P-6/P-35 Progress - Tên lửa đối hạm tầm xa đầu tiên của Liên Xô

(Soha.vn) - Tên lửa P-6/P-35 lần đầu tiên mang lại cho Hải quân Liên Xô năng lực chống tàu tầm xa. Trước đó, chỉ có máy bay Tu-16KS vũ trang với tên lửa K-10 có khả năng như vậy.




Thông số cơ bản của tên lửa P-6P-35 Progress (SS-N-3 Shaddock)
Chiều dài: 10,1 m
Đường kính: 900 mm
Sải cánh: 2.600 mm
Tầm bắn: 460 Km (550 km với P-35B)
Tốc độ: Mach 1,4
Đầu đạn: 800 kg HE hay 100 kT (hạt nhân)
Trọng lượng phóng: 4.500 kg
Tàu trang bị: tàu ngầm dự án 651-Juliett, dự án 659-Echo I; Tàu tuần dương dự án 1134-Kresta I, dự án 58-Kynda
Nước sử dụng Liên Xô/ Nga, Việt Nam, Syria

Ưu tiên hàng đầu của Hải quân Liên Xô là bảo vệ những vùng ven biển để bảo đảm an toàn cho các hoạt động trên đất liền. Nhiệm vụ thứ hai của các “Hạm đội Đỏ” là cắt đứt tuyến vận tải trên Đại Tây Dương giữa Mỹ và NATO trên vùng biển thuộc Châu Âu.
Vào đầu những năm 1950, hạm đội tàu sân bay Mỹ trở thành mối đe dọa nghiêm trọng nhất đối với Hải quân Liên Xô khi có thể chế áp tất cả các hoạt động từ phòng thủ đến tấn công. Để chống lại hạm đội tàu sân bay Mỹ, vào tháng 8/1956 một tên lửa hành trình chống tàu tầm xa đã được phát triển dựa trên nền tảng ban đầu là P-5 Progress (4K95; SS-N-3 Shaddock) - tên lửa hành trình đối đất siêu âm với tầm phóng 500 km (P-5 có hệ thống dẫn đường chủ động quán tính và phiên bản hiện đại hóa P-5D được trang bị 1 radar xung Doppler). Tên lửa được phát triển bởi OKB-52 (nay là NPO Mashinostroyenia), sử dụng động cơ khởi tốc nhiên liệu rắn và động cơ hành trình nhiên liệu lỏng cho phép đạt tới tốc độ tối đa Mach 1,4. Tên lửa cũng có cánh thu gọn được giúp giảm kích thước của ống phóng.
Từ điểm bắt đầu, hai phiên bản của tên lửa đã được phát triển gồm: Tên lửa đất đối hải P-35 (SS-N-3B Sepal) và phiên bản cho tàu ngầm P-6 (SS-N-3C Shaddock). Cả hai sử dụng phương thức dẫn đường INS/ Doppler cho pha giữa và radar chủ động cho pha cuối. Những cuộc thử nghiệm đầu tiên bắt đầu trong tháng 10/1959 cho P-6 và tháng 12 sau đấy cho P-35.
Từ năm 1963 đến 1968, đã có 8 tàu mặt nước được trang bị tên lửa P-35 gồm: 4 tuần dương hạm lớp Kynda với 2 silo 4 ống phóng SM-70 và 4 tàu frigate lớn lớp Kresta-I với 2 silo 2 ống phóng KT-35 cùng 16 tàu ngầm diesel Juliet cũng được trang bị, với mỗi tàu ngầm mang 4 ống phóng và 4 tên lửa P-6. Vào năm 1966, Liên Xô quyết định trang bị tên lửa hành trình tấn công đất liền cho 5 tàu ngầm hạt nhân Echo I sắp được rút khỏi biên chế, những tàu này được chuyển đổi từ tàu ngầm tấn công chỉ được trang bị ngư lôi sang tàu ngầm có khả năng phóng tên lửa. Giữa những năm 1963 đến 1966, 16 tàu ngầm hạt nhân Echo II được đóng cho Hạm đội Biển Bắc và 13 chiếc cho hạm đội Thái Bình Dương, tất cả đều được trang bị tên lửa chống tàu P-6. Mỗi chiếc Echo II mang 6 ống phóng với 6 tên lửa.
Tuần dương hạm lớp Kynda
Tên lửa P-6 và P-35 chỉ khác nhau ở vài chi tiết nhỏ còn lại đều giống nhau với cùng hệ thống dẫn đường và đầu đạn. Đầu đạn có thể là 800 kg HE hay 100 kT (đầu đạn hạt nhân). Sau khi phóng, tên lửa leo lên cao, tăng tốc tới Mach 1,4 và bắt đầu tìm kiếm mục tiêu phía trước bằng radar chủ động của nó. Hình ảnh được truyền tới tàu phóng thông qua 1 kênh TV, khi mục tiêu được xác định, thao tác viên trên tàu sẽ xác minh liệu đó có phải đó là mục tiêu mong muốn hay không (ví dụ như hàng không mẫu hạm trong nhóm tàu). Sau đó, thao tác viên bật hệ thống tìm đường của tên lửa sang chế độ tự động, tên lửa đi xuống tầm thấp, vẫn ở tốc độ siêu âm và sẽ chui xuống nước 10-20m trước khi tới mục tiêu rồi nổ để tăng thiệt hại. Tầm của tên lửa là 460 - 550 km.
