2 phương án lắp tên lửa lên tàu pháo TT-400TP Việt Nam

(Soha.vn) - Phương án cải tiến lắp thêm tên lửa chống hạm cho tàu pháo TT-400TP sẽ tăng cường đáng kế sức mạnh cho loại tàu này.

Tàu pháo TT-400TP của Hải quân
TT-400TP là tàu pháo hiện đại đầu tiên do nhà máy đóng tàu Hồng Hà (Z173) chế tạo. Chiếc tàu đầu tiên mang số hiệu HQ-272 được đặt đóng vào ngày 22/4/2009 và được chuyển giao cho Hải quân Việt Nam vào ngày 16/1/2012. Cùng với Svetlyak, tàu pháo TT-400TP đóng vai trò quan trọng trong việc tuần tra bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Tuy nhiên, hiện nay số lượng tàu tên lửa có trong trang bị của Hải quân nhân dân Việt Nam còn khá ít với chỉ 4 tàu tên lửa thuộc đề án 1241RE (thường gọi là Tarantul), 1 tàu tên lửa BPS-500, 2 tàu tên lửa thuộc đề án 1241.8 (thường gọi là Molnya), 2 tàu hộ vệ tên lửa lớp Gepard (Đinh Tiên Hoàng và Lý Thái Tổ). Trước nhu cầu cần thiết phải trang bị thêm các tàu tên lửa có hỏa lực mạnh để đáp ứng yêu cầu tác chiến hiện đại trên biển, Việt Nam đang tiến hành đóng 6 tàu Molniya ở trong nước theo giấy phép của Nga (hiện tại 2 tàu đầu tiên đã gần hoàn thành). Thế nhưng cần phải lưu ý rằng giấy phép này chỉ áp dụng cho 6 chiếc Molniya, tức là nếu muốn đóng thêm tàu Việt Nam sẽ phải tiếp tục mua giấy phép, điều này sẽ làm gia tăng đáng kể chi phí.
Vậy có cách nào giúp tăng số lượng tàu tên lửa cho Việt Nam với mức chi phí thấp nhất và không bị phụ thuộc quá nhiều vào công nghệ, giấy phép chế tạo? Tàu pháo TT-400TP chính là câu trả lời.
Tàu tuần tra TT-400 của cảnh sát biển.
Trước khi đóng tàu TT-400TP cho hải quân, Việt Nam đã đóng 4 tàu tuần tra TT-400 cho lực lượng cảnh sát biển để đúc kết kinh nghiệm. Điều này cho thấy tàu TT-400TP có thể hoán cải tùy theo yêu cầu và mục đích sử dụng. Tuy nhiên, liệu có khả thi nếu muốn lắp tên lửa chống hạm lên tàu pháo TT-400TP? Câu trả lời là hoàn toàn khả thi. Nhiều lực lượng hải quân trên thế giới từng hoán cải tàu pháo để trở thành tàu tên lửa mà đơn cử là hải quân Indonesia khi đã hoán cải tàu pháo lớp Lurssen PB Variant V (lắp thêm 2 tên lửa chống hạm C-802).
Vậy nếu muốn lắp tên lửa lên tàu TT-400TP thì cần những gì?
Đầu tiên là lựa chọn vị trí lắp đặt tên lửa. Đối với tàu TT-400TP, vị trí khả dĩ nhất lắp đặt được tên lửa chống hạm là phần đuôi tàu.
Có thể tham khảo 2 lớp tàu dưới đây để tìm phương án lắp đặt tên lửa chống hạm lên tàu TT-400TP.
Phương án 1: Lắp 2x4 tên lửa chống hạm dọc 2 bên thân tàu.
Phương án này dựa vào thiết kế của tàu tên lửa thuộc đề án 10411, đây là phiên bản tàu tên lửa được Almaz giới thiệu dựa trên thiết kế tàu pháo tuần tra Svetlyak.
Phương án 2: Lắp 2x4 tên lửa chống hạm ngang thân tàu.
Dựa vào thiết kế của tàu lớp Lan do Ukraine thiết kế (đây cũng vốn là tàu pháo, thiết kế tàu tên lửa lớp Lan là 1 biến thể riêng). Tàu lớp Lan có hình dáng rất giống với tàu TT-400TP của Việt Nam và phương án lắp ngang thân tàu giúp giảm diện tích.
Đề án 10411 Svetlyak.
Tàu tên lửa lớp Lan.
Tàu pháo lớp Lan có thiết kế rất giống tàu pháo TT-400TP.
Sau khi lựa chọn vị trí lắp đặt thì yêu cầu tiếp theo là phải trang bị radar dẫn bắn cho tên lửa. Tàu TT-400TP hiện tại của Việt Nam chỉ được trang bị 1 radar MR-123 có nhiệm vụ kiểm soát hoả lực cho pháo hạm AK-176M và AK-630M, radar hàng hải và thiết bị nhận dạng địch ta (máy hỏi). Khi lắp tên lửa vào tàu thì yêu cầu có 1 radar dẫn bắn riêng cho tên lửa. Nếu chúng ta lựa chọn lắp tên lửa Uran-E thì hiện tại có 2 mẫu radar dẫn bắn phổ biến là Garpun-Bal và Mineral-ME (cả 2 loại radar này hiện đều được Việt Nam sử dụng). Vị trí lắp đặt có thể ở trên tháp ra đa (như đề án 10411) hoặc ngay phía trên phần thượng tầng (như tàu lớp Lan).
Như vậy, qua các phương án lắp đặt chúng ta thấy hoàn toàn có khả năng trang bị tên lửa cho các tàu TT-400TP dựa theo 2 phương án tàu pháo lớp Svetlyak và lớp Lan. Nhưng trong 2 phương án này, phương án với tàu lớp Lan của Ukraine khả dĩ hơn do có thiết kế rất giống với tàu TT-400TP của Việt Nam.
Ly Vy | _theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/quan-su/2-phuong-an-lap-ten-lua-len-tau-phao-tt-400tp-viet-nam-20140331235509791.htm

إرسال تعليق

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

أحدث أقدم