Việc Việt Nam chính thức đặt mua và đang tiến hành công tác chuẩn bị để tiếp nhận tổ hợp tên lửa phòng không SPYDER. Vậy đâu là những thế mạnh của tổ hợp tên lửa phòng không này?
Đáp ứng tiêu chí “tiến thẳng lên hiện đại”
Tổ hợp tên lửa phòng không (THTLPK) SPYDER là sản phẩm nghiên cứu phát triển và chế tạo của “Phân bộ các hệ thống chiếm ưu thế trên không” (Air Superiority Systems Division) thuộc “Công ty TNHH Các hệ thống phòng vệ tiên tiến Rafael” đóng ở miền Bắc Israel.
Công ty này hiện đang là nhà thầu quốc phòng lớn thứ hai ở Israel, với doanh số bán vũ khí và các hệ thống khí tài quân sự đạt hàng tỷ USD mỗi năm.
Xe bệ mang phóng tự hành của phiên bản TLPK SPYDER-SR tầm ngắn. |
THTLPK SPYDER có hai phiên bản:
- THTLPK SPYDER tầm ngắn (còn được gọi tắt theo tiếng Anh là “SPYDER-SR ADS”) có vùng diệt mục tiêu trong khoảng cự ly từ 1 km tới 20 km, độ cao từ 20 m tới 9.000 m;
- THTLPK SPYDER tầm trung (còn được gọi tắt theo tiếng Anh là “SPYDER-MR ADS”) có vùng diệt mục tiêu tương ứng với cự ly tới 50 km và độ cao tới 16.000 m.
SPYDER được thiết kế để phục vụ cho việc tổ chức tác chiến phòng không theo phương thức tác chiến mạng trung tâm, tác chiến trong mọi điều kiện thời tiết, có khả năng cơ động tự hành cao, chuyển cấp chiến đấu nhanh và ngắm bắn được nhiều mục tiêu cùng lúc.
Tổ hợp có khả năng tiêu diệt các loại mục tiêu bay gồm máy bay tiêm kích, trực thăng, máy bay không người lái, tên lửa hành trình và các loại bom, đạn có điều khiển khác được phóng từ xa trong môi trường chế áp điện tử mạnh.
Xe bệ mang phóng tự hành của phiên bản TLPK SPYDER-MR tầm trung. |
SPYDER kết hợp các mảng ghép công nghệ hiện đại hàng đầu TG về hệ thống Thông tin chỉ huy – Quản lý sử dụng vũ khí trang bị kỹ thuật – Xử lý tình báo (C4I), hệ thống khí tài trinh sát mục tiêu đường không tiên tiến và đạn tên lửa có tính năng kỹ chiến thuật ưu việt.
THTLPK SPYDER được trang bị khí tài trinh sát quang điện tử thụ động TOPLITE trên từng xe bệ phóng để đảm bảo khả năng phát hiện và chỉ thị mục tiêu cho đạn tên lửa ngay khi xe đang hành tiến và trong trường hợp kênh trinh sát vô tuyến bị gây nhiễu.
Khí tài trinh sát vô tuyến điện tử của THTLPK SPYDER sử dụng công nghệ anten mảng pha quét điện tử chủ động, trong đó SPYDER tầm ngắn được trang bị đài radar vô tuyến EL/M-2106 và SPYDER tầm trung được trang bị đài radar vô tuyến EL/M-2084.
Hai đài radar này có tính năng chống chế áp điện tử, khả năng phát hiện và theo dõi đồng thời hàng chục tới hàng trăm mục tiêu bay, qua đó cung cấp tình báo mục tiêu đủ 3 tham số cho hệ thống máy tính phục vụ chỉ huy tác chiến tự động.
THTLPK SPYDER sử dụng 2 loại đạn tên lửa: đạn tên lửa có đầu tự dẫn ra đa vô tuyến chủ động Derby và đạn tên lửa có đầu tự dẫn thụ động công nghệ ảnh nhiệt hồng ngoại 2 băng sóng Python-5.
Các đạn tên lửa này có thể được khí tài trinh sát mục tiêu trên xe chỉ huy hoặc trên xe bệ phóng chỉ thị mục tiêu trước khi phóng (Lock On Before Launch) khi mục tiêu nằm trong tầm bắt bám của đầu tự dẫn trên đạn tên lửa.
Hoặc chúng tự phát hiện mục tiêu được chỉ định sau khi phóng (Lock On After Launch) khi mục tiêu nằm ngoài tầm bắt bám của đầu tự dẫn trên đạn tên lửa.
