Ka-52 Chiếc trực thăng độc nhất vô nhị thế hệ mới, con cưng của công chúng Nga. Tổng công trình sư Mikheev đã cố gắng thiết kế một chiếc trực thăng tấn công cực mạnh
Ban đầu, các máy bay trực thăng tấn công được thiết kế để yểm trợ cho lực lượng bộ binh, đảm bảo lợi thế trước đối phương trên chiến trường.
Khi sử dụng kho vũ khí đáng nể và những hệ thống trinh sát tối tân, máy bay trực thăng tiến công có thể nhìn thấy mọi thứ và hành động nhanh gọn để tiêu diệt mục tiêu ở mọi cấp độ. Đối với máy bay trực thăng tấn công không có nhiệm vụ nào là bất khả thi.
Máy bay trực thăng tiến công AH-64 “Apache” của Mỹ và Ka-52“Alligator” của Nga là những “nhân vật” được biết đến nhiều nhất. Các đối thủ cạnh tranh đến từ những nước khác gần như không có cơ hội và đẳng cấp để đối đầu với 2 loại máy bay trên.
Bài viết này nhằm so sánh 2 máy bay AH-64 và Ka-52 để tìm ra kẻ chiếm ưu thế.
Trực thăng tiến công Ka-52 của Nga (trên) và AH-64 Apache của Mỹ. |
AH-64 “Apache”
Máy bay trực thăng của Mỹ khi ra đời đã thực hiện cú bứt phá trong lĩnh vực chế tạo máy bay trực thăng.
Từ những năm 70 của thế kỷ trước, Lầu Năm Góc đã nhìn thấy nhu cầu bức thiết về việc phải có bằng được một cỗ máy yểm trợ hỏa lực từ trên không.
Các yêu cầu đưa ra như sau: Trong bối cảnh hệ thống phòng không và tác chiến điện tử hoạt động tích cực không kể ngày đêm và trong mọi điều kiện thời tiết, “Apache” phải xuyên thủng được các xe tăng của địch như một chiếc dao chuyên dụng mở đồ hộp.
Thân của AH-64 được chế tạo từ các vật liệu có độ bền cao, tuy nhiên, tới nay đó vẫn chỉ là trên giấy. “Apache” bố trí chỗ ngồi cho phi công theo kiểu "giật cấp" - phi công hỏa lực ngồi phía trước nhưng bên dưới, phi công lái ngồi cao hơn để có trường nhìn rộng.
Buồng lái của “Apache” được làm từ sợi Kevlar và vật liệu Polyacrylate giúp nó tăng khả năng chống đạn. Các tính năng khác của “Apache”: Tốc độ tối đa 293km/h, tầm chiến đấu – 480km, trọng lượng cất cánh – 770kg.
Bên dưới 2 cánh gắn hai bên thân máy bay là các giá treo để mang một kho vũ khí đáng nể: Tối đa 16 tên lửa chống tăng "bắn và quên" AGM-114 Hellfire; các loại rocket không điều khiển và 2 quả “Stinger” hai bên để không chiến.
Bên dưới buồng lái là pháo hàng không tự động M230 “Change Gun” cỡ nòng 30 mm có tốc độ bắn 625 phát/phút, cơ số đạn lên đến 1.200 viên.
Hiện nay, Quân đội Mỹ đang sở hữu phiên bản nâng cấp “Apache Longbow”. Phiên bản này khác trước và mạnh mẽ hơn nhiều bởi nó có hệ thống radar băng sóng milimet trong một mái vòm nằm ngay trên trục cánh quạt chính.
AH-64 Apache của Mỹ. |
Ka-52 “Alligator” - Cá sấu Mỹ
Đây là chiếc trực thăng mới, độc nhất vô nhị - con cưng của công chúng Nga. Tổng công trình sư Mikheev đã cố gắng tạo ra một "mãnh thú" tấn công cực mạnh dựa trên những truyền thống tốt nhất của trường phái thiết kế Liên Xô và vẫn đáp ứng những tiêu chí hiện đại.
Và ông đã thành công.
Khả năng thao diễn tốt, hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết, chống đạn ưu việt, hệ thống điện tử hàng công nghệ cao và được trang bị vũ khí đến “tận răng”… đã biến Ka-52 là một "mãnh thú" thực sự.
Nó thừa kế thành công của các loại máy bay do Phòng thiết kế Kamov thực hiện, trong đó có Ka-50 “Cá mập đen”.
Ka-52 sử dụng hệ thống 2 cánh quạt đồng trục, quay ngược chiều nhau, giúp cho nó có tính cơ động rất cao mà không cần đến cánh quạt đuôi. Gió giật với tốc độ 140km/h? Không vấn đề gì! Khả năng cơ động của chiếc trực thăng này không bị ảnh hưởng.
Thêm vào đó, nhờ có hệ thống cánh quạt ngược chiều, nó có thể bay sang ngang và giật lùi mà không cần phải quay đầu theo hướng bay mà vẫn giữ mục tiêu trong tầm ngắm để chủ động tránh hệ thống phòng không của đối phương.
Thân máy bay được bảo vệ tốt khỏi các đạn đại liên cỡ lớn và đạn pháo cơ nhỏ. “Alligator” được trang bị ghế phóng thoát hiểm K-37-800M cho cả hai phi công – thiết kế duy nhất trên thế giới.
Tốc độ tối đa của chiếc trực thăng này là 200-250km/h, tầm hoạt động – 520km, trọng lượng cất cánh – hơn 12.200kg.
Hệ thống trinh sát ngày - đêm bằng hồng ngoại "Samshit", có khả năng "nhìn" trong tình trạng ánh sáng bình thường và ánh sáng yếu.
