Nhìn lại Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991-Kỳ 2: Âm mưu chiến lược của Mỹ

Ý đồ của Iraq
Có thể nói, việc Iraq đưa quân vào Kuwait là hành động vi phạm chủ quyền của một quốc gia độc lập, vi phạm luật pháp quốc tế. Không có lý do chính đáng nào giải thích cho hành động này của Iraq. Vậy mục tiêu, ý đồ của Iraq là gì?

Xe tăng Iraq trên đường tiến vào Kuwait.
Trước hết, theo như Tổng thống Sadam Hussein tuyên bố ngày 25/8/1990: “Kuwait là một vật cản khiến Iraq không có lối ra biển”. Trên thực tế, hai đảo Warbah và Bubiyan thuộc Kuwait nằm án ngữ hầu hết 29 km bờ biển của Iraq, chặn con đường giao thông từ cảng Umm Qasr của Iraq ra Vịnh Persian. Như vậy, Iraq chiếm Kuwait chính là thực hiện mục tiêu “mở đường thông ra biển” hoặc ít nhất cũng thành lập được một chính phủ ở Kuwait thân Iraq, sẵn sàng đáp ứng những đòi hỏi của nước này vô điều kiện.

Việc tồn tại một chính phủ thân với mình như vậy phù hợp với yêu cầu của Iraq trên mọi phương diện. Một là, Iraq không bị lên án là xâm lược vì đã đưa quân vào Kuwait để xóa bỏ một thể chế quân chủ lỗi thời. Hai là, bằng việc thương lượng với chính phủ Kuwait dưới sự bảo trợ của mình, Iraq có thể mở rộng cảng Umm Qasr, một đầu mối quan trọng giúp phát triển kinh tế nước này. Ba là, vấn đề biên giới giữa hai nước sẽ được giải quyết dễ dàng và có lợi cho Iraq.

Tổng thống Bush thăm binh lính Mỹ tại Kuwait nhân ngày Lễ tạ ơn năm 1990.
Một mục tiêu không kém phần quan trọng của Iraq là nếu sáp nhập Kuwait với lý do “thu lại phần lãnh thổ bị mất” thì nghiễm nhiên Iraq có thêm một nguồn dầu lửa khổng lồ, chiếm 20% trữ lượng dầu lửa thế giới. Mặt khác, Kuwait là một nước giàu có hơn hẳn Iraq với hàng trăm tỷ USD gửi ở các ngân hàng nước ngoài, lợi tức hàng năm khoảng 8,8 tỷ USD sẽ giúp Iraq bù vào sự thiếu hụt ngân sách do nền kinh tế bị suy sụp sau cuộc chiến với Iran trước đó. Chính những toan tính trên đã dẫn Tổng thống Iraq lúc đó có quyết định sai lầm, nguy hiểm. Để biện minh cho hành động tấn công Kuwait, ông Hussein nói: “Sự can thiệp của Iraq vào Kuwait cho phép chấm dứt sự phân chia giàu nghèo giữa thiểu số giàu có và đa số nghèo khó”.

Cuối cùng, mục tiêu bao trùm nhất mà Iraq theo đuổi từ lâu là trở thành một cường quốc trong khu vực có khả năng chi phối Vùng Vịnh và các nước Arập, hay nói cách khác, Iraq là người lãnh đạo, là “thanh mã tấu” của thế giới Arập. Trên thực tế, Iraq đã là một cường quốc quân sự tại Vùng Vịnh và cả Trung Đông. Với 1 triệu quân, 6.000 xe tăng và xe bọc thép các loại, gần 700 máy bay chiến đấu hiện đại, sản xuất được vũ khí hóa học, sinh học và triển khai một số cơ sở nghiên cứu vũ khí hạt nhân… không một nước Arập nào, kể cả Ai Cập, đạt được tiềm lực quân sự lớn như vậy vào thời điểm đó.

Toan tính của Mỹ

Với ý đồ và tham vọng của mình, quyết tâm chiếm Kuwait của Iraq được củng cố thêm bằng hành động dường như “bật đèn xanh” của Mỹ. Thông qua đường ngoại giao, Mỹ khẳng định (25/7/1990): “Không có ý kiến gì về những cuộc xung đột giữa các nước Arập”. Đặc biệt, trước Ủy ban đối ngoại của Quốc hội, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ John Kelly lúc đó nói: “Chúng ta ủng hộ nền độc lập và an ninh của các nước bạn trong khu vực. Chúng ta đã duy trì lực lượng hải quân tại đây nhưng chúng ta không có hiệp ước phòng thủ với các nước Vùng Vịnh. Điều này là rõ ràng”. Phải chăng đó là những tín hiệu về sự “không can thiệp” của Mỹ?

Tờ Newsweek tháng 3/1991 đã đăng bài phát biểu của một nghị sĩ Mỹ trong đó tiết lộ cuộc mặc cả giữa Tổng thống Saddam Hussein với Tổng thống Ai Cập Mubarak ngay từ tháng 5/1990 rằng: “Chúng ta sẽ đưa quân vào Saudi Arabia và Kuwait để lập lại sự bình đẳng về lợi ích kinh tế trong vùng”. Trước đó, ông Hussein cũng nói với vua Fahd của Saudi Arabia rằng “không có gì phải áy náy về việc cho rằng Vùng Vịnh không nên có các quốc gia nhỏ, phải sáp nhập họ vào các quốc gia lớn”.

Rõ ràng, việc Iraq có ý định đưa quân vào Kuwait đã được “2 người bạn” (Ai Cập và Saudi Arabia) của Mỹ biết trước và vì thế Mỹ không thể không biết. Song xuất phát từ ý đồ “lập lại trật tự, củng cố quyền lợi ở Trung Đông”, Mỹ không những không có hành động ngăn chặn mà còn đẩy nhanh quá trình Iraq xâm lược Kuwait.

Ngay cả khi Iraq, trước sự phản đối của dư luận, tuyên bố rút một phần lực lượng khỏi Kuwait, nhưng Mỹ vẫn không từ bỏ việc sử dụng sức mạnh quân sự, vẫn đưa quân đến Vùng Vịnh. Tại sao vậy? Phải chăng đây là một cơ hội có một không hai để Mỹ “thủ tiêu” Iraq - mối đe dọa đối với lợi ích của Mỹ ở Trung Đông? Quả thực, thế giới không có lợi ích gì trong việc “khôi phục ngai vàng” của quốc vương Kuwait mà chỉ quan tâm đến việc “giá dầu có theo giá thị trường” hay không.

Có thể khẳng định rằng việc đưa quân vào Kuwait của Iraq không nằm ngoài dự kiến của Mỹ và vì vậy Mỹ tìm mọi cách đẩy Iraq vào một tình thế “tiến thoái lưỡng nan”, từ đó tạo cớ đánh Iraq. Không phải ngẫu nhiên mà người đứng đầu tòa thánh Vatican lúc đó, Giáo hoàng Paul II lại khẳng định: “Mưu toan đẩy tới một cuộc chiến tranh đã có từ rất lâu, trước khi Iraq xâm lược Kuwait”.

Công Thuận_Thứ Hai, 02/12/2013 23:52
http://baotintuc.vn/tu-lieu/nhin-lai-chien-tranh-vung-vinh-19901991ky-2-am-muu-chien-luoc-cua-my-20131202235613201.htm

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post