Đạn tên lửa của THTLPK SPYDER tầm ngắn và THTLPK SPYDER tầm trung khác nhau ở chỗ đạn tên lửa của THTLPK SPYDER tầm trung có thêm 1 tầng động cơ thuốc phóng rắn để tăng tầm bắn.
Về mặt thiết kế, đạn tên lửa của cả 2 tổ hợp này tương thích với các đạn tên lửa đối không thế hệ mới cùng tên do Israel cung cấp cho các máy bay tiêm kích thế hệ 4+.
THTLPK SPYDER được biên chế cấp tiểu đoàn gồm:
Từ 4 xe bệ phóng (SPYDER-MR ADS) tới 6 xe bệ phóng (SPYDER-SR ADS), 1 xe chỉ huy, 1 xe đài radar trinh sát tích hợp hệ thống nhận diện địch ta (đài radar trinh sát của SPYDER-SR ADS được tích hợp trên xe chỉ huy), các xe tiếp đạn, xe bảo dưỡng kiểm chỉnh,...
Tất cả các xe của tổ hợp đều được thiết kế trên khung xe bánh lốp, được trang bị hệ thống điều hoà nhiệt độ và phòng chống tác nhân xạ sinh hoá, có máy phát điện dự phòng và có kích cỡ tiêu chuẩn.
Nhờ đó, đảm bảo tính năng cơ động cao trên các hệ thống đường bộ, đường sắt, đường biển hiện có, đồng thời duy trì khả năng việt dã trên mọi loại địa hình đồng bằng và trung du.
THTLPK SPYDER ứng dụng công nghệ truyền dữ liệu vô tuyến tự động qua băng sóng VHF/UHF, được mã hoá và kháng nhiễu giữa các xe trong tổ hợp và giữa tổ hợp với các bộ phận khác nhau của hệ thống phòng không hợp nhất từ khoảng cách 100 km.
Đây là yếu tố quan trọng trong việc đảm bảo mạng lưới thông tin chỉ huy kịp thời, chính xác, bí mật và an toàn của tổ hợp trong tác chiến phòng không hiện đại.
Hiện nay, THTLPK SPYDER đã được đưa vào trang bị trong quân đội các nước như Ấn Độ, Pê-ru, Singapore.
Đáp ứng tiêu chí cơ động lực lượng và chuyển hoá thế trận
Trong tác chiến đường không hiện đại, bên tiến công thường sử dụng đòn tập kích đường không bất ngờ, quy mô lớn và cường độ cao.
Các loại vũ khí không đối đất công nghệ cao được phóng từ ngoài khu vực phòng không để tiêu diệt các mục tiêu chiến lược và tiêu diệt chính bản thân lực lượng phòng không của bên kia.
Để có thể ứng phó với thủ đoạn tiến công tầm xa phi tiếp xúc này của địch và nhằm giáng trả lực lượng tập kích đường không của địch một cách hiệu quả, bảo vệ tốt nhất mục tiêu phòng không được giao và bảo toàn lực lượng chiến đấu thì:
"Lực lượng tên lửa phòng không phải đáp ứng được tiêu chí chơ động lực lượng chuyển hoá thế trận".
THTLPK SPYDER đáp ứng được tiêu chí cơ động lực lượng chuyển hoá thế trận phòng không để đảm bảo có một thế trận phòng không liên hoàn, hiểm hóc, có chiều sâu và vững chắc.
Một phân đội tên lửa phòng không (TLPK) được trang bị THTLPK SPYDER có thể sử dụng phiên bản SPYDER-SR ADS, hoặc phiên bản SPYDER-MR ADS, hoặc kết hợp cả 2.
Trường hợp có nhiều phân đội TLPK sử dụng riêng rẽ một trong 2 phiên bản của THTLPK SPYDER, thế trận phòng không khu vực phòng thủ có thể hình thành 2 vành đai bảo vệ quanh mục tiêu:
- Vành đai ngoài là các THTLPK SPYDER tầm trung được bố trí cách tâm mục tiêu từ 30 km tới 50 km;
- Vành đai trong là các THTLPK SPYDER tầm ngắn bố trí cách tâm mục tiêu từ 10 km tới 20 km.
