Tàu tên lửa tấn công nhanh mạnh nhất Đông Bắc Á có hơn Molniya?

Gần đây một số chuyên gia quân sự quốc tế cho rằng Việt Nam nên mua tàu tên lửa cỡ nhỏ Gumdoksuri của Hàn Quốc để tăng cường sức mạnh, tuy nhiên lớp tàu này có ưu việt hơn Molniya?




Gumdoksuri (hay còn được gọi với cái tên PKG) là lớp tàu tên lửa tấn công nhanh của Hải quân Hàn Quốc được đóng phục vụ mục đích tuần tra ven bờ. Chiếc đầu tiên của lớp có tên Yoon Youngha mang số hiệu 711 chính thức vào biên chế ngày 17/12/2008.
Tính đến thời điểm hiện tại đã có tất cả 17 chiếc Gumdoksuri đi vào hoạt động, đây được xem là lớp tàu tên lửa tấn công nhanh tốt nhất khu vực Đông Bắc Á. Trong ảnh là tàu ROKS Yoon Youngha số hiệu 711 trước lễ hạ thủy.
Hàn Quốc bắt đầu phát triển tàu tuần tra lớp PKG vào năm 2003, sau khi một tàu lớp Chamsuri (PKM) bị chìm trong cuộc đụng độ với Hải quân Triều Tiên ngày 29/6/2002. Chương trình nghiên cứu có mã PKX được xem như dự án hiện đại hóa hạm đội tàu tuần tra của Hải quân Hàn Quốc.
PKX gồm 2 phân lớp: tàu tên lửa PKG-A có lượng giãn nước 500 tấn được thiết kế để thực hiện một số nhiệm vụ thay cho tàu hộ vệ lớp Pohang và tàu pháo PKG-B có lượng giãn nước 200 tấn sẽ thay thế đội tàu tuần tra lớp Chamsuri đã khá cao tuổi.
Theo kế hoạch đã được phê duyệt, Hải quân Hàn Quốc dự định đóng tất cả 18 tàu tên lửa PKG-A và 24 tàu pháo PKG-B.
Phiên bản PKG-A có lượng giãn nước đầy tải 570 tấn; chiều dài 63 m; chiều rộng 9 m; mớn nước 3,2 m; thủy thủ đoàn 40 người. Đơn giá một tàu vào thời điểm năm 2009 là 37,7 triệu USD.
Tàu được trang bị kết hợp 2 động cơ turbine khí General Electric LM500 cùng 2 động cơ MTU 12V 595 TE90 cho tốc độ tối đa 41,5 hải lý/h (76,9 km/h).
Điểm đặc biệt của Gumdoksuri là tàu không có chân vịt như truyền thống mà lại sử dụng hệ thống đẩy phản lực nước cho khả năng xoay trở rất nhanh, đặc biệt thích hợp khi hoạt động ở vùng nước nông.
Tuy nhiên hệ thống đẩy phản lực nước cũng có nhược điểm là chi phí cao, dễ bị hỏng hóc và chỉ đạt hiệu suất tốt khi chạy ở tốc độ cao.
Hệ thống điện tử của Gumdoksuri khá tinh vi và hiện đại gồm radar tìm kiếm bề mặt STX SPS-100K; radar kiểm soát đường không 3D LIG Nex1 SPS-540K; radar kiểm soát hỏa lực Saab CEROS 200 và hệ thống ngắm quang điện tử do liên doanh Samsung Thales sản xuất.
Ngoài ra, tàu còn được trang bị hệ thống tác chiến điện tử LIG Nex1 Sonata SLQ-200(V)K và 2 hệ thống phóng mồi bẫy KDAGAIE Mark 2.
Phía trước tàu là pháo hạm Hyundai Wia cỡ 76 mm do Hàn Quốc chế tạo theo nguyên mẫu Oto Melara Super Rapid. Pháo sử dụng loại đạn 76 x 636 mmR có trọng lượng 12,34 kg; sơ tốc 905 m/s; tầm bắn 16 km với đạn thường và lên tới 40 km với đạn tăng tầm Vulcano; tốc độ bắn 120 phát/phút.
Đảm nhiệm chức năng phòng không là pháo hạm Doosan DST nòng đôi cỡ 40 mm bố trí phía sau tàu, ngoài ra còn có thêm các tên lửa phòng không vác vai KP-SAM Shingung (hay còn gọi là Chiron).
Vũ khí mạnh nhất của Gumdoksuri là 4 tên lửa hành trình chống hạm cận âm SSM-700K Hae Sung do Hàn Quốc tự chế tạo trong nước dựa trên việc tham khảo tên lửa Exocet của Pháp và Harpoon của Mỹ.
Tên lửa SSM-700K có trọng lượng 718 kg; dài 5,46 m; đường kính 0,54 m; tầm bắn 150 km và tốc độ hành trình đạt tới Mach 0,85 (1.013 km/h). Đơn giá một quả là khoảng 2,3 triệu USD tại thời điểm chính thức đưa vào trang bị năm 2006.
Có thể thấy rằng lớp tàu tên lửa tấn công nhanh Gumdoksuri của Hải quân Hàn Quốc ngoài thiết kế giúp làm giảm diện tích phản xạ radar thì năng lực tác chiến hoàn toàn không có gì nổi trội hơn Molniya của Việt Nam, nếu không muốn nói là còn có phần thua sút về hỏa lực.
Việt Nam hoàn toàn không cần thiết phải mua tàu tên lửa lớp Gumdoksuri của Hàn Quốc như lời gợi ý của một vài chuyên gia, nhất là khi chúng ta đã tự đóng được tàu Molniya trong nước.
theo Đại Lộ_Phi Yến | 

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post