Theo Công ty Arsenal (Nga) cặp tàu Molniya M3, M4 (số hiệu 379 và 380) cũng các tàu Gepard tiếp theo được đóng cho Hải quân Việt Nam đều được trang bị pháo hạm AK-176MA tiên tiến.
Pháo hạm AK-176MA trên tàu tên lửa tiến công nhanh số hiệu 380 vừa được chính thức thượng cờ ngày 24/09. Ảnh: Tuổi trẻ. |
Trong các loại pháo hạm hiện đang được trang bị cho các tàu chiến của Hải quân Nhân dân Việt Nam thì mẫu pháo hạm AK-176M là loại pháo hiện đại và có uy lực nhất.
Cụ thể, dòng pháo hạm đã được trang bị trên những chiếc tàu chiến mới và hiện đại như các tàu tên lửa tiến công nhanh Molniya, BPS-500; tàu hộ vệ tên lửa Gepard; tàu pháo tuần tiễu TT-400TP hay Svetlyak.
Đặc biệt, trong đợt tiếp nhận cặp tàu tên lửa Molniya M3, M4 (số hiệu lần lượt là 379 và 380) "Made in Vietnam" do Tổng công ty Ba Son đảm nhiệm thi công, đã xuất hiện một biến thể mới, có thể gọi là tiên tiến nhất của dòng pháo hạm AK-176M.
Theo thông tin được công bố bởi nhà sản xuất - Công ty Arsenal, một trong những đơn vị chế tạo pháo hạm nổi tiếng và lâu đời nhất ở Nga, thì pháo hạm thế hệ mới được trang bị trên cặp tàu Molniya M3, M4 cũng như 2 tàu Gepard tiếp theo là phiên bản AK-176MA.
Thiết bị ngắm quang điện Sfera-02 cùng máy tính điều khiển. |
Pháo hạm AK-176MA được thiết kế để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên biển và mục tiêu ven bờ, được nâng cấp với hệ thống ngắm bắn quang điện phụ trợ Sfera-02 thay cho vị trí của kính ngắm bán tự động Kondensor 211A trên pháo AK-176M thế hệ trước.
Thiết bị này được thiết kế để giám sát, ngắm bắn mục tiêu trên không, trên đất liền, trên biển kể cả ban ngày, ban đêm, trong mọi điều kiện thời tiết thông qua kênh quang tuyến hoặc hồng ngoại.
Được biết, hệ thống ngắm bắn quang điện Sfera-02 được chế tạo bởi Hiệp hội Chế tạo - Khoa học Karat có trụ sở tại Thành phố St. Petersburg, Nga.
Pháo hạm AK-176MA khai hỏa. |
Hiện tại, pháo AK-176M cũng như AK-176MA được dẫn bắn bằng radar kiểm soát hỏa lực MR-123-02 hoặc phiên bản hiện đại hơn là 5P-10-03E Laska. Hệ thống ngắm bắn quang điện Sfera-02 chỉ đóng vai trò bổ trợ hoặc để sử dụng khi radar không hoạt động.
Tuy nhiên, với khả năng tự động bám bắt mục tiêu, kính ngắm quang điện Sfera-02 sẽ tin cậy hơn rất nhiều, giúp tăng hiệu suất chiến đấu diệt mục tiêu so với kính ngắm bán tự động Kondensor 211A.
Xạ thủ tự kích hoạt thông qua máy tính điều khiển từ xa thay vì điều khiển bằng tay nếu sử dụng cửa sổ ngắm ở pháo thế hệ trước.
Hiện nay, công ty Arsenal đã chế tạo hơn 20 khẩu AK-176MA cho một số khách hàng nước ngoài và tiến hành nghiên cứu 1 phiên bản nâng cấp mới tăng cường độ chính xác, giảm khối lượng, kích thước của pháo, sử dụng các thiết bị điện tử và thiết kế tàng hình.
theo Trí Thức Trẻ _ Ly Vy |