Việt Nam duy trì tên lửa đạn đạo thế nào?

Việt Nam đạt một số thành tựu nhỏ trong việc duy trì hoạt động sẵn sàng chiến đấu của tên lửa đạn đạo R-17E (Scud B).


Tên lửa R-17E (Scud B) trong trạng thái sẵn sàng bắn.
Hệ thống tên lửa đạn đạo chiến dịch – chiến thuật 9K72 Elbrus (trang bị tên lửa đạn đạo R-17E, NATO định danh là Scud B) là một vũ khí có sức công phá cực mạnh, tầm bắn xa (300km) của quân đội ta. Hiện nay trong khu vực Đông Nam Á, chỉ duy nhất Việt Nam sở hữu tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, hệ thống tên lửa này được chuyển giao cho ta từ những năm 1980, cho tới ngày nay đã trải qua hơn 30 năm phục vụ. Nhiều thành phần trong hệ thống đã khá cũ, xuống cấp, không đảm bảo hệ số kỹ thuật phục vụ chiến đấu.
Đặc biệt, vấn đề thành phần nhiên liệu phóng tên lửa xuống cấp, không đảm bảo chiến đấu là một trong những khó khăn lớn duy trì tên lửa.
Theo báo Quân đội Nhân dân Dân , chất O trong thành phần nhiên liệu lỏng tên lửa R-17E (Scud B) sau một thời gian dài bảo quản, do tác động môi trường đã xuống cấp, chất lượng giảm, không bảo đảm thông số kỹ thuật nên ảnh hưởng đến khả năng sẵn sàng chiến đấu.
Việc đảm bảo nhiên liệu phóng cho tên lửa R-17E (Scud B) là yêu cầu hết sức quan trọng.
Chất O (chất oxi hóa trong thành phần nhiên liệu tên lửa lỏng) của tổ hợp tên lửa mặt đất R-17E là hỗn hợp trên cơ sở axit HNO3 và oxit N2O4. Đây là một trong hai thành phần quan trọng cấu thành nhiên liệu lên lửa lỏng nói chung, nhiên liệu cho tên lửa R-17E nói riêng.
Đứng trước tình hình đó, với tinh thần “dựa vào sức mình là chính”, các cán bộ Viện Kỹ thuật (Quân chủng Phòng không – Không quân) đã tổ chức nghiên cứu sản xuất chất O để đảm bảo phục vụ chiến đấu tốt cho đạn tên lửa R-17E (Scud B).
Trên cơ sở phân tích nhiên liệu do nước ngoài sản xuất về thành phần, chỉ tiêu kỹ thuật bằng các phương pháp, trang bị hiện đại. Các cán bộ kỹ thuật đã thực hiện thành công việc tổng hợp chất O trong phòng thí nghiệm. Từ đó xác định được các yếu tố công nghệ để sản xuất ở quy mô nhỏ và quy mô công nghiệp.
Sau đó, cán bộ Viện Kỹ thuật Phòng không – Không quân đã thiết kế, chế tạo và lắp đặt đồng bộ dây chuyền công nghệ sản xuất nhiên liệu trên cơ sở dây chuyền phục hồi chất O tại nhà máy A31.
Dây chuyền được thiết kế với công suất hàng chục tấn/năm hiện đã đi vào sản xuất, từng bước đáp ứng nhu cầu nhiên liệu lỏng để đồng bộ với hệ thống khí tài tên lửa, đáp ứng yêu cầu sẵn sàng chiến đấu ngày càng cao.
Bên cạnh việc sản xuất chất O, các cán bộ Lữ đoàn 490 (đơn vị biên chế tên lửa R-17E Scud B) đã tự sản xuất hệ thống bơm hút lọc nhiên liệu O chạy bằng điện thay cho thiết bị bơm bằng tay do Liên Xô sản xuất.
Bơm hút lọc nhiên liệu O do Lữ đoàn 490 cải tiến, chế tạo chỉ cần một người vận hành, bảo đảm an toàn, khắc phục ảnh hưởng độc hại của chất O đối với người vận hành. Bơm có tính cơ động nên dùng để hút lọc nhiên liệu tại kho hoặc cấp nhiên liệu tại bãi dã chiến trong mọi điều kiện thời tiết, khí hậu. Nhiên liệu sau khi hút lọc sạch hơn, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu của vũ khí.
Đây có lẽ chỉ là một trong những nỗ lực của bộ đội ta để duy trì hoạt động sẵn sàng chiến đấu của tên lửa R-17E (Scud B) nói riêng và toàn bộ hệ thống 9K72 Elbrus nói chung.
17/04/2013 14:00_ Theo Kienthuc
http://soha.vn/quan-su/viet-nam-duy-tri-ten-lua-dan-dao-the-nao-20130417134523206.htm

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post