Dự án tên lửa P-6/ P-35 lần đầu tiên mang lại cho Hải quân Liên Xônăng lực chống tàu tầm xa. Trước đó, chỉ có máy bay ném bom hải quân Tu-16 KS vũ trang với tên lửa chống tàu K-10 có khả năng như vậy. Tuy nhiên, toàn bộ hệ thống rất cồng kềnh và đầy những khuyết điểm. Một loạt đạn đơn mất 8-12 phút để đến mục tiêu phụ thuộc vào phạm vi, rồi mất 4-6 phút để chuẩn bị cho loạt đạn tiếp theo, đi theo sau đó lại là 8-12 phút khác của chuyến bay. Như vậy toàn bộ các đợt phóng tên lửa: 6 tên lửa từ một tàu ngầm hạt nhân, hay 8 từ một tuần dương hạm mất 20-30 phút. Trong khi đó, lực lượng tấn công gồm những tàu mặt nước hay tàu ngầm (đã nổi) sẽ trơ trọi trước đòn phản công của kẻ thù. Hơn nữa sẽ chỉ có ba hay bốn tàu, phóng đi không hơn 12 tên lửa có thể vận hành cùng lúc chống lại một hạm đội tàu sân bay với số lượng radar và datalink sẵn có.
Người ta cho rằng chỉ cần từ 2-4 cú đánh với những tên lửa mang đầu đạn hạt nhân là đủ để vô hiệu hóa toàn bộ hạm đội tàu sân bay Mỹ. Tình huống sẽ khác hoàn toàn ở trường hợp của đầu đạn quy ước và những chỉ huy Xô Viết biết rằng trong trường hợp này nhiệm vụ sẽ không thể thực hiện được.
Tên lửa P-35B của hệ thống tên lửa bờ Redut
Vào những năm đầu, vấn đề lớn nhất là xác định mục tiêu cho tên lửa. Để tìm kiếm và bắt được một hạm đội tàu sân bay trên đại dương là nhiệm vụ vô cùng khó. Câu trả lời đã được tìm thấy nhờ việc sử dụng những tín hiệu thông minh (SIGINT) và radar do thám của máy bay, điển hình là cặp bài trùng Tu-16 RM Badger-D và Tu-95 RT Bear-D.
Máy bay SIGINT Badger-D sẽ thu nhặt những tín hiệu radar và tín hiệu vô tuyến được phát đi từ hạm đội tàu sân bay và định hướng cho Bear-D được trang bị một radar đối hải tầm xa. Cả hai máy bay hợp tác nhưng vận hành độc lập, không cần thiết để máy bay SIGINT phải tiếp cận khu vực chết người xung quanh hàng không mẫu hạm và khi radar bắt được mục tiêu thì máy bay SIGINT sẽ chuyển sang tìm kiếm những vùng khác.
Máy bay Tu-95 RT
Hệ thống MRSC-1 Uspekh được phát triển đặc biệt để thu nhận tín hiệu từ mục tiêu và chỉ điểm cho những tên lửa chống tàu. Thành phần gồm có một Tu-95 RC Bear-D với radar của nó cùng hệ thống trao đổi dữ liệu giữa máy bay và tàu phóng. Tàu ngầm Echo II sử dụng hệ thống điều khiển hỏa lực Argument để cài đặt trước cho hệ thống dẫn đường quán tính của tên lửa và trao đổi dữ liệu với tên lửa trong khi bay. MRSC-1 Uspekh chính thức được đưa vào sử dụng trong nửa cuối những năm 1960 đã cung cấp cho tên lửa một cơ sở hạ tầng dẫn đường đầy đủ.
Tại Việt Nam, tên lửa P-35B của hệ thống tên lửa bờ Redut cũng có phương thức dẫn bắn tương tự với máy bay AN-26 RT làm nhiệm vụ chuyển tiếp chỉ huy.

Dương Phạm | _theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/quan-su/p-6p-35-progress-ten-lua-doi-ham-tam-xa-dau-tien-cua-lien-xo-20140430013221749.htm

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post