(Kiến Thức) - Ít ai biết rằng, trong các chiến dịch mùa xuân 1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã điều 3 tàu tên lửa vào Nam đánh địch.
Cán bộ, chiến sĩ Việt Nam nạp đạn tên lửa P-15 Termit lên bệ KT-67 trên tàu Komar. |
Ngay trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã được Liên Xô viện trợ các tàu tên lửa cỡ nhỏ.
Theo Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam, tháng 12/1972, Liên Xô đã chuyển giao cho Việt Nam 4 tàu tên lửa Project 183R lớp Komar. Toàn bộ số tàu này được biên chế vào Tiểu đoàn 136, Trung đoàn 172 Hải quân.
Tàu tên lửa Project 183R lớp Komar do Liên Xô thiết kế từ đầu những năm 1950 dành cho nhiệm vụ tấn công tiêu diệt các loại tàu mặt nước bằng tên lửa hành trình chống tàu. Đây được xem là tàu tên lửa đầu tiên trên thế giới.
Hỏa lực chính của tàu Komar gồm: 2 đạn tên lửa hành trình chống tàu cận âm P-15 Termit đặt trên bệ phóng KT-67 và tháp pháo 2 nòng cỡ 25mm 2M-3M (cơ số đạn 1.000 viên).
Đạn tên lửa P-15 Termit nặng 2,3 tấn, dài 5,8m, đường kính thân 0,76m. Tên lửa được lắp động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn và động cơ hành trình nhiên liệu lỏng.
P-15 Termit trang bị cho tàu Komar Hải quân Nhân dân Việt Nam có tầm bắn khoảng 40km (sau này một số tàu tên lửa Osa II, Project 1241RE cũng dùng loại tên lửa này nhưng là biến thể mới nâng tầm lên 80km).
Khi phóng, tàu tên lửa Komar phải chạy tốc độ trên 15 hải lý/h, và chỉ bắn được trong điều kiện sóng cấp 4. Hệ thống đài radar điều khiển hỏa lực MR-331 sẽ quét, tìm, phát hiện và khóa mục tiêu trước rồi tên lửa mới rời bệ.
Ở pha giữa, tên lửa hành trình bay tự động (cách mặt biển 100-300m), cách mục tiêu 11 km, radar chủ động được kích hoạt từ tìm mục tiêu tấn công. Với đầu đạn hình phễu nặng gần 500 kg, P-15 Termit có khả năng đánh chìm tàu chiến cỡ lớn. Điều này đã được chứng minh trong lịch sử chiến đấu của tên lửa P-15 Termit.
Năm 1967, tàu tên lửa Project 183R Komar của Hải quân Ai Cập đã phóng P-15 đánh chìm tàu chiến Eilat của Hải quân Israel. Sự kiện này gây ra cú sốc trên thế giới khi một tàu chiến dài gần 100m, lượng giãn nước gần 2.000 tấn bị đánh chìm bởi tàu nhỏ hơn nhiều lần.
Hoặc sự kiện năm 1971, trong cuộc chiến tranh Ấn Độ - Pakistan, 2 tàu tên lửa cỡ nhỏ của Ấn Độ đã phóng 4 quả P-15 Termit đánh chìm một tàu quét mìn và một tàu chiến có lượng giãn nước 3.290 tấn của Pakistan.
Dù xuất hiện ở Việt Nam từ năm 1972, nhưng tàu tên lửa Komar không tham gia đánh trận nào. Năm 1975, Quân chủng Hải quân đã điều biên đội 3 tàu Komar vào phía Nam làm nhiệm vụ uy hiếp địch, gây hoang mang buộc chúng không thể thực hiện yểm trợ hỏa lực cho quân trên bộ.
Tài liệu Lịch sử Hải quân Nhân dân Việt Nam viết: “phối hợp với các cánh quân của ta, từ ngày 1-3/4/1975, các đơn vị hải quân lần lượt tiến vào chiếm các căn cứ Quy Nhơn, Nha Trang, Cam Ranh.
Mũi tiến công trên biển gồm: 3 tàu tên lửa của Tiểu đoàn 173 (Trung đoàn 172); 4 tàu tuần tiễu chiến đấu của Trung đoàn 171 và lực lượng tàu vận tải quân sự của Trung đoàn 125 đã có tác dụng uy hiếp địch, làm cho chúng hoang mang dao động, giảm bớt các hoạt động chi viện, yểm trợ từ tàu cho đất liền”.
Dù không phải khai hỏa, nhưng nếu phải chiến đấu thì tàu Komar của Hải quân Nhân dân Việt Nam thừa sức đánh chìm những chiến hạm lớn nhất của Quân đội Sài Gòn.
Biên đội tàu tên lửa Project 183R Komar của Hải quân Nhân dân Việt Nam. |
Sự tham gia của hải quân trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy xuân 1975
Trong các chiến dịch xuân 1975, Hải quân Nhân dân Việt Nam đã điều động nhiều tàu vận tải để đưa bộ đội, xe tăng vào phía Nam. Điển hình, Đoàn 125 đã huy động 143 lần chiếc ra khơi chuyên chở 8.721 tấn vũ khí, 50 xe tăng và pháo, 18.741 cán bộ chiến sĩ.
Cùng với đó, Quân chủng Hải quân cũng quyết định điều động tàu vận tải 673, 674 và 675 (Đoàn 125) chở bộ đội đặc công Đoàn 126 và các lực lượng khác ra giải phóng quần đảo Trường Sa. 4h sáng ngày 11/4, ba tàu vận tải của hải quân rời bến nhằm hướng Song Tử Tây.
Ngày 14/4, các đơn vị của đoàn 126 đã đổ bộ thành công lên đảo và đánh bại lực lượng đồn trú quân đội Sài Gòn chỉ trong 30 phút. Tiếp sau Song Tử Tây, lực lượng của ta đánh chiếm đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn và cuối cùng là Trường Sa lớn. Ngoài ra, ta cũng tổ chức chiếm giữ một số đảo khác ở khu vực Trường Sa.
Lực lượng hải quân điều các đơn vị tàu chở bộ đội ra đánh chiếm một số đảo ở phía Nam như: Cù Lao Thu, Côn Đảo, Cù Lao Xanh, Hòn Tre, Cù Lao Chàm, Cù Lao Ré.
Riêng ở đảo Phú Quốc, hải quân phải huy động lực lượng mạnh để đánh đuổi quân Khmer đỏ lợi dụng sự suy yếu của Quân đội Sài Gòn chiếm đóng các đảo.
Cập nhật lúc: 06:54 27/04/2013
http://kienthuc.net.vn/vu-khi/3-tau-ten-lua-vn-trong-chien-dich-mua-xuan-1975-225519.html
Tags:
TÀU CHIẾN VIỆT NAM