẫn là một câu hỏi lớn, khó xác định ở thời điểm hiện tại. Mọi việc chỉ có thể rõ ràng sau vài năm nữa khi các tàu này thành hình.
Chúng ta có quyền hi vọng rằng tàu Gepard 3.9 tương lai của Việt Nam sẽ được cấu hình vũ khí mạnh hơn hiện tại với việc trang bị hệ thống tên lửa phòng không tầm trung (ví dụ như loại Shtil-1), hệ thống chống tàu ngầm đầy đủ từ khí tài trinh sát tới tấn công, tiêu diệt tàu ngầm. Và đặc biệt là có tên lửa chống tàu mặt nước tốt hơn, bắn xa hơn loại Kh-35 Uran-E.
Hoàng Lê_Cập nhật lúc: 06:00 20/08/2013http://kienthuc.net.vn/vu-khi/tau-chien-gepard-39-viet-nam-co-vu-khi-san-ngam-255198.html