Trả lời Zing.vn, các chuyên gia an ninh nhận định cảng Cam Ranh có vị trí quan trọng chiến lược trong thời điểm Biển Đông căng thẳng vì các hành vi gây hấn của Trung Quốc.
http://news.zing.vn/Vai-tro-chien-luoc-cua-Cam-Ranh-khi-Bien-Dong-cang-thang-post634041.html
Quân cảng Cam Ranh. Ảnh: Lê Quân |
- Các cường quốc như Mỹ, Nga và Nhật đều muốn tiếp cận Cam Ranh. Quân cảng này sẽ tác động đến sự cân bằng sức mạnh hàng hải ở châu Á như thế nào? Nếu được cho phép, hoạt động của Mỹ và Nhật ở Cam Ranh sẽ ảnh hưởng thế nào đến hành vi của Trung Quốc ở Trường Sa và Hoàng Sa?
Ông Nguyễn Mạnh Hùng là giáo sư môn chính trị và quan hệ quốc tế của ĐH George Mason (Mỹ), cộng tác viên cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quan hệ quốc tế (CSIS). Ảnh: Hải An |
- GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tôi cho rằng ý định của các bên chỉ là sự khởi đầu. Sự hiện diện thực sự của tàu chiến những nước này chắc chắn ảnh hưởng đến cân bằng sức mạnh hàng hải ở châu Á. Nó sẽ hạn chế tham vọng độc chiếm Biển Đông của Trung Quốc, buộc Bắc Kinh cẩn trọng hơn trong các hành động bất hợp pháp của họ tại Trường Sa và Hoàng Sa.
- TS Malcolm Cook: Khi Hạm đội Nam Hải của Trung Quốc đang đóng ở đảo Hải Nam, tàu ngầm hạt nhân duy nhất của nước này cũng được đưa đến đây, thì Mỹ và Nhật rất quan tâm đến việc theo dõi các động thái của Trung Quốc ở Biển Đông. Các nước này đều quan tâm đến việc được tiếp cận cảng Cam Ranh, căn cứ ở Singapore, các cảng ở Sabah và Sarawak của Malaysia, Luzon và Palawan ở Philippines.
Cảng Cam Ranh đã trở nên quan trọng trở lại trong bối cảnh hiện nay. Nếu liên minh Mỹ - Thái tiếp tục suy yếu, Cam Ranh sẽ càng có ý nghĩa to lớn hơn hơn đối với Mỹ và Nhật.
Vai trò của Cam Ranh trong tình hình Biển Đông
- Trong quá khứ, vị trí chiến lược của Cam Ranh đã được chứng minh trong giai đoạn Thế chiến 2 hoặc Chiến tranh Lạnh. Ông đánh giá thế nào về vai trò mới của Cam Ranh trong tình hình Biển Đông hiện nay?
- GS James Holmes: Alfred Thayer Mahan, chủ tịch thứ hai của Đại học Chiến tranh Hải quân, đánh giá giá trị của một cảng hải quân dựa vào vị trí địa lý, sức mạnh phòng thủ, và nguồn lực (như khả năng tiếp liệu nhanh chóng của các tàu ghé thăm, kho lưu trữ đạn dược và hậu cần)…
Theo thời gian, Cam Ranh không đánh mất những giá trị về sức mạnh và nguồn lực, trong khi giá trị về địa lý trên bản đồ ngày càng gia tăng do những hành vi sai trái của Trung Quốc ở Biển Đông. Mỹ cũng đánh giá Cam Ranh có vị trí chiến lược ở châu Á.
Ông James Holmes là giáo sư về chiến lược tại Đại học Chiến tranh Hải quân Mỹ, cơ sở đào tạo sĩ quan hải quân lâu đời và uy tín tại Mỹ. Ông cũng là nhà bình luận trên nhiều tờ báo, hãng tin quốc tế lớn. Ảnh: The Diplomat |
- GS Nguyễn Mạnh Hùng: Tự bản thân Cam Ranh đã có vị trí và điều kiện thiên nhiên thuận tiện cho sự ra vào của các tàu lớn, một quân cảng tốt cho cả phòng thủ lẫn tấn công. Tầm quan trọng của Cam Ranh thay đổi theo thời gian và hoàn cảnh.
Vì căng thẳng ở Biển Đông, và vì sự lo ngại của các cường quốc với Trung Quốc, Cam Ranh trở nên quan trọng hơn nhiều so với thời kỳ Trung Quốc còn yếu, cũng như so với giai đoạn Mỹ rút đi và không quan tâm đến khu vực Đông Nam Á trước đây.
