Kh-28 - Tên lửa đối đất có tầm bắn xa nhất của KQVN

(Soha.vn) - Với tầm bắn tối đa lên tới 120 km, Raduga Kh-28 (AS-9 Kyle) chính là tên lửa đối đất có tầm bắn xa nhất của Không quân Việt Nam hiện nay.

Máy bay cường kích Su-22 của Việt Nam

Thông số kỹ thuật tên lửa Kh-28
Trọng lượng: 720 kg
Chiều dài: 5,97 m
Đường kính: 0,43 m
Sải cánh: 1,93 m
Vận tốc: 3500 km/h
Tầm bắn: 120 km
Đầu nổ: 160 kg HE


Nếu như Kh-25 được thiết kế bởi Zvezda là tên lửa đối đất hạng nhẹ dành cho máy bay cường kích chiến thuật thì tên lửa Kh-28 của cục thiết kế Raduga lại có “phong cách” khác hẳn.
Trong khi Zvezda bắt đầu từ những tên lửa không-đối-không hạng nhẹ thì cục thiết kế Raduga lại phát triển bằng cách thu nhỏ những tên lửa không-đối-đất hạng nặng trang bị cho máy bay ném bom chiến lượcthành phiên bản mới dành cho máy bay ném bom chiến thuật.
Tên lửa chống radar Kh-28 của Iraq
Tên lửa đối đất Raduga Kh-28 (NATO định danh AS-9 Kyle) là tên lửa chuyên dụng chống radar hiệu suất cao đầu tiên của Liên Xô, bắt đầu phát triển từ năm 1963 và chính thức đưa vào trang bị năm 1971. Lúc đầu Kh-28 được nghiên cứu để sử dụng trên máy bay ném bom Yak-28 Brewer đóng vai trò máy bay tác chiến điện tử trong lực lượng không quân tiền tuyến.
Thiết kế của Kh-28 dựa trên các loại tên lửa lớn hơn cũng xuất phát từ cục thiết kế Raduga là Kh-22 (AS-4 Kitchen) và KSR-5 (AS-6 Kingfish). Kh-28 bắt đầu được đưa vào sử dụng trong biên chế không quân Liên Xô từ năm 1971 nhưng trách nhiệm mang Kh-28 giờ đây được chuyển giao cho các máy bay Su-17/22/24 và Tu-22M. Tên lửa sẽ được chỉ thị bởi thiết bị Metel A/B trên Su-17/22 gắn dưới cánh hoặc Filin-N gắn trong thân Su-24 Fencer.
Sơ đồ cấu tạo của tên lửa Kh-28
Kh-28 có một đầu dò radar thụ động PRG-28/28M ở mũi tên lửa, tiếp theo là đầu nổ 9A283 nặng tới 160 kg. Động cơ R-253-300 cung cấp lực đẩy 8.000 kg giúp tên lửa đạt tốc độ tối đa lên tới 3.500 km/h, tầm bắn 120 km. Độ cao tối đa cho phép phóng Kh-28 là 11 km. Động cơ tên lửa sử dụng nhiên liệu lỏng toàn là các chất độc hại có tính ăn mòn cao, cần phải liên tục kiểm tra và tăng hạn mới đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nên gây ra rất nhiều khó khăn cho công tác bảo quản và sẵn sàng chiến đấu.

Su-22 của Iraq mang tên lửa Kh-28 dưới bụng
Mặc dù Kh-28 có ưu điểm là bay nhanh và tầm bắn xa, nhưng nó cũng có khuyết điểm là phức tạp và khó khăn trong bảo quản với động cơ nhiên liệu lỏng nên về sau đã bị thay thế bởi loại tên lửa dùng động cơ nhiên liệu rắn đơn giản và hiệu quả hơn là Kh-58, vì vậy nên Kh-28 đã bị loại khỏi biên chế quân đội Nga từ những năm 1990. Tên lửa Kh-28 đã được Liên Xô cung cấp cho các quốc gia thuộc khối Warsaw như Tiệp Khắc, Libya, Iraq và cả Việt Nam.

Tên lửa Kh-28 trang bị cho máy bay cường kích Su-22 Việt Nam
Kh-28 được trang bị cho các máy bay Su-22 Việt Nam từ những năm 1980, hiện nay không rõ số lượng cũng như tình trạng kỹ thuật của những tên lửa này. Mặc dù khá cồng kềnh cùng độ chính xác không được đánh giá cao nhưng Kh-28 cũng là một vũ khí hiệu quả để Su-22 chống tàu chiến địch vì khi bị mất radar thì con tàu đã mất hoàn toàn khả năng chiến đấu, chỉ còn là một chiếc bia nổi.

theo Trí Thức Trẻ_Quang Minh | 

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post