Ngăn chặn biệt kích, người nhái phá hoại Cam Ranh như thế nào?

(Soha.vn) - Bảo vệ Cam Ranh, căn cứ hải quân có ảnh hưởng lớn đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông, là một nhiệm vụ cực kỳ vẻ vang và khốc liệt!


Cuộc chiến bí mật dưới lòng biển
Vị trí chiến lược của Cam Ranh là điều mà ai cũng đã biết. Gần như toàn bộ sức mạnh của Hải quân Việt Nam tập trung ở đây. Các chiến hạm mới nhất lớp Gepard 3.9Molniya … được neo đậu ở đây. Bên cạnh đó là hàng loạt cơ sở thông tin liên lạc, kỹ thuật, hậu cần… Tới đây, quân cảng Cam Ranh còn đón thêm những chiếc tàu ngầm Kilo, cùng với trung tâm huấn luyện và sửa chữa bảo dưỡng tàu ngầm, biến nơi đây thành một căn cứ hải quân cực kỳ quan trọng có ảnh hưởng lớn đến hòa bình, ổn định ở Biển Đông.
Với một vị trí then chốt như vậy, đối phương sẽ tìm mọi cách do thám nắm bắt thông tin, phong tỏa, phá hoại. Do vậy, việc bảo vệ căn cứ Cam Ranh là một nhiệm vụ cực kỳ quan trọng và đầy khó khăn.
Con người đặc biệt tinh nhuệ
Trong các phương án bảo vệ, nhiệm vụ chống biệt kích, người nhái đối phương thực sự là một cuộc chiến không khoan nhượng dưới lòng biển cả. Đặc công nước, người nhái Việt Nam ngày xưa đã đi vào huyền thoại với những lần bí mật đột nhập, tiêu diệt căn cứ hải quân Pháp, Mỹ thì ngày này họ sẽ được vinh dự nhận một trách nhiệm ngược lại đó là ngăn chặn sự xâm nhập của biệt kích, người nhái đối phương.
Đặc công người nhái Việt Nam luyện tập
Lực lượng chống biệt kích người nhái, bảo vệ căn cứ hải quân trên thế giới đã có lịch sử từ rất lâu. Ở đây, chúng ta xét đến lịch sử của lực lượng này trong quân đội Liên Xô trước đây và Nga hiện nay. Cam Ranh chủ yếu sử dụng các vũ khí và phương tiện kỹ thuật của Nga nên sẽ có mô hình bố trí tổ chức tương tự căn cứ hải quân Nga.
Lực lượng đặc nhiệm hải quân Liên Xô ra đời từ một câu chuyện. Tháng 10/1955, chiến hạm tuần dương Liên Xô mang tên Ordzhonikidze cập cảng Portsmouth của nước Anh. Tại đây diễn ra cuộc hội đàm giữa Khrushchev và thủ tướng Anh. Trong thời gian tàu đỗ trên bến cảng, một thợ lặn, đại úy hải quân bậc II Hoàng gia Anh LionelCrabb đã lặn xuống bên dưới của chiến hạm để do thám cấu trúc thiết kế của chân vịt chiến hạm. Tuy nhiên, nhiệm vụ tình báo công nghiệp này đã bị tình báo Xô viết phát hiện. Cánh quạt chân vịt chiến hạm vô tình quay vài vòng và đại úy hải quân Hoàng gia tử thương. Phía Hải quân Xô viết lấy làm rất tiếc và vô cùng xin lỗi.
Ngay sau đó, Liên Xô đã nhận thấy một nhu cầu bức thiết là thành lập một lực lượng đặc nhiệm hải quân chống sự xâm nhập của đối phương vào các căn cứ hải quân. Thế nhưng, do những khó khăn nhất định, đến năm 1969, lực lượng đặc nhiệm hải quân người nhái (viết tắt là PDSS) mới được thành lập. Các lực lượng chống đặc nhiệm ngầm được thành lập tại tất cả các căn cứ hải quân lớn, đặc biệt là các căn cứ tầu ngầm trang bị tên lửa và ngư lôi với các đầu đạn hạt nhân.
Đối với Việt Nam hiện nay, qua các thông tin có thể thấy rằng đã có sự hiện diện của lực lượng đặc công người nhái. Ngoài những lực lượng chuyên trách tấn công căn cứ hải quân đối phương thì chắc chắn rằng sẽ có những lực lượng chuyên trách bảo vệ căn cứ, chống sự đột nhập của biệt kích, người nhái đối phương.
Với những nhiệm vụ mang tính đặc thù đó, đây là lực lượng được tuyển chọn vô cùng khắt khe và được giữ bí mật một cách tuyệt đối bởi họ là những người nắm căn cứ rõ như lòng bàn tay. Chế độ luyện tập của đặc công người nhái hết sức gian khổ. Những bài tập về thể lực, khả năng bơi lặn, võ thuật đương nhiên là món ăn hàng ngày của đặc công người nhái bảo vệ căn cứ. Trong số các lực lượng quân đội Việt Nam, đặc công người nhái được hưởng chế độ ăn cao nhất, hơn cả phi công, đặc công bộ…
Vũ khí đặc biệt hiện đại
Do nhiệm vụ đặc thù nên các vũ khí, phương tiện trang bị cho lực lượng chống biệt kích, người nhái cũng hết sức đặc thù.
Về vũ khí tấn công, các loại súng bắn dưới nước thường dùng đạn có hình dạng như những mũi lao để chống lại sức cản cực lớn của nước. Tầm bắn của những khẩu súng này rất ngắn, độ vài chục mét nhưng với đáy biển tối tăm, tầm bắn này vượt xa tầm quan sát, nhận biết được của con người.
Hiện nay súng tiểu liên APS-55 là loại vũ khí mà lực lượng đặc nhiệm hải quân Nga sử dụng, có đầu đạn dài tới 120mm, hình mũi tên. Súng nặng khoảng 2,7 kg cả đạn, băng đạn có 26 viên.
Ở độ sâu 40m súng có thể diệt các mục tiêu cách 10m. Ở tầm 50m dưới nước không thể ngắm bắn chính xác. Trên mặt nước, súng có thể diệt mục tiêu ở khoảng cách 100m, nhưng trên bộ, tuổi thọ ngắn, chỉ bắn được không quá 180 phát.
Súng, đạn chuyên dùng cho lực lượng người nhái có cấu tạo đặc biệt
Ngoài súng tiểu liên, lực lượng chống biệt kích, người nhái còn có thể được trang bị súng phóng lựu. Hiện nay một số súng phóng lựu có thể tiêu diệt được người nhái ở độ sâu 60m nếu bắn từ trên xuống. Đừng nghĩ rằng dưới nước uy lực của lựu đạn sẽ giảm mà ngược lại, ở dưới nước vùng sát thương do lựu đạn sẽ lớn hơn trên bộ, bởi tốc độ và hiệu suất truyền sóng xung kích trong môi trường chất lỏng tốt hơn môi trường không khí. Vùng sát thương rộng hơn, tầm bắn lại ngắn hơn nên việc sử dụng vũ khí này đòi hỏi sự quyết đoán và dũng cảm.
Để có thể thực hiện nhiệm vụ ở dưới sâu trong thời gian dài, đặc công người nhái được trang bị những bộ quần áo đặc biệt vừa có tác dụng giữ ấm, giảm ma sát và giảm ảnh hưởng của áp lực độ sâu. Không chỉ quần áo, đặc công người nhái được trang bị mặt nạ để cấp dưỡng khí.
Thiết bị thở chu trình khép kín cho phép người thợ lặn có thể hoạt động dưới nước trong nhiều giờ và không lộ bí mật do không xuất hiện các bong bóng khí. Chu trình khép kín mà không tuôn bong bóng khí được dựa trên nguyên lý carbon dioxide thải ra được tự tái chế để nuôi hệ hô hấp của người. Do vậy, khuôn mặt của các chiến sĩ người nhái luôn giấu kín dưới chiếc mặt nạ màu đen chỉ chừa khe hở cho đôi mắt.
Mặt nạ với chu trình khép kín không nổi bọt khí
Đặc công ngưới nhái có thể được trang bị thiết bị định vị định hướng dưới nước cho phép có thể tác chiến trong điều kiện không gian vùng nước có độ nhìn xa gần bằng 0.
Ngoài ra, đặc công người nhái còn được trang bị máy lặn, có cấu tạo như một ngư lôi giúp di chuyển trong lòng biển một cách nhanh chóng. Những hình ảnh về đặc công Việt Nam cho thấy người nhái Việt Nam đã được trang bị các thiết bị này. Đối với một số nước, lực lượng người nhái có thể được trang bị tàu ngầm cá nhân với khả năng chở 1,2 người.
Các trang bị của đặc công người nhái Việt Nam
Phao bơi dạng thủy lôi giúp cơ động dưới nước dễ dàng
Không chỉ vậy, hiện nay lực lượng chống biệt kích, người nhái trên thế giới còn có nhiều hệ thống mang tính tự động hóa cao. Các thiết bị này gọi là robot chống biệt kích. Một thiết bị tương tự của Mỹ là USV Blackfish có kết cấu tương tự ngư lôi, di chuyển bằng chân vịt được trang bị hệ thống Sonar độ nhạy cao, camera chuyên dùng dưới nước có thể phát hiện người nhái di chuyển dưới nước.
Ngay cả khi người nhái không di chuyển, các bọt khí sinh ra do quá trình thở của người nhái cũng sẽ bị phát hiện. Khi phát hiện được, các robot này có thể truyền thông tin về trung tâm, sử dụng súng phóng lựu tiêu diệt người nhái đối phương. Thiết bị này hoạt động theo lộ trình định sẵn, bán kính kiên lạc 1 km, hoạt động liên tục 1 giờ. Chưa rõ liệu lực lượng đặc công người nhái Việt Nam có được trang bị những hệ thống tương tự hay không?
Cuộc chiến đặc biệt khốc liệt, nhiệm vụ đặc biệt vẻ vang
Dưới bóng tối của đáy biển mọi thứ chỉ quan sát được mờ mờ trong một tầm rất ngắn, khả năng vận động bị triệt tiêu gần hết cùng với sức ép cực lớn do độ sâu nước và đặc biệt đối diện với kẻ thù cũng hết sức tinh nhuệ do vậy cuộc chiến dưới lòng biển thực sự rất khốc liệt.
Khi phát hiện biệt kích, người nhái đối phương xâm nhập căn cứ. Đặc công người nhái lao vào trận giáp chiến dưới nước. Những khẩu tiểu liên tự động bắn ra những chiếc kim thép dài ở khoảng cách tưởng chứng như có thể sờ thấy nhau.
Những trận cận chiến tay không cũng có thể diễn ra với những đòn võ thuật dưới nước hay đơn giản chỉ là nhanh tay giật ống thở của đối phương.
Ngoài ra, đặc công người nhái bảo vệ căn cứ còn phải có kỹ năng vô hiệu hóa các loại bom mìn và thủy lôi của đối phương. Đối mặt với những loại bom mìn, thủy lôi phức tạp, việc hóa giải trên bờ đã khó khăn, kéo dài nhiều giờ liền thì ở dưới nước mọi thứ còn nguy hiểm hơn nhiều, đòi hỏi một bản lĩnh cực kỳ vững vàng, khả năng xử lý tình huống nhay nhạy và thành thục từng động tác.

Có thể nói rằng nhiệm vụ bảo vệ quân cảng Cam Ranh là một nhiệm vụ thầm lặng, nguy hiểm nhưng cũng hết sức vẻ vang. Phát huy truyền thống "Đặc biệt tinh nhuệ, Anh dũng tuyệt vời, Mưu trí, táo bạo, Đánh hiểm thắng lớn" của bộ đội đặc công Việt Nam, chúng ta tin tưởng rằng các chiến sĩ sẽ hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ trái tim Cam Ranh của Hải quân Việt Nam, góp phần quan trọng bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển đảo Tổ quốc.
Ngăn chặn lực lượng biệt kích người nhái đột nhập Cam Ranh ta đã có đặc công người nhái, nhưng giả sử đối phương sử dụng tàu chiến tấn công Cam Ranh thì chúng ta sẽ đối phó như thế nào?
Hà Dũng | _theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/quan-su/ngan-chan-biet-kich-nguoi-nhai-pha-hoai-cam-ranh-nhu-the-nao-20131107173813217.htm

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post