- Philippines và Việt Nam đều đang tăng cường nâng cấp hai quân cảng quan trọng là Subic và Cam Ranh. Philippines có ý định cho Mỹ trở lại Subic. Sắp tới đây, tàu chiến Nhật sẽ cập cảng Cam Ranh. Cả hai quân cảng sẽ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình Biển Đông?
- GS James Holmes: Hai cảng này có vị trí quan trọng ở sườn của vòng cung tây và đông Biển Đông. Các căn cứ và hạm đội có mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau. Một căn cứ mạnh nhất cũng sẽ bất lực nếu không có hạm đội để triển khai sức mạnh ra ngoài hoặc định hình các tình huống trên biển.
Một hạm đội mạnh nhất cũng không duy trì sức mạnh lâu dài, ngay cả trong thời đại năng lượng hạt nhân nếu không có sự hỗ trợ hậu cần từ các căn cứ. Subic và Cam Ranh là hai cảng có vị trí quan trọng nhưng quy mô đội tàu hoạt động tại đây hiện còn khiêm tốn. Chúng sẽ đóng góp tích cực vào an ninh khu vực, tuy nhiên đây vẫn là vấn đề cần theo dõi lâu dài.
Tàu ngầm Hà Nội hoạt động ở cảng Cam Ranh năm 2014. Ảnh: AFP |
- GS Nguyễn Mạnh Hùng: Với hiệp ước tăng cường hợp tác quốc phòng năm 2014, Philippines đã đồng ý cho phép Mỹ sử dụng 8 căn cứ quân sự trên nước này, có thể bao gồm cả vịnh Subic. Mới đây, Tòa án Tối cao Philippines cũng công nhận hiệp ước này hợp hiến. Việc hiện diện của hải quân Mỹ ở vịnh Subic, bằng cách này hay cách khác, là điều sẽ xảy ra.
Về cảng Cam Ranh, gần đây Việt Nam đã đồng ý cho tàu chiến Nhật vào Cam Ranh để “tiếp liệu và bổ sung dự trữ hậu cần.” Sau Nhật, tôi cho rằng sắp tới có thể là Mỹ, Ấn Độ và các cường quốc khác. Sự hiện diện của hải quân các cường quốc một mặt sẽ kiềm chế phần nào hành động gây hấn của Trung Quốc, nhưng cũng sẽ khiến Trung Quốc phản ứng căng thẳng.
Để tránh những va chạm có thể xảy ra do tính toán sai lầm, các bên cần phải thỏa thuận về một quy chế rõ ràng nhằm tránh và giảm thiểu mối nguy hiểm ấy.
TS Malcolm Cook, nghiên cứu viên cao cấp về an ninh khu vực tại Viện Nghiên cứu Đông Nam Á (ISEAS), Singapore. Ảnh: EWC |
- TS Malcolm Cook: Động lực chính từ việc Mỹ và Nhật tăng cường quan tâm đến những cảng quan trọng trong khu vực là nhằm theo dõi tốt hơn động thái của Trung Quốc, đặc biệt là hoạt động của tàu ngầm của Trung Quốc ở Biển Đông nếu xung đột xảy ra.
Hai tàu ngầm chiến đấu của Mỹ gần đây đã ghé thăm Philippines. Tàu ngầm Soryu của Nhật cũng sẽ sớm cập cảng Philippines. Các máy bay P-8 và P-3C của Nhật là những máy bay trinh sát rất hiệu quả trong các chiến dịch chống ngầm.
Nhật sẽ can thiệp vào Biển Đông
- Vào tháng 4, hai tàu chiến Nhật dự kiến đến Cam Ranh. Điều này có ý nghĩa thế nào trong chiến lược của Nhật? Có ý kiến cho rằng Nhật không muốn đối đầu trực tiếp Trung Quốc ở Biển Đông, và ưu tiên hàng đầu của Tokyo là biển Hoa Đông?
- GS Nguyễn Mạnh Hùng: Biển Hoa Đông thông với Biển Đông và biển Ấn Độ. Bất cứ tắc nghẽn ở vùng nào đều ảnh hưởng đến tự do lưu thông hàng hải ở vùng biển kia. Đó là lý do tại sao cả Nhật lẫn Ấn Độ đều quan tâm đến Biển Đông, tuy ở những mức độ khác nhau.
Sự hiện diện hải quân Nhật ở Cam Ranh sẽ nâng cao khả năng hải quân Mỹ cũng có thể xuất hiện ở đây trong tương lai. Việc Nhật gia tăng quan tâm và can dự vào Biển Đông một phần do nhu cầu chiến lược của Tokyo.