Cả 2 phiên bản tên lửa SPYDER có thể kết hợp với nhau để bảo vệ mục tiêu. |
Giữa 2 vành đai này và giữa các phân đội hình thành vùng diệt mục tiêu có sự chồng lấn, hỗ trợ lẫn nhau vừa để dự phòng tổn thất lực lượng trong chiến đấu, vừa để tạo mật độ đạn tên lửa đủ đảm bảo đánh chặn cùng lúc nhiều mục tiêu chống đòn tấn công ồ ạt của địch.
Trường hợp bố trí thế trận cho phân đội TLPK được trang bị THTLPK SPYDER hỗn hợp, các xe bệ phóng SPYDER SR/MR được đặt sát mục tiêu cần bảo vệ để tạo thành 2 lớp phòng không đồng tâm có khả năng phóng đạn bắn bồi mục tiêu nhằm tăng hiệu quả xạ kích.
Nhờ tính năng triển khai/thu hồi nhanh cả tổ hợp trong khoảng thời gian dưới 5 phút và tính năng cơ động tự hành tốc độ cao trên các trục đường giao thông, THTLPK SPYDER có thể thay đổi trận địa chiến đấu rất linh hoạt.
Qua đó, chuyển hoá thế trận phòng không nhanh chóng từ phòng thủ vành đai sang phòng thủ lớp, thay đổi cự ly bố trí trận địa hoặc tăng cường trận địa theo hướng để tạo chiều sâu và tăng độ vững chắc phòng thủ.
Với kết nối mạng thông tin chỉ huy và tình báo phòng không qua khí tài vô tuyến mã hoá cự ly xa, THTLPK SPYDER còn có thể đồng bộ và hiệp đồng tác chiến với các phân đội TLPK khác loại.
Nhờ vậy sẽ tạo thành thế trận phòng không liên hoàn và hiểm hóc để tạo thế bất ngờ phản công tiêu diệt địch nhằm tạo hiệu suất chiến đấu cao nhất.
Khí tài trinh sát quang điện tử TOPLITE. |
Đáp ứng tiêu chí chống chế áp điện tử
Bên cạnh việc sử dụng vũ khí công nghệ cao tấn công tầm xa phi tiếp xúc, bên tập kích đường không còn khai thác triệt để ưu thế chế áp môi trường vô tuyến điện từ để vô hiệu các THTLPK thế hệ cũ của đối phương.
THTLPK SPYDER có các tính năng chống chế áp điện tử để đối phó hiệu quả và triệt tiêu ưu thế của địch trong tất cả các khâu của tác chiến phòng không từ trinh sát, phát hiện mục tiêu, đảm bảo thông tin chỉ huy và chỉ huy xạ kích.
Hệ thống radar trinh sát và chỉ thị mục tiêu EL/M-2106 và EL/M-2084 của THTLPK SPYDER được thiết kế trên nền tảng công nghệ an ten mảng pha quét điện tử chủ động (AESA).
Anten của loại radar này gồm nhiều phần tử bán dẫn thu phát chủ động tích hợp và có khả năng biến tần linh hoạt ở mức công suất phát rất thấp.
Đây là các đặc điểm vận hành giúp loại ra đa này rất khó bị phát hiện và chế áp bởi khí tài trinh sát và chế áp điện tử của đối phương.
Ngoài hệ thống radar trinh sát rất khó gây nhiễu vừa nêu, THTLPK SPYDER còn có các khí tài trinh sát quang điện tử TOPLITE trang bị cho từng xe bệ phóng để làm kênh trinh sát dự phòng trong trường hợp hệ thống trinh sát radar bị gây nhiễu hoặc phá huỷ.
Hệ thống thông tin chỉ huy qua kênh vô tuyến VHF/UHF của THTLPK SPYDER cũng được thiết kế để đảm bảo vận hành thông suốt trong môi trường bị chế áp điện tử.
Các đạn tên lửa của THTLPK SPYDER cũng được thiết kế để có thể miễn nhiễm với gây nhiễu điện tử, với các đạn có đầu tự dẫn ảnh nhiệt hồng ngoại 2 băng sóng và đạn có đầu tự dẫn ra đa chủ động.
Với việc đáp ứng các tiêu chí vừa nêu thì việc trang bị THTLPK SPYDER là phù hợp với tình hình thực tế về tổ chức thế trận phòng không, cũng như định hướng xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân trong giai đoạn hiện nay.
theo Trí Thức Trẻ_Chuyên gia quân sự Nam Hoài |
http://soha.vn/quan-su/ten-lua-spyder-hoa-luc-phong-khong-dan-kin-bau-troi-20151021220608149.htm