Việt Nam có thể sẽ ký hợp đồng đóng thêm 4 tàu tên lửa lớp Molniya nâng cấp trong năm 2015.
Hợp đồng đóng thêm 4 tàu tên lửa Project 1241.8 nâng cấp sẽ có thể được Nga và Việt Nam ký kết trong năm 2015, ông Oleg Belkov - Tổng Giám đốc nhà máy đóng tàu Vympel nói với hãng tin Interfax-AVN tại triển lãm hải quân và hàng không quốc tế LIMA 2015 đang diễn ra trên đảo Langkawi, Malaysia. Theo một hợp đồng được ký kết trong năm 2013, Việt Nam đã nhận được 2 tàu tên lửa Project 1241.8 đầu tiên do Nga sản xuất và thêm 6 tàu cùng loại được đóng và lắp ráp theo giấy phép tại nhà máy đóng tàu Ba Son ở trong nước. Việc đóng mới chiếc tàu tên lửa Project 1241.8 đầu tiên theo giấy phép tại Việt Nam đã bắt đầu từ năm 2010 và có hiệu lực đến hết năm 2016. "Phía Việt Nam muốn tiếp tục duy trì một chu trình chế tạo lớp tàu tên lửa Molniya, họ không muốn hủy bỏ những cơ sở đã có. Trong năm 2015, hai bên sẽ tiến hành các thủ tục ký kết hợp đồng và thực hiện việc mua bán các trang thiết bị cần thiết. Sang năm 2016, sẽ bắt đầu việc chế tạo", ông Belkov nói. |
Theo ông Belkov, hợp đồng cho 4 tàu tên lửa Project 1241.8 phiên bản mới (nâng cấp các thiết bị trên khoang) có thể được Nga và Việt Nam ký kết trong năm 2015.
Về việc bảo đảm các động cơ tuabin khí trang bị cho 4 tàu tên lửa Project 1241.8 nâng cấp, nhà máy Zorya-Mashproekt ở Nikolayev (Ukraina) sẽ tiếp tục cung cấp cho Việt Nam một cách động lập mà không chịu ảnh hưởng nào bởi mối quan hệ giữa Nga - Ukraina hiện nay bởi các động cơ này sẽ được công ty của Ukraina trực tiếp cung cấp cho Việt Nam.
Ông Belkov cũng lưu ý rằng các tàu tên lửa này cũng có thể tùy chọn sử dụng động cơ do Nga sản xuất.
Trước đó, đã có thông tin rằng Việt Nam sẽ tự đóng theo giấy phép 6 tàu tên lửa Molniya ở trong nước.
Sau đó, dựa vào kết quả đánh giá khả năng hoạt động thực tế của các tàu chiến này, Việt Nam có thể sẽ đặt đóng thêm 4 tàu Molniya tiếp theo, nâng lên con số 10 tàu chiến như vậy được đóng tại Việt Nam.
Hiện tại, cặp tàu tên lửa Project 1241.8 đầu tiên M1 (HQ-377) và M2 (HQ-378) đã được nhà máy đóng tàu Ba Son bàn giao cho Hải quân Việt Nam, cặp tàu thứ hai M3, M4 đang trong giai đoạn lắp đặt thiết bị và thử nghiệm trên biển và cặp tàu thứ ba M5, M6 đang trong giai đoạn chế tạo.
Tàu tên lửa Molniya có lượng giãn nước 560 tấn, có tính năng đi biển rất cao với vận tốc tối đa gần 70 km/h trong điều kiện tiêu chuẩn.
Thời gian hoạt động trên biển là 10 ngày, cự ly hoạt động khi chạy ở tốc độ trung bình từ 1.650 đến 2.400 hải lý.
Tàu được thiết kế để tiêu diệt các đội hoặc nhóm tàu chiến, tàu đổ bộ, tàu hộ tống và các đội tàu khác của đối phương một cách độc lập; bảo vệ các tàu ngầm, tàu đổ bộ; thực hiện nhiệm vụ trinh sát…
Về hệ thống vũ khí, với hệ thống radar bám bắt mục tiêu hiện đại đảm bảo độ chính xác trong phát hiện và tiêu diệt mục tiêu, Molniya được lắp đặt hệ thống phóng 16 tên lửa đối hải Uran-E có tầm bắn 130 km.
Để phòng thủ, tàu được trang bị pháo tự động AK-176M, có tầm bắn 15 km, độ cao 11 km được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu trên không, trên mặt nước, và trên đất liền; 2 pháo 6 nòng tự động AK-630M có tầm bắn 4-5 km và nhịp bắn 4.000-5.000 phát/phút.
theo Báo Đất Việt_PVD |
http://soha.vn/quan-su/interfax-avn-viet-nam-dong-them-4-tau-ten-lua-molniya-nang-cap-20150318152100195.htm