Đã nên vứt bỏ hệ thống đánh chặn tầm cực gần (CIWS) trên hạm tàu?

CIWS dẫn bắn bằng radar và máy tính, có khả năng phản ứng cực nhanh tạo bức tường lửa hủy diệt mọi mối đe dọa từ trên không và trên biển. Nhưng liệu chúng đã hết thời?

Hệ thống phỏng thủ tầm gần Palma trên tàu hộ vệ tên lửa Gepard của Việt Nam.
Trên một số tàu chiến hiện đại đã và đang được đóng như Sigma 9814 hay C Sword 90 thì các nhà thiết kế đã bỏ hẳn hệ thống đánh chặn tầm cực gần (Close-In Weapon System - CIWS). Vậy có phải CIWS đã không còn phù hợp trong tác chiến hải quân hiện đại?
CIWS là gì - Tại sao nó là tấm lá chắn cuối cùng?
Hệ thống phòng thủ trên các chiến hạm thường được chia ra làm 4 tầng: tầm xa (trên 120km), tầm trung (khoảng 50km), tầm gần (15km), tầm cực gần (dưới 5000m). Tùy theo yêu cầu tác chiến mà mỗi loại tàu sẽ được trang bị hệ thống phòng thủ phù hợp.
Tuy nhiên với các hệ thống phòng thủ mới hiện nay thì ranh giới giữa gần và cực gần (phòng thủ điểm) gần như là không còn.
Hệ thống đánh chặn tầm cực gần được thiết kế như là lá chắn cuối cùng, đảm bảo tiêu diệt tất cả các loại phương tiện tiến công đường không, kể cả tên lửa chống hạm bay thấp và siêu thấp khi chúng lọt qua được các hệ thống phòng thủ tầm xa hơn của hạm tàu.
CIWS thường dùng pháo có cỡ nòng trung bình (từ 20-40mm). Hệ thống này sử dụng hệ thống trinh sát, theo dõi và chỉ huy hỏa lực mới hiện đại gồm tổ hợp quang-điện mới nhất, máy tính mạnh và màn hình hiển thị tham số đa chức năng.
Một số hệ thống mới của Nga thì đã kết hợp đã pháo và tên lửa phòng không tầm ngắn vào một hệ thống chung. Riêng hệ thống SeaRAM của Hải Quân Mỹ thì pháo Vulcan M-61 20mm đã được thay thế bằng bệ phóng MK49 11 đạn tên lửa Rim-116.
Hệ thống CIWS Goalkeeper do hãng Thales phát triển.
Đánh chặn tầm trung - xa và tác chiến điện tử có đủ cho thiết kế mới?
Một số chiến hạm mới hiện nay các nhà thiết kế đã bỏ hẳn các hệ thống CIWS đi. Lúc này ngoài các hệ thống tên lửa thì hỏa khí duy nhất trên tàu là pháo hạm và các loại súng máy chống tiếp cận cùng với lớp áo giáp điện tử.
Việc loại bỏ các hệ thống CIWS sẽ làm tăng khả năng tàng hình và giúp giảm lượng choán nước hoặc có đủ không gian để lắp các loại vũ khí khác lên tàu.
Không phải là không có lý khi mà radar của tàu chiến ngày càng mạnh hơn, phát hiện mục tiêu được xa hơn, cũng như hệ thống tác chiến điện tử ngày một tinh vi hơn.
Ngoài các loại vũ khí phòng thủ thì thiết kế hình dáng bên ngoài của tàu cộng với các loại khí tài tác chiến điện tử tạo thành một lớp áo giáp điện tử vô hình bảo vệ con tàu.
Tuy nhiên, vỏ quýt dày có móng tay nhọn, tên lửa đối hạm ngày nay có tiết diện phản xạ radar ngày càng nhỏ, lại được bọc lớp vỏ hấp thụ song radar bay lướt trên mặt nước có tốc độ cực cao hoặc có sự cơ động trên không để tránh bị đánh chặn.
Đồng thời, các loại tên lửa diệt hạm mới thường dùng đầu dò radar có công suất thu-phát cao nên có khả năng kháng nhiễu tốt.
Hơn nữa mọi tên lửa phòng không đều có 1 khoảng chết hỏa lực ở cự ly khoảng 2.000m trở vào, pháo hạm thì khó có thể đối phó hữu hiệu với các mục tiêu có tiết diện radar nhỏ, trần bay thấp như tên lửa đối hạm.
Nếu các hệ thống phòng thủ tầm trung xa để lọt mục tiêu và lớp áo giáp điện tử hoạt động không hiệu quả hoặc bị đối phương bắt bài có thể khiến lực lượng sở hữu phải nếm trái đắng, số phận của chiến hạm và thủy thủ đoàn rất khó nói.
Tàu tàng hình C Sword 90 của Pháp hiện không được trang bị tổ hợp CIWS.
Tất nhiên mọi ý tưởng thiết kế đều có cái hay riêng và các kĩ sư khi tạo ra đứa con của mình đều có mục đích nhất định.
Việc đánh chặn từ xa sẽ an toàn hơn cho chiến hạm bởi vì những mảnh vỡ từ vụ nổ khi đánh chặn nếu xảy ra ở cự ly quá gần cũng sẽ tạo ra 1 cơn mưa kim loại găm vào bề mặt thân tàu cũng như thượng tầng.
Với vận tốc cực lớn, những mảnh vỡ này có thể xuyên thủng lớp vỏ tàu và sát thương thủy thủ đoàn ở bên trong hay tệ hơn là phá hủy các thiết bị điện tử.
Thế nhưng liệu bài học bài học của Không Quân Mỹ trong Chiến tranh Việt Nam khi mà các máy bay của Mỹ ỷ vào tên lửa đối không mà bỏ qua việc trang bị pháo cho máy bay và nếu lâm vào không chiến quần vòng thì bó tay chịu chết.
Hay trong cuộc chiến ở quần đảo quần đảo Falkland năm 1982 các tàu của Hải quân Anh không được trang bị các hệ thống CIWS đã gần như bất lực trước tên lửa MM-40 Exocet nếu như chúng lọt qua được hệ thống tên lửa phòng không Sea-Dark.
Như vậy có thể thấy, trong tương lai, nếu các hệ thống đánh chặn tên lửa tầm trung - xa và hệ thống tác chiến điện tử trên hạm tàu không có bước phát triển đột biến, đủ sức vô hiệu mọi mối đe dọa, thì chắc chắn CIWS sẽ vẫn còn hữu dụng, chưa thể bỏ đi ngay được.
theo Trí Thức Trẻ_GTS | http://soha.vn/quan-su/da-nen-vut-bo-he-thong-danh-chan-tam-cuc-gan-ciws-tren-ham-tau-20151022152808258.htm

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post