Chiến hạm Gepard 3.9 và Sigma 9814 Việt Nam: ai hơn ai?

(Kiến Thức) - Xét về hệ thống điện tử, hỏa lực trang bị thì tàu hộ vệ tên lửa Sigma 9814 có phần nhỉnh hơn Gepard 3.9


Mô hình tàu hộ vệ tàng hình Sigma 9814 tại Vietship 2014. 
Với việc tập đoàn đóng tàu Damen của Hà Lan cho công khai mô hình tàu hộ vệ tên lửa Sigma 9814 xuất khẩu cho Việt Nam tại triển lãm Vietship 2014. Qua đó, đã có đủ cơ sở để so sánh sức mạnh của Sigma 9814 sắp được trang bị với 2 chiếc tàu hộ vệ Gepard 3.9 đang phục vụ trong Hải quân Nhân dân Việt Nam.


igma phù hợp hoạt động ở Trường Sa hơn Gepard 3.9?
Cả 2 lớp tàu chiến này có thể xếp vào hạng heavy corvette hoặc light frigate tùy quan niệm của nước sử dụng. Kích thước ngoài (dài x rộng x mớn nước) của Sigma 9814 là 99,91 x 14,02 x 3,75m, lượng giãn nước 2.150 tấn, trong khi đó của Gepard 3.9 là 102,2 x 13,1 x 5,3m với lượng giãn nước đầy tải 2.100 tấn.
Có thể thấy kích thước của 2 lớp tàu này có độ chênh lệch không đáng kể, tuy nhiên do Gepard 3.9 được thiết kế lại trên cơ sở project 1166.1 đã cũ còn Sigma là một thế hệ tàu chiến mới hoàn toàn nên khả năng tàng hình trước radar đối phương của Sigma được đánh giá cao hơn hẳn. Ngoài ra do có độ mớn nước chỉ là 3,75m so với 5,3m của Gepard nên Sigma có thể hoạt động thuận lợi hơn tại vùng biển nông quanh các đảo thuộc quần đảo Trường Sa.
Tàu hộ vệ tên lửa Gepard 3.9 đóng cho Việt Nam.
Hệ thống điện tử Sigma 9814 cũng “đỉnh” hơn
Về hệ thống điện tử hàng hải, lớp Sigma 9814 được trang bị hệ thống quản lý tác chiến TACTICOS, radar tìm kiếm mục tiêu SMART-S MK2 và hệ thống điều khiển hỏa lực STING EO MK2 do hãng Thales Hà Lan phát triển. Đây đều là những hệ thống điện tử tiên tiến nhất của châu Âu hiện nay.
Radar SMART-S MK2 làm việc trên băng tần S, được tối ưu hóa cho hoạt động giám sát ở tầm trung-xa và chỉ thị mục tiêu trong môi trường ven biển, có tầm hoạt động tối đa lên tới 250km nếu anten quay với tốc độ 13,5 vòng/phút, hoặc tới 150km nếu quay với tốc độ 27 vòng/phút.
Anten (trên đỉnh cột) radar có khả năng phát hiện máy bay tàng hình SMART-S MK2.
Radar có khả năng phát hiện mục tiêu kích cỡ máy bay bay ở độ cao 1.000m từ cự ly 200km và mục tiêu kích cỡ tên lửa hành trình từ cự ly 50km, tổng số mục tiêu theo dõi là 500 (trên không và trên biển), bám bắt 3 mục tiêu cùng lúc cho tên lửa tiêu diệt. Theo Thales, SMART-S Mk2 có thể phát hiện máy bay tàng hình ở cự ly 50km.
Còn Gepard 3.9 được trang bị hệ thống quản lý tác chiến Sigma-E, radar mảng pha 3 chiều trinh sát mục tiêu trên không và trên biển Pozitiv-ME1, radar kiểm soát hỏa lực Mineral-ME dẫn đường cho tên lửa đối hải, radar MR-123 dùng để điều khiển pháo các cỡ từ 30 tới 76mm được tích hợp với hệ thống Palma.
 Pozitiv ME-1.
Trong đó, radar Pozitiv ME-1 hoạt động trên băng tần X, cự ly phát hiện mục tiêu tối đa 150km, có thể phát hiện mục tiêu bay có diện tích phản xạ radar 1m2 bay ở độ cao 1.000m từ khoảng cách 110km, phát hiện mục tiêu là tên lửa đối hạm có diện tích phản xạ radar 0,03m2 bay ở độ cao 15m từ khoảng cách 15km, số mục tiêu có thể theo dõi cùng lúc chỉ là 40 mục tiêu mặc dù vẫn có khả năng bám bắt cùng lúc 3 mục tiêu cho tên lửa tiêu diệt như SMART-S MK2.
Vì thế, nhìn chung hệ thống điện tử trên tàu Sigma được đánh giá cao hơn hệ thống điện tử của tàu Gepard 3.9.
Hỏa lực: ai hơn ai?
Về hỏa lực chống tàu mặt nước, Sigma 9814 được trang bị 8 tên lửa đối hạm Exocet MM40 Block 3 có tầm bắn 180km, mang đầu đạn bán xuyên giáp nặng 155kg, vận tốc Mach 0,92 so với 8 tên lửa Uran-E trang bị trên Gepard chỉ có tầm bắn 130km, đầu đạn 145kg và vận tốc Mach 0,8.
Đặc biệt hơn Exocet là loại tên lửa đã trải qua thực tế chiến đấu và lập được rất nhiều chiến công. Hạn chế duy nhất của Exocet Block 3 so với Uran-E có lẽ chỉ nằm ở giá thành quá cao, gần 5 triệu USD/quả.
Rõ ràng Exocet MM40 Block có tầm bắn xa hơn Kh-35 Uran E trên Gepard 3.9.
