Thế trận liên hoàn bảo vệ Cam Ranh

(Soha.vn) - Radar, tên lửa đối hải, lực lượng săn ngầm... tạo thành thế trận vững chắc bảo vệ căn cứ Cam Ranh trong mọi tình huống.


"Tai - mắt" trên biển
Mắt xích đầu tiên trong thế trận liên hoàn bảo vệ Cam Ranh phải kể đến hệ thống trinh sát phát hiện là các đài radar hải quân. Những đài radar này được bố trí trên các đỉnh núi ven bờ biển và các hải đảo. Hiện nay, Hải quân Việt Nam được trang bị nhiều chủng loại radar khác nhau, đảm bảo phủ kín vùng biển thuộc chủ quyền quốc gia. Trong đó, hiện đại nhất là hệ thống radar ngoài chân trời Coast Watcher 100 (CW-100). Hệ thống này được thiết kế cho nhiệm vụ giám sát bờ biển, phát hiện sớm từ xa các tàu thuyền lạ xâm nhập vùng biển, vùng đặc quyền kinh tế. CW-100 do Tập đoàn Thales (Pháp) sản xuất và được đánh giá là một trong hệ thống radar giám sát biển hiện đại hàng đầu thế giới.
Cụ thể, nó có thể phát hiện các mục tiêu như: tàu thuyền nhỏ tàng hình có diện tích phản hồi sóng radar (RCS) 1m2 ở cự ly 45km; phát hiện máy bay tuần tra hàng hải có diện tích phản hồi radar 25m2 bay ở độ cao 170m, cự ly 90km; tàu cá có RCS 50m2 chiều cao 3m trên mực nước biển từ cự ly 145km; tàu chiến có RCS 10.000m2, chiều cao 10m trên mực nước biển từ cự ly 170km.
Hệ thống radar ngoài chân trời Coast Watcher 100 (CW-100)
Không chỉ có những đài radar cố định, mà lực lượng Hải quân Việt Nam còn được trang bị các máy bay tuần tra, giám sát biển hiện đại như CASA 212, thủy phi cơ DHC-6. Những máy bay này được trang bị các thiết bị trinh sát mặt biển đóng vai trò là những đài radar di động. Chúng sẽ góp phần theo dõi, xua đuổi, ngăn chặn các tàu chiến đối phương có âm mưu xâm nhập trái phép căn cứ Cam Ranh.
Lực lượng trinh sát mặt biển không chỉ có như vậy mà còn hàng nghìn tai mắt trên các tàu chiến, tàu vận tải, tàu cá của ngư dân. Ngay ngoài cửa ngõ Cam Ranh sẽ luôn bố trí những chiếc tàu có nhiệm vụ trực chiến đấu ngăn chặn các hành vi xâm nhập của đối phương. Các tàu dân sự khác cũng sẽ là một lực lượng vô cùng đông đảo, hiệu quả, góp phần cũng quân đội phát hiện các hành vi đột nhập.
Tên lửa đối hải sẵn sàng làm nhiệm vụ
Khi đã được cảnh báo, nếu tàu chiến đối phương vẫn ngoan cố thực hiện âm mưu tấn công vào căn cứ Cam Ranh, những giàn tên lửa đối hải của Hải quân Việt Nam sẵn sàng làm nhiệm vụ.
Trong các loại hỏa lực tham gia bảo vệ Cam Ranh hiện nay không thể không nhắc đến Yakhont. Với tầm bắn 300km, tốc độ siêu thanh Mach 2,6 cùng công nghệ tàng hình và hệ thống dẫn đường linh hoạt,Yakhont là một lá chắn vững vàng bảo vệ Cam Ranh.
Tên lửa Yakhont sẵn sàng trút bão lửa nhấn chìm tàu địch
Sau Yakhont là các tên lửa Kh-35E được bố trí trên các chiến hạm. So với Yakhont, Kh-35E có tầm bắn ngắn hơn với 130 km nhưng nó vẫn thực sự là một loại tên lửa tiên tiến, hiệu quả, khiến đối phương phải run sợ. Nếu như tương lai chúng ta trang bị thêm các hệ thống tên lửa bờ Bal-E thì khi đó cơn bão lửa ở Cam Ranh thực sự mạnh lên rất nhiều.