Nhưng quan trọng hơn là Nhật muốn chứng tỏ cho Mỹ thấy họ cũng đang đóng góp vào việc bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông, chứ không phải chỉ là một “khách quá giang miễn phí”. Tokyo hiểu rõ Washington sẽ không hành động một mình mà không có sự chia sẻ trách nhiệm của các nước trong vùng.
Tàu HQ-378 của hải quân Việt Nam neo đậu ở khu vực quân cảng Cam Ranh Ảnh: Lê Quân |
- GS James Holmes: Nhật muốn thách thức Trung Quốc ở Biển Đông, nhưng không phải là áp đảo hay khuất phục (vốn là điều vượt ngoài năng lực của Nhật). Tokyo và các cường quốc trên biển khác (như Ấn Độ hoặc một số quốc gia châu Âu) có thể đối phó với ý đồ vô hiệu hóa các luật lệ trên biển Trung Quốc đang thực hiện bằng cách chỉ cần xuất hiện ở đây.
Việc các nước liên tục phớt lờ các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc là cách mà họ bác bỏ những yêu sách này. Và nếu Trung Quốc sử dụng vũ lực để khống chế tự do lưu thông trên biển thì họ đã tự tay giúp Mỹ tăng cường xây dựng liên minh trong khu vực.
Nhật sẽ tham gia nhiều hơn, các nước Đông Nam Á cũng sẽ như vậy, thậm chí là với cả những nước “ngoài cuộc” như Australia và Ấn Độ. Khi đó, chính hành vi của Trung Quốc đã tự đánh bại họ.
- TS Malcolm Cook: Nhật không muốn thách thức Trung Quốc trực tiếp ở Biển Đông, nhưng rất quan tâm tới việc Trung Quốc đang làm gì ở đây. Tokyo cũng ủng hộ quan điểm của Mỹ về tình hình Biển Đông. Cuộc đối đầu trực diện Nhật – Trung sẽ diễn ra ở biển Hoa Đông. Tôi cho rằng Nhật sẽ không tiến hành tuần tra bảo vệ tự do hàng hải ở Biển Đông trong tương lai gần.
Bộ trưởng Gen Nakatani thăm quân cảng Cam Ranh, Khánh Hòa tháng 11/2015. Ảnh: Kyodo |
- Nhật chưa chính thức tuần tra trên không ở Biển Đông, nhưng đã có tin máy bay P-3C của họ sẽ dừng ở Việt Nam tiếp nhiên liệu. Hoạt động của P-3C sẽ giúp ích gì trong các hoạt động bảo vệ tự do hàng hải, hoặc giúp giám sát Biển Đông?
- GS James Holmes: Đây là hành động mang tính biểu tượng thể hiện sự quyết tâm của Nhật nhiều hơn. Càng nhiều quốc gia đi biển thể hiện quyết tâm ủng hộ tự do đi lại trên biển, khả năng họ có hành động ngăn cản Trung Quốc cũng gia tăng.
Nhật muốn chứng tỏ không có khoảng cách trong mối quan hệ đồng minh với Mỹ. Nhật cũng muốn kết hợp với các bên khác, bao gồm Việt Nam, để tạo thành một sự đoàn kết vô giá. Đây là tuyên bố mà cộng đồng quốc tế đánh giá cao, là bước chuẩn bị để tiến hành thực thi pháp luật trên biển, bất kể những người muốn chống lại tự do hàng hải có lớn, giàu có và mạnh mẽ đến đâu.
- GS Nguyễn Mạnh Hùng: Máy bay trinh sát P-3C Orion có khả năng quan sát và chụp ảnh từ trên không về các hoạt động quân sự ở mặt đất và trên biển. Chúng rất cần thiết cho sự phát giác kịp thời để từ đó đưa ra phản ứng cần thiết. Đây là dụng cụ tối cần thiết cho tự do hàng hải và viêc giám sát Biển Đông.
Việt Nam đã cho phép phi cơ Nga tiếp liệu ở Cam Ranh. Đây là khả năng mà Việt Nam cũng cho phép Nhật và cả Mỹ làm điều tương tự. Trong khi đó, Singapore không những chỉ cho P-3C Orion mà cả P-8 Poseidon hoạt động từ căn cứ ở nước này trên cơ sở “luân lưu”.
- TS Malcolm Cook: Gần đây Nhật đã điều máy bay P-3C đến Philippines để tham gia vào tập trận chung với nước này trên Biển Đông. Tôi nghĩ Nhật có lợi ích từ việc bán những máy bay tuần tra này cho các nước Đông Nam Á.
Minh Anh (thực hiện)http://news.zing.vn/Vai-tro-chien-luoc-cua-Cam-Ranh-khi-Bien-Dong-cang-thang-post634041.html