P-70 - Tên lửa đối hạm đầu tiên có thể phóng từ tàu ngầm đang lặn

(Soha.vn) - P-70 Ametist là tên lửa chống tàu đầu tiên của Liên Xô có thể phóng đi từ tàu ngầm đang lặn.




Thông số cơ bản của tên lửa P-70 Ametist (SS-N-7)
Dài: 6,7 m
Đường kính: 550 mm
Sải cánh: 1,2 m
Tầm bắn: 80 km
Tốc độ: Mach 0,9
Đầu đạn: 530 kg xuyên thép hay 200 kT
Trọng lượng phóng: 3.375 kg
Tàu trang bị: tàu ngầm dự án 670-Charlie I và dự án 661-Papa
Nước sử dụng: Liên Xô


Việc nghiên cứu phát triển một hệ thống tên lửa chống tàu có thể phóng đi từ dưới nước được khởi động từ tháng 4/1959, văn phòng thiết kế OKB-52 với kỹ sư trưởng Vladimir Chelomey được chỉ định thực hiện nhiệm vụ này. Cùng thời điểm, tàu ngầm đầu tiên có khả năng mang theo hệ thống tên lửa mới, dự án 661 Anchar (NATO: Papa) cũng bắt đầu triển khai. Tàu ngầm Papa chạy bằng năng lượng hạt nhân được trang bị 10 ống phóng tên lửa P-70.
P-70 Ametist (SS-N-7; 4K66) có một cánh delta nhỏ và dùng động cơ phản lực nhiên liệu rắn, nó cũng được trang bị bốn động cơ khởi tốc nhỏ có thể làm việc dưới nước. Tên lửa sử dụng hệ thống dẫn đường quán tính kết hợp một đầu dò radar analog với khả năng chống nhiễu tối thiểu có góc quét phía trước rất nhỏ. Tên lửa có thể phóng từ độ sâu tới 30m, tốc độ cận âm, độ cao hành trình duy trì quanh mức 40-60 m nhờ sự trợ giúp của radar đo cao. Tầm xa của tên lửa đạt 70-80 km khi mục tiêu được chỉ thị từ một nguồn thứ ba, hoặc khoảng 50 km khi mục tiêu được định vị bởi tàu ngầm phóng tên lửa thông qua sonar kĩ thuật số MGK-300 Rubin. Ametist mang đầu đạn thông thường nặng 1.000 kg hoặc 200 kT với đầu đạn hạt nhân.
Vụ thử nghiệm tên lửa dưới nước đầu tiên thực hiện từ 1 bệ phóng đặc biệt diễn ra trong tháng 6/1961. Từ tháng 7 đến tháng 12/1964, tên lửa được kiểm tra trên tàu ngầm thí nghiệm lớp Whisky và chính thức đưa vào biên chế từ tháng 6/1968.
Tàu ngầm nguyên tử K-162 lớp Papa bắt đầu được đóng từ năm 1962 và hoàn thành vào năm 1969. Thời gian đóng tàu dài là kết quả của việc sử dụng nhiều công nghệ mang tính cách mạng vào lúc đó: vỏ tàu bằng titan, lò phản ứng hạt nhân hiện đại cùng nhiều thiết bị điện tử kỹ thuật số thay vì analog. Do phải chi những khoản phí khổng lồ, hải quân Liên Xô đã gọi Papa bằng cái tên "Golden Fish".
Trong thời gian thử nghiệm, tàu ngầm đã thể hiện những tính năng thật tuyệt vời. Chẳng hạn, tốc độ dưới nước đạt tới 42 Knot, và vào năm 1971, K-162 đã lập nên kỷ lục về tốc độ dưới nước mà cho đến nay vẫn chưa ai thắng nổi là 44,7 Knot. Tuy nhiên để đạt tới tốc độ đó, Papa cũng phải trả một cái giá khá cao như thời gian đóng tàu dài và tiếng ồn quá mức kèm theo hư hại đáng kể trên vỏ tàu. Chiến thuật tấn công yêu cầu tàu ngầm tiếp cận mục tiêu trong yên tĩnh càng lâu càng tốt và tên lửa sẽ được phóng đi từ phạm vi cực đại, sau đó tàu mới rút lui ở tốc độ tối đa.
Tàu ngầm hạt nhân K-162 lớp Papa
Tuy nhiên, K-162 vẫn sẽ mãi là chiếc tàu ngầm độc nhất vô nhị vì quá đắt và phức tạp. Thay vào đó từ năm 1967 đến 1973, 11 tàu ngầm lớp Charlie I đã được đóng và trang bị với những thiết bị truyền thống như hệ thống sonar analog bị động MGK-100 Kerch có tầm quét 35 km... Mỗi tàu ngầm Charlie I có 8 ống phóng P-70, hầu hết Charlie I phục vụ trong sư đoàn 11 của Hải đoàn 1 - Hạm đội Biển Bắc và sư đoàn 10 của Hải đội 2 - Hạm đội Thái Bình Dương. Tất cả tàu ngầm loại này đã ngưng hoạt động từ năm 1993.

Tàu ngầm hạt nhân dự án 670 Charlie I
Do hệ thống định vị bằng sóng âm có tầm quá ngắn sẽ gây khó khăn trong việc tiếp cận mục tiêu, cho nên từ tháng 2/1963 quyết định phát triển 1 hệ thống sonar có tầm trinh sát xa hơn đã được đặt ra. Trong những năm 1970, các tàu ngầm Charlie I đã được trang bị sonar kỹ thuật số MGK-300 có tầm xa hơn (150-200 km) và đến cuối những năm 1970 hệ thống sonar kỹ thuật số mới MGK-400 có tầm xa trên 200 km đã được chế tạo. Hạ tầng dẫn đường cho loại tên lửa chống tàu phóng lên từ dưới nước đã chính thức được hoàn thiện giúp P-70 Ametist có thể phát huy một cách tối đa năng lực của mình.
P-70 Ametist chính là tên lửa chống tàu đầu tiên của Liên Xô có thể phóng đi từ tàu ngầm đang lặn. P-70 là tên lửa chống hạm tầm ngắn với pha giữa được điều khiển tự động, pha cuối được dẫn bằng đầu dò radar chủ động hoạt động trên băng tần J. Tên lửa thường được bắn từ cự ly 65 km, sau khi phóng tên lửa duy trì độ cao hành trình quanh mức 100 m, đến giai đoạn tấn công thì tên lửa mới hạ độ cao xuống thấp và thực hiện cú bổ nhào vào mục tiêu.
Dương Phạm | _theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/quan-su/p-70-ten-lua-doi-ham-dau-tien-co-the-phong-tu-tau-ngam-dang-lan-20140420120152872.htm

Post a Comment

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

Previous Post Next Post