Bên cạnh đó, Sigma 9814 còn được trang bị một pháo hải quân Oto Melara 76,2 mm với tháp pháo được thiết kế góc cạnh nhằm tăng khả năng tán xạ radar. So với pháo AK-176 trang bị trên Gepard thì Oto Melara vẫn được đánh giá cao hơn dù có cùng cỡ nòng, tốc độ và tầm bắn nhờ khả năng bắn được các loại đạn công nghệ cao được trang bị ngòi điện tử mà AK-176 không có.
Về hỏa lực phòng không, Sigma 9814 được trang bị 12 tên lửa phòng không VL MICA chứa trong hệ thống phóng thẳng đứng (VLS) bố trí ngay phía sau ụ pháo Oto Melara.
Tên lửa VL MICA có trọng lượng 112kg, dài 3,1m, đường kính 160mm mang đầu nổ định hướng nặng 12kg, vận tốc Mach 3 có tầm bắn lên tới 20km với mục tiêu cỡ lớn như máy bay trực thăng và tới 10km với mục tiêu là tên lửa hành trình đối hạm bay thấp. Tên lửa có thể được trang bị đầu dò radar chủ động (VL MICA-RF) hoặc đầu dò hồng ngoại (VL MICA-IR).
Bắn thử nghiệm tên lửa phòng không VL MICA.
Trong tác chiến, tên lửa nhận lệnh trực tiếp từ hệ thống quản lý chiến đấu của tàu, có khả năng bao quát 360 độ và không cần đến bất kỳ hệ thống theo dõi và chiếu xạ hay dẫn đường nào. So với VL MICA, tên lửa 9M311 của hệ thống Palma-SU trên tàu Gepard chỉ có tầm bắn 8km, mang đầu đạn 9kg, được dẫn đường bằng laser nên rất thiếu ổn định khi phải chiến đấu trong điều kiện sương mù dày đặc. Loại tên lửa này còn bị chính Quân đội Nga phàn nàn rất nhiều về khả năng đánh chặn tên lửa hành trình của mình.
Hỏa lực phòng không trên tàu Gepard ngoài tên lửa 9M311 còn có thêm pháo bắn nhanh AO-18KD của hệ thống Palma ở phía trước và 2 pháo AK-630 ở đuôi tàu tạo thành 1 hệ thống phòng thủ tầm gần (CIWS) khá hoàn chỉnh.
 Hỏa lực phòng không chính trên tàu Gepard 3.9 - Palma-SU.
Trong khi đó, trên Sigma ngoài VL MICA thì có thể thấy được 2 khẩu pháo chưa rõ loại nhưng rất có thể là pháo tự động MARLIN-WS cũng của Oto Melara, hệ thống này có thể lựa chọn pháo cỡ nòng 25 hay 30mm tùy yêu cầu khách hàng.
Tuy nhiên hệ thống này chỉ là Naval Gun System không phải là CIWS đúng nghĩa, đây là 1 hạn chế khá lớn của Sigma 9814, vì tên lửa phòng không được đánh giá hiệu quả nhất khi chống lại các tên lửa đối hạm siêu âm có kích thước, độ cao hành trình lớn còn đối với các tên lửa đối hạm cận âm có kích thước nhỏ và bay ở độ cao dưới 5m thì chống lại bằng pháo phòng không bắn nhanh sẽ cho hiệu quả cao hơn. Nếu được trang bị thêm 2 module pháo CIWS Goalkeeper hoặc tối thiểu là pháo Millenium 35mm của Rheinmetall mới có thể nói rằng Sigma 9814 có khả năng phòng không mạnh hơn Gepard.
Hỏa lực pháo phòng không CIWS của Gepard vượt trội hơn kiểu pháo trên tàu Sigma trong khả năng tác chiến chống tên lửa hành trình.
Về năng lực chống ngầm, đây là mặt nổi trội hoàn toàn của Sigma 9814 với Gepard 3.9. Trong khi 2 chiếc Gepard đầu tiên của Việt Nam không có khả năng chống ngầm thì Sigma 9814 rất có thể được trang bị sonar UMS 4132 Kingklip ASW của Thales cùng ngư lôi 324mm MU-90 cho khả năng chống tàu ngầm ở cự ly lên tới 23km, độ sâu đạt tới 1.000m.
Ngoài ra với việc thiết kế có hangar ở đuôi nên tàu có thể thường xuyên mang theo 1 trực thăng chống ngầm loại Ka-28 trong khi hoạt động, có 1 số ý kiến cho rằng hangar của tàu được thiết kế quá nhỏ, không đủ khả năng mang theo Ka-28. Tuy nhiên, rất có thể mô hình chiếc trực thăng Ka-28 có tỷ lệ lớn hơn tỷ lệ 1/100 của mô hình tàu.
Tóm lại, có thể thấy Sigma 9814 có rất nhiều điểm vượt trội so với 2 chiếc Gepard 3.9 đầu tiên đang được trang bị trong Việt Nam. Hy vọng trong tương lai gần chúng ta sẽ được thấy sự hiện diện của 2 chiếc Sigma 9814 thực sự tại cảng Cam Ranh chứ không phải là mô hình trưng bày như trong cuộc triển lãm ngày hôm nay.
Cập nhật lúc: 06:00 01/03/2014_Bạch Phạm
http://kienthuc.net.vn/quan-su-viet-nam/chien-ham-gepard-39-va-sigma-9814-viet-nam-ai-hon-ai-315051.html

إرسال تعليق

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

أحدث أقدم