Hệ thống Samshit bao gồm thiết bị nhìn hồng ngoại, thiết bị đo xa bằng lasẻ và thiết bị xác định mục tiêu, giúp cho phi công có thể theo dõi và "khóa" mục tiêu thông qua các thông tin hiện trên màn hình.
Vào ban ngày và thời tiết tốt, tầm nhìn của hệ thống "Samshit" là khoảng 15km. Bên cạnh đó, thiết bị điện tử tích hợp vào Ka-52 làm giảm đáng kể mức độ hiện diện của nó trước kẻ địch.
Trực thăng Ka-52. Ảnh: Airliners.net. |
Sức mạnh hỏa lực của Ka-52 không có chiếc trực thăng tấn công nào trên thế giới có thể so sánh được.
Hệ thống vũ khí trên trực thăng Ka-52 bao gồm một pháo tự động 30 ly 2A42 với cơ số đạn 460 viên và tên lửa, bom các loại gắn trên 6 giá treo vũ khí ở 2 cánh, với tổng tải trọng vũ khí lên đến 2.000 kg.
Ka-52 có thể mang tên lửa chống tăng 9K121 Vikhir dẫn bắn bằng laser hoặc 9M120 Ataka-V dẫn bắn bằng radar theo phương pháp SACLOS, tên lửa phòng không Igla-V, cũng như các loại rocket không điều khiển.
Ai thắng ai?
Cùng phân tích các động cơ của 2 chiếc trực thăng. Hai động cơ với công suất 2.700 mã lực/động cơ của “Allgator” mạnh hơn 2 động cơ với công suất 1.890 mã lực/động cơ của “Apache”.
Nhờ vậy, Ka-52 có thể cơ động rất tốt và mang được nhiều vũ khí hơn, tuy nhiên tầm hoạt động lại hạn chế hơn so với trực thăng của Mỹ.
Hệ thống 2 cánh quạt quay ngược chiều cộng với kinh nghiệm lái nhuần nhuyễn sẽ giúp biến nó thành “kẻ tàng hình” trước hệ thống phòng không của đối phương.
Quay trở lại khả năng chống đạn của thân máy bay. Các tấm vật liệu chống đạn Polyacrylate có thể chịu được đạn súng AK bắn từng viên một.
Dù trong các thông số của “Apache” có đề cập tới “khả năng sinh tồn cao”, nhưng đã có những trường hợp An-64 bị súng tiểu liên bắn hạ được ghi nhận bằng văn bản chính thức.
Nếu đối đấu với Ka-52, rất có thể AH-64 sẽ lĩnh hậu quả như thế này? |
Các nhà thiết kế Mỹ đã quyết định tập trung điểm nhấn vào khả năng cơ động và khó phát hiện, nhưng lại không để ý tới chỉ số không kém phần quan trọng như khả năng chống đạn.
Ka-52 được “bọc” bởi một lớp chống đạn dày và theo đúng phong cách truyền thống của ngành công nghiệp quân sự Liên Xô. Và tất nhiên cũng không nên quên tới hệ thống ghế phóng thoát hiểm. Vậy thì ai là kẻ có khả năng sinh tồn tốt hơn?
Liên quan tới hệ thống vũ khí. “Alligator” của Nga có 3 thế mạnh chủ yếu nhất so với “Apache”.
Thứ nhất – đó là khả năng mang được lượng đạn dược và tên lửa cần thiết chứ không như khả năng mang hạn chế như trực thăng của Mỹ.
Thứ hai – trang bị các loại vũ khí tương đồng trên các thiết bị quân sự khác của Nga. Khẩu pháo trên Ka-52 cũng được trang bị trên xe thiết giáp và xe bọc thép chở bộ binh, còn tên lửa chống tăng – trên các máy bay tiêm kích bom.
Thứ ba – cả 2 phi công trên Ka-52 có thể cùng triển khai hỏa lực nhằm vào mục tiêu, "4 tay" rõ ràng nhiều hơn "2 tay"!
Và cuối cùng là giá thành. Khách hàng phải trả khoảng 55 triệu USD cho 1 chiếc AH-64 “Apache Longbow”. Trong khi đó, giá của chiếc Ka-52 chỉ có 16 triệu USD. Tất nhiên, mức giá mang tính tham khảo này có thể thay đổi tùy theo cấu hình mà khách hàng yêu cầu.
3 chiếc “Alligator” hay 1 chiếc “Apache”? Một lựa chọn quá rõ ràng.
Trực thăng “Apache” rất lý tưởng để thực hiện các nhiệm vụ đã được lên kế hoạch kỹ lưỡng. Khi có tọa độ, có sự yểm trợ từ mặt đất, khi đối phương không thể phát hiện được…
Nhưng nếu trực thăng tấn công của Mỹ được tung vào hoạt động tuần tra tại những địa hình thành thị thì nó trở thành miếng mồi ngon cho kẻ thù.
Thân máy bay có khả năng chống đạn kém, không thể cứu phi hành đoàn khỏi hỏa lực mạnh của các tổ hợp tên lửa phòng không vác vai hoặc súng đại liên cỡ lớn.
Trực thăng Ka-52 cũng không phải cỗ máy “tuần tra”, tuy nhiên các tính năng kỹ - chiến thuật hoàn toàn giúp cho “Alligator” hoạt động trong mọi tình huống dù đó là trinh sát, hộ tống hoặc săn diệt tăng hay chiến dịch quân sự có sử dụng tất cả các loại vũ khí.
Quang Huy | _theo Trí Thức Trẻ_(Theo Warfiles.ru)
http://soha.vn/quan-su/dau-truc-thang-tien-cong-1-ka-52-cua-nga-chap-3-ah-64-cua-my-20160401102928742.htm