Ngoài ra còn các loại tên lửa thế hệ cũ hơn như P-15, P-21 cũng luôn luôn sẵn sàng giáng cho đối phương những đòn chí tử.
Không chỉ tên lửa mà bên ngoài căn cứ Cam Ranh, khi cần, chúng ta có thể bố trí các bãi mìn, bãi thủy lôi. Những cạm bẫy này tuy đơn giản nhưng vô cùng hiệu quả trong việc ngăn chặn chống đột nhập, tấn công. Rõ ràng việc đối phương định tấn công Cam Ranh bằng các tàu mặt nước chẳng khác nào "tự sát". Chúng sẽ tìm đên một cách thức hiệu quả hơn, đó là tàu ngầm.
Chiến lược săn ngầm
Nếu như tàu ngầm đối phương có thể tiếp cận và sử dụng các loại tên lửa đối đất để tấn công hoặc rải thủy lôi phong tỏa đường ra vào căn cứ, chúng ta sẽ có chiến lược nào bảo vệ Cam Ranh?
Trước hết là các phương tiện trinh sát ngầm. Để phát hiện các tàu ngầm đối phương, cần dựa vào các sonar thủy âm và thiết bị dò từ tính được bố trí cố định trong mạng lưới bí mật, trên các tàu chiến đang làm nhiệm vụ tuần tra trực chiến, trên các máy bay săn ngầm, máy bay tuần thám. Các thiết bị trinh sát ngầm của Việt Nam trên các chiến hạm Gepard 3.9, máy bay tuần thám CASA-212, thủy phi cơ DHC-6, trực thăng săn ngầm Ka-28… được đánh giá cao, đảm bảo phát hiện kịp thời, chính xác các tàu ngầm đối phương, đặc biệt là những tàu được đánh giá có độ ồn lớn. Trong đó, hệ thống định vị sonar VDS-2EM trên Gepard 3.9 được đánh giá là hiện đại nhất trong các loại định vị sonar hiện nay, bán kính quét rộng và độ sâu lên đến 800m. Các thiết bị trinh sát ngầm này cần bố trí trên các hướng chính yếu có thể xuất hiện tàu ngầm đối phương xâm nhập.
Khi phát hiện sự tiếp cận của tàu ngầm lạ vào căn cứ, các hỏa lực chống ngầm sẽ phát huy sức mạnh tiêu diệt đối phương. Các hỏa lực chống ngầm, bao gồm các ngư lôi săn ngầm được trang bị trên các tàu và trực thăng săn ngầm. Phải nói rằng việc chống ngầm khó ở việc xác định chính xác mục tiêu, còn khi tàu ngầm đã ở trong vùng bám đuổi của ngư lôi thì ít khi sống sót, bởi ngư lôi có tốc độ và tính cơ động cao hơn tàu ngầm rất nhiều.
Lực lượng săn ngầm chủ yếu của Hải quân Việt Nam hiện nay là các tàu lớp lớp Petya và các trực thăng săn ngầm Ka-28.
Tàu săn ngầm lớp Petya của Hải quân Việt Nam
Hệ thống trinh sát ngầm chính của tàu săn ngầm Petya là hệ thống định vị thủy âm Herkules được gắn ở sườn tàu và một hệ thống kéo theo phía sau. Vũ khí cho nhiệm vụ chống ngầm của tàu gồm: Một dàn phóng ngư lôi 400mm với 5 ống phóng, 2 dàn phóng rocket chống ngầm RBU-6000.
Trực thăng săn ngầm Ka-28 được trang bị các hệ thống trinh sát ngầm bao gồm: Hệ thống phát hiện từ trường tàu ngầm MAD, sonar phát hiện tàu ngầm, thả phao định vị thủy âm.
Ka-28 có thể mang theo ngư lôi, bom sâu, mìn ở trong khoang, khi phát hiện tàu ngầm đối phương Ka-28 có thể tấn công bằng vũ khí mang theo hoặc phát tín hiệu báo động, thả phao đánh dấu vị trí tàu ngầm cho các lực lượng tấn công khác. Hiện nay, trực thăng Ka-28 là lực lượng chống ngầm cơ động chủ lực của Hải quân Việt Nam. Với tốc độ tối đa 270km/h, tốc độ hành trình 205km/h, phạm vi hoạt động 980km, trực thăng Ka-28 có thể trinh sát trên một vùng biển rộng lớn, nhanh chóng phát hiện sớm sự xuất hiện của các tàu ngầm đối phương, phát tín hiệu báo động và sẵn sàng tiêu diệt khi cần thiết. Ka-28 là một trong những trực thăng săn ngầm hiệu quả nhất thế giới hiện nay.
Trực thăng săn ngầm Ka-28 của Không quân Hải quân Việt Nam
Ngoài ra, trong tương lai, khi có thêm tàu ngầm Kilo, năng lực tác chiến ngầm của Hải quân Việt Nam sẽ được tăng lên mạnh mẽ. Tuy nhiên, các tàu Kilo sẽ là đóng vai trò lực lượng cơ động chiến đấu chứ không phải là lực lượng chống ngầm ở căn cứ.
Việc tiêu diệt tàu ngầm đối phương tiếp cận căn cứ chỉ là một phần của nhiệm vụ. Phần khác của nhiệm vụ chính là rà phá các bãi mìn, thủy lôi mà tàu ngầm đối phương dùng để phong tỏa căn cứ. Hiện nay, Hải quân Việt Nam được trang bị các tàu quét lôi do Liên Xô viện trợ có tuổi thọ khá cao nhưng với kinh nghiệm chống phong tỏa từ thời chiến tranh Mỹ, việc rà phá thủy lôi của Hải quân Việt Nam vẫn có thể đạt hiệu quả cao.
Tàu quét lôi Yurka có hệ thống các thiết bị phá mìn bằng chạm nổ, từ tính, sóng âm… được Việt Nam tiếp nhận năm 1981 sử dụng từ năm 1963 trong hải quân Liên Xô
Nhìn tổng thể có thấy rằng Việt Nam có đủ khả năng chống tàu ngầm đối phương tiếp cận, phong tỏa, tấn công căn cứ, tuy nhiên, bên cạnh đó, cũng có nhiều trang thiết bị đã khá lạc hậu cần được thay thế bằng các loại mới.
Trước hết đó là lực lượng các tàu săn ngầm. Các tàu săn ngầm hiện có của Việt Nam lớp Petya được Liên Xô sử dụng từ những năm 1960, sau đó được viện trợ cho Hải quân Việt Nam năm 1978. Như vậy tuổi thọ sử dụng đã hơn 50 năm. Trong thời gian đó, các tính năng của tàu ngầm đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Nhận thức được lỗ hổng này mà Việt Nam đã đặt hàng phía Nga các tàu Gepard 3.9 mới chuyên dùng để chống ngầm với các trang thiết bị hiện đại.
Tiếp theo là lực lượng tàu quét lôi căn cứ hiện nay khá mỏng và cũ. Trước nhu cầu hiện đại hóa, hải quân Việt Nam cần chú trọng tăng cường hơn nữa các tàu quét lôi căn cứ đảm bảo an toàn cho các tàu hải quân ra vào căn cứ được an toàn.
Lực lượng trinh sát ngầm cũng cần được bổ sung những máy bay săn ngầm kiểu P-3 của Mỹ để nâng cao hơn nữa khả năng chống ngầm, đặc biệt khi Trung Quốc là một nước có tranh chấp ở biển Đông có lực lượng tàu ngầm đông đảo, nhiều chủng loại và không ngừng phát triển thêm.
Từ những việc bố trí địa điểm các đoàn tên lửa bờ Yakhont, các lực lượng máy bay săn ngầm, tàu săn ngầm, quét lôi, thủy phi cơ …, có thể thấy từ lâu Việt Nam đã tính đến chiến lược bảo vệ căn cứ Cam Ranh.
Hà Dũng | _theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/quan-su/bao-lua-cam-ranh-nhan-chim-tau-dich-20131108002904522.htm

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post