Hệ thống định vị thủy âm tiên tiến BEL HMS-X2 của Ấn Độ do có kích thước nhỏ gọn nên dễ dàng tích hợp lên nhiều loại tàu mặt nước khác nhau.
Cơ quan Quản lý hợp tác quốc phòng Ấn Độ hôm 4/11 đã thông báo với Daily News rằng:
Công ty Bharat Electronics Limited (BEL) của họ đang đàm phán một hợp đồng thương mại với phía Việt Nam về việc bán các hệ thống định vị thủy âm (sonar) HMS-X2 để lắp đặt trên tàu hộ vệ săn ngầm lớp Petya.
"Chúng tôi đã chứng minh các khả năng của hệ thống sonar tiên tiến này trước giới chức Việt Nam và họ cũng đã đến thăm các cơ sở của chúng tôi", quan chức BEL nói với Daily News tại một cuộc triển lãm.
Bên cạnh đó, một số quốc gia khác cũng bày tỏ sự quan tâm đến hệ thống sonar được sản xuất tại BEL nhưng do Tổ chức Nghiên cứu và Phát triển quốc phòng Ấn Độ (DRDO) thiết kế.
Được biết năm ngoái, Ấn Độ đã công bố thỏa thuận bán các thiết bị sonar cho Hải quân Myanmar với giá trị hợp đồng khoảng 29 triệu USD. Hệ thống sonar mang thương hiệu BEL cũng đang được trang bị rộng rãi cho các tàu hải quân của Ấn Độ.
Tàu hộ vệ săn ngầm Petya Dự án 159 của Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân. |
Theo Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Hải quân Việt Nam hiện có trong biên chế 5 tàu hộ vệ săn ngầm Dự án 159 lớp Petya được Liên Xô chế tạo từ những năm 1960 và viện trợ vào đầu thập niên 1980.
Do đã "cao tuổi" mà hiện nay một số tàu Petya đã phải hoán cải thành tàu pháo tuần tra, những chiếc còn khả năng săn ngầm thì không đủ độ tin cậy do trang thiết bị quá cũ kỹ, lạc hậu.
Điều kiện của Hải quân Việt Nam vào thời điểm này buộc chúng ta không thể sớm loại biên những "ông lão" 50 năm tuổi trên mà phải nâng cấp để tiếp tục sử dụng.
Với việc thay thế sonar và trang bị các loại vũ khí chống ngầm mới, hy vọng các chiến hạm Petya sẽ còn phục vụ thêm được một thời gian dài nữa.
Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 của Hải quân Việt Nam. Ảnh: Quân đội nhân dân. |
HMS-X2 dự định dùng để hiện đại hóa Petya là một hệ thống định vị thủy âm chủ động nhưng có thể làm việc ở cả chế độ thụ động, do kích thước nhỏ gọn nên chúng dễ dàng tích hợp lên nhiều loại tàu mặt nước khác nhau.
Nếu việc nâng cấp Petya bằng tổ hợp tác chiến chống ngầm của Ấn Độ thành công thì còn mở ra cơ hội rất lớn để áp dụng trên cặp tàu hộ vệ tên lửa Gepard đầu tiên, do hai chiếc 011 Đinh Tiên Hoàng và 012 Lý Thái Tổ vẫn chưa có khả năng săn ngầm.
Mô hình tàu hộ vệ tên lửa KBO-2000 được Nga thiết kế riêng cho Việt Nam. |
Trong trường hợp quyết định trang bị sonar cho Gepard 3.9, giải pháp bổ sung vũ khí đơn giản nhất là lắp đặt cho tàu các ống phóng ngư lôi tại vị trí bên mạn sàn đáp trực thăng, tương tự như lớp KBO-2000.
Đây là phương án nhanh gọn và rẻ tiền, do không yêu cầu thay đổi cấu trúc của con tàu.
theo Trí Thức Trẻ_Tuấn Trung |