Trong vấn đề biển Đông, Trung Quốc luôn nhấn mạnh cái gọi là “lợi ích cốt lõi” để hành động bất chấp luật pháp quốc tế và phớt lờ quyền cơ bản của các quốc gia liên quan.
Điều đó có nghĩa rằng, Trung Quốc chỉ nói lấy được, hành động ngang nhiên, thách thức luật pháp, chối bỏ đạo đức và công luận thế giới theo kiểu "một mình một chợ".
Trung Quốc chỉ nghĩ và làm điều có lợi cho mình nên với ý nghĩa đó, các nhà nghiên cứu đều thấy, mặc dù là một nước lớn nhưng Trung Quốc ngày càng giống con... tỳ hưu, chứ chưa bao giờ có cách nói và làm "ra dáng" một cường quốc.
Tỳ hưu là một trong 5 "thần thú" theo quan niệm dân gian của Trung Quốc cổ đại, bên cạnh long, lân, quy và kỳ lân.
Theo Baidu, tỳ hưu được mô tả là con thú "có thể nuốt vạn vật mà không nhả ra", nên được xem như biểu tượng thu hút tài lộc, của cải bốn phương.
Chiến lược "tằm ăn dâu", "bóc lá bắp cải"
Trở lại vấn đề mà cộng đồng quốc tế đang quan tâm trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thực hiện liên tiếp các động thái quân sự hóa biển Đông, tuyền truyền ly gián quan hệ giữa các nước lớn cũng như các nước trong khối ASEAN.
Trung Quốc sử dụng các chiêu bài “ném đá giấu tay”, “vừa ăn cướp, vừa la làng”, “tằm ăn dâu” rồi “bành trướng lắt léo” để đạt tham vọng bá quyền của họ.
Tuy nhiên, người viết muốn công luận thấy rõ điều này: Những việc Trung Quốc làm trong thời gian qua không phải “võ” mới.
Trong suốt mấy thập kỷ từ khi "nước Trung Quốc mới" thành lập (1949), dù giới lãnh đạo nước này do ai nắm quyền lực, có xảy ra sự biến gì hay không thì một chiến lược bá quyền và âm mưu độc chiếm biển Đông, mở đầu cho việc bá chủ thế giới là âm mưu chưa bao giờ thay đổi.
Trung Quốc đã thực hiện một cách hoàn hảo những thủ đoạn của họ đối với các nước lân bang, dẫn tới những hậu quả nặng nề, nhất là tình hình biển Đông phức tạp như ngày nay.
Sau giai đoạn ẩn mình chờ thời, lại một lần nữa, các thủ đoạn tinh vi của Trung Quốc trong lịch sử lại được Bắc Kinh tái sử dụng, nhằm những mục đích mà nước này gọi là trỗi dậy hòa bình.
2009 là năm mà Trung Quốc chính thức tái khởi động những tuyên bố chủ quyền mang tính chiến lược bằng việc yêu sách phi lý “đường chín đoạn (đường lưỡi bò)” và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam
Từ 2010-2013, Bắc Kinh đã hiện thực hóa dã tâm kiểm soát biển Đông cùng các thực thể bị họ chiếm đoạt, với công cụ là tàu hải cảnh, hải giám, tàu quân sự đồn trú trái phép ở các địa điểm chiến lược và các yết hầu của tuyến hàng hải quốc tế.
Đặc biệt, năm 2012, Trung Quốc đã đẩy tranh chấp khu vực tăng cao bằng thủ đoạn chiếm bãi cạn Scarborough.
Đến đầu tháng 5/2014, Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Hải Dương 981 trong thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam.
Sau sự kiện Hải Dương 981, tình hình Biển Đông về bản chất không hề lắng dịu mà đỉnh cao là việc Trung Quốc liên tục bồi đắp các đảo hoặc bãi đá mà họ đã dùng vũ lực chiếm đóng trái phép.
