Tên lửa DF-26 có thực sự đe dọa được Guam?

Mỹ vừa lên tiếng cảnh báo về sự nguy hiểm của tên lửa DF-26 với đảo Guam khi Trung Quốc nâng tầm tên lửa.

Ngày 10/5, Uỷ ban đánh giá an ninh và kinh tế Mỹ - Trung (USCC) thuộc chính phủ Mỹ đã công bố báo cáo rằng Trung Quốc gần đây đã trình làng nhiều loại tên lửa đạn đạo và hành trình mới