Phiên bản săn ngầm của Molniya liệu có phù hợp với Việt Nam?

Tàu hộ vệ săn ngầm Dự án 1241.2 Pauk có thể kết hợp với tàu hộ vệ tên lửa Molniya để trở thành cặp bài trùng đáng sợ khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế.

Pauk là tên định danh của NATO dành cho lớp tàu hộ vệ săn ngầm cỡ nhỏ được đóng cho Hải quân Liên Xô và xuất khẩu tới những nước đồng minh trong giai đoạn 1977 - 1989.
Nga gọi lớp tàu này là Dự án 1241.2 Molniya-2, đây chính là phiên bản tuần tra săn ngầm của tàu hộ vệ tên lửa Tarantul/ Molniya Dự án 1241.1 với phần thân được kéo dài đôi chút và trang bị động cơ diesel thay vì động cơ turbine khí.
Thông số kỹ thuật cơ bản: lượng giãn nước tiêu chuẩn 508 tấn và 589 tấn khi đầy tải; dài 57 m; rộng 9 m; mớn nước 2,4 m; thủy thủ đoàn 40 người.
Tàu được trang bị 2 động cơ diesel 2 trục M504 công suất 20.000 mã lực (14.914 kW) cho tốc độ tối đa 34 hải lý/h (63 km/h); tầm hoạt động 1.650 hải lý (3.056 km) khi chạy ở tốc độ 14 hải lý/h (25,9 km/h).
Do được thiết kế với nhiệm vụ tuần tra săn ngầm ven bờ nên tàu chỉ được trang bị radar MR-123 Vympel điều khiển hỏa lực cho pháo; radar hàng hải MR-231; sonar gắn cố định tầm trung và sonar nhúng tương tự như loại trang bị trên trực thăng Ka-27/28.
Ngoài ra một số phiên bản còn được trang bị thêm radar cảnh giới đường không Pozitiv. Trong ảnh là một chiếc Pauk của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nga, có thể thấy rõ radar Pozitiv trong nắp chụp trên đỉnh tháp radar.
Vũ khí trang bị của tàu gồm 1 pháo AK-176 cỡ 76,2 mm bố trí phía trước. Pháo AK-176 bắn những viên đạn có trọng lượng 12,4 kg; tầm bắn hiệu quả 10 km, tối đa 15,5 km; tốc độ bắn 120 phát/phút; sơ tốc đạn 980 m/s. Trong ảnh là một chiếc Pauk của Lực lượng Bảo vệ bờ biển Ukraine.
Ở phía đuôi tàu là 1 pháo phòng không cao tốc AK-630 cỡ 30 mm, pháo AK-630 có tốc độ bắn 5.000 phát/phút; tầm bắn hiệu quả 4.000 m; sơ tốc đạn 900 m/s, có thể dùng để chống lại cuộc tấn công của tên lửa hành trình đối hạm. Trong ảnh là một chiếc Pauk của Hải quân Bulgaria.
Ngoài pháo, tàu còn được trang bị tên lửa phòng không SA-N-5 (phiên bản hải quân của SA-7 Grail) hoặc SA-N-8 (phiên bản hải quân của SA-14 Gremlin). Trong ảnh là bệ phóng tên lửa SA-N-8 trên tàu hộ vệ săn ngầm Pauk của Hải quân Ukraine.
Vũ khí chống ngầm của tàu gồm 2 cụm 5 ống phóng rocket RBU-1200 Uragan. Đạn rocket RBU-1200 có kích thước 252 x 1.228 mm; trọng lượng 71,5 kg, đầu đạn 32 kg HE; tầm bắn 1.450 m, độ sâu hoạt động tối đa 330 m.
Vũ khí đáng chú ý nhất của Pauk là 4 ngư lôi chống ngầm 406 mm SET-40UE bố trí trong các ống phóng đơn 2 bên thành tàu, riêng tàu của Ấn Độ thì lại được trang bị 4 ngư lôi 533 mm SET-65E bố trí trong 2 cụm ống phóng đôi.
Có tất cả 45 chiếc Pauk đã được đóng cho Hải quân Liên Xô, hiện nay vẫn còn 18 chiếc đang hoạt động trong Hải quân Nga (bao gồm cả Lực lượng Biên phòng), 4 chiếc đang trong biên chế Lực lượng Hải quân và Bảo vệ bờ biển của Ukraine.
Ngoài ra, còn có 2 chiếc Pauk được chuyển giao cho Hải quân Bulgaria, 1 chiếc cho Hải quân Cuba và 4 chiếc được đóng cho Hải quân Ấn Độ với tên gọi Abhay. Trong ảnh là một chiếc Abhay của Hải quân Ấn Độ.
Tàu hộ vệ săn ngầm Dự án 1241.2 Pauk có thể kết hợp với tàu hộ vệ tên lửa Molniya Dự án 1241.8 để trở thành một cặp bài trùng đáng sợ khi thực hiện nhiệm vụ tuần tra bảo vệ vùng đặc quyền kinh tế, nhất là khi những chiếc Petya sau thời gian dài phục vụ đang tỏ ra cần được thay thế.
theo Đại Lộ (Bạch Dương | )
http://soha.vn/quan-su/phien-ban-san-ngam-cua-molniya-lieu-co-phu-hop-voi-viet-nam-20141231005844103.htm

إرسال تعليق

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

أحدث أقدم