Riêng Đảo Phú Lâm ở quần đảo Hoàng Sa đã bị Trung Quốc biến thành thủ phủ (trái phép) của cái gọi là “thành phố Tam Sa” vào năm 2012.
Bắc Kinh đã xây dựng phi pháp Phú Lâm thành một trung tâm quân sự, hành chính, hậu cần của toàn bộ lực lượng tiền tiêu ở biển Đông.
Mới đây nhất, hồi giữa tháng 2/2016, Trung Quốc ngông cuồng triển khai các hệ thống tên lửa đất đối không HQ-9, cùng các máy bay J-11, JH-7 lên đảo Phú Lâm.
Thông tin cũng cho biết, Trung Quốc đã bố trí trận địa pháo ở Gạc Ma.
Như vậy, với việc bồi đắp trái phép đảo và bãi đá, triển khai phi pháp đủ radar, tên lửa, pháo binh và chiến đấu cơ hiện đại, Trung Quốc hoàn toàn có khả năng kiểm soát tuyến hàng hải sôi động nhất thế giới không chỉ trong khu vực quần đào Hoàng Sa mà còn cả Trường Sa của Việt Nam.
Điều này không chỉ đe dọa an ninh, an toàn, tự do hàng không, hàng hải mà còn uy hiếp đến độc lập, chủ quyền của các quốc gia trong khu vực.
Liệu việc Trung Quốc bao năm nay thực hiện chiến lược "tằm ăn dâu", "bóc lá bắp cải" cho đến bá quyền lắt léo đã làm cho các nước trong khu vực mất cảnh giác và cộng đồng thế giới luôn rơi vào trạng thái việc đã rồi?
Hình ảnh vệ tinh hồi giữa tháng 2/2016 tố cáo Trung Quốc bố trí phi pháp tên lửa phòng không trên đảo Phú Lâm của Việt Nam. (Ảnh: Imagesat International N.V 2016) |
Điều kiện thay đổi cán cân quyền lực của Trung Quốc trên biển Đông
Chuỗi sự kiện quân sự hóa có ý nghĩa mang tầm chiến lược đối với tham vọng độc chiếm biển Đông của Trung Quốc.
Sự khác biệt cơ bản là, toàn bộ tham vọng của Trung Quốc trước và sau thời điểm này ở chỗ "có hay chưa có súng" (ở biển Đông)?
Trước đây, Trung Quốc mặc dù đã tuyên bố yêu sách ở biển Đông song các điều kiện về quân sự hoàn toàn chưa đảm bảo cho việc tác chiến hỗ trợ tham vọng chính trị.
Nhưng nay, Trung Quốc đã mạnh tay quân sự hóa biển Đông, lại bồi đắp các bãi đá, xây dựng cơ sở vật chất hậu cần, kỹ thuật lớn mạnh ở những nơi họ chiếm đóng trái phép thì sự việc đã thay đổi hoàn toàn.
Trong đó, có 4 điều kiện làm thay đổi cán cân quyền lực của Trung Quốc ở biển Đông:
Một là, Trung Quốc đã kiểm soát và mở rộng trái phép các đảo và bãi đá ở quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa.
Việc chiếm hữu đảo thời điểm này là cái cớ để Bắc Kinh ngụy biện cho các yêu sách chủ quyền phi lý về vùng biển có giá trị pháp lý của các thực thể này trong hiện tại và tương lai.
Được tăng cường thêm vũ khí, các cứ điểm này càng là sự nhức nhối, là mối họa lớn của các nước.
Thứ hai, Trung Quốc ngày càng lớn mạnh nên tham vọng càng được đẩy nhanh cùng với sự phản ứng ngày càng cực đoan của Bắc Kinh trên thực địa.
Sự tăng trưởng mạnh mẽ của Trung Quốc gần 3 thập kỷ qua đã đưa nước này trở thành nền kinh tế số hai thế giới và ngày càng can dự vào nhiều hoạt động toàn cầu.
Mặc dù tham vọng bá chủ thế giới của Trung Quốc đã có từ lâu nhưng dưới thời ông Tập Cận Bình, Trung Quốc càng lộ rõ và thực hiện tham vọng đó một cách nóng vội, cực đoan và không có có cơ chế kiểm soát.
Trên thực địa, Bắc Kinh không ngần ngại hung hăng tuyên bố sẵn sàng tham gia vào một cuộc đối đầu, thậm chí là chiến tranh để bảo vệ cái gọi là “lợi ích cốt lõi”.
Bà Hoa Xuân Oánh, phát ngôn viên Bộ ngoại giao Trung Quốc đã lớn tiếng rằng: “Trung Quốc không cho phép bất kỳ quốc gia nào xâm phạm lãnh hải hay không phận nước này.”
Thứ ba, các nước trong khu vực đã bị dồn ép đến tình huống phải có phản ứng mạnh.
Với chiến lược "tằm ăn dâu" và bành trướng lắt léo, Trung Quốc đã lần lượt cưỡng chiếm nhiều đảo, bãi đá ngầm ở biển Đông.
Tình thế này đã buộc các nước tăng cường nâng cấp quân bị, sẵn sàng cho một cuộc chiến bắt buộc. Hành động bá quyền của Trung Quốc, sớm hay muộn cũng tạo nên cuộc chạy đua vũ trang trên biển Đông, nguy cơ xung đột vì thế mà tăng cao hơn bao giờ hết.
Trung Quốc dưới thời ông Tập Cận Bình được cho là muốn thoát khỏi chính sách "ẩn mình chờ thời", trở nên cứng rắn, hung hăng hơn trên biển Đông. (Ảnh: Takungpao) |
Thứ tư, do quyền lực và quyền lợi của các cường quốc bị thách đố và ảnh hưởng nghiêm trọng.
Chắc chắn, hành động bành trướng cực đoan của Trung Quốc ở biển Đông sẽ ảnh hưởng đến các cường quốc, điển hình là Mỹ.
Một khi quyền lực và quyền lợi của Mỹ, đồng minh và các đối tác bị đe dọa thì chắc chắn các nước này sẽ buộc phải có những biện pháp bảo vệ cứng rắn hơn.
Washington và các cường quốc sẽ không chủ trương một cuộc chiến tranh chống lại Trung Quốc nhưng có thể sẽ có điều chỉnh chính sách để phản ứng lại những yêu sách quá đáng nếu Trung Quốc muốn tiếp tục các cuộc phiêu lưu mới.
Điều đó, tiềm ẩn những nguy cơ bất ổn thêm cho khu vực và thế giới.
"Tỳ hưu có súng" trên biển Đông
Trở lại với câu chuyện ban đầu, con tỳ hưu chỉ biết nghĩ cho bản thân và không bao giờ nhân nhượng quyền lợi cho người.
Trung Quốc cũng vậy, chỉ nghĩ đến cái lợi của quốc gia mình mà không tôn trọng lợi ích của các quốc gia khác. Nhưng giờ đây, con "tỳ hưu Trung Quốc" trên biển Đông lại được trang bị vũ khí.
"Tỳ hưu" có súng! Đó chính là điều cực kỳ nguy hiểm cho hòa bình và ổn định của biển Đông.
Việc giải quyết hòa bình vấn đề này thông qua công pháp quốc tế và đàm phán ngày càng bị tước mất cơ hội.
Vì thế có thể thấy, sự trỗi dậy của Trung Quốc vì thế, đã biến thành giông tố cho biển Đông và là cơn ác mộng đối với nền hòa bình thế giới.
Tiến sĩ Lê Đình Tân _ Trưởng Phòng Quản lý Đào tạo, Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, Đại học Quốc gia Hà Nội. Hiện ông đang là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Chi Nan, Đài Loan.
TS. Lê Đình Tân |
Tags:
BIỂN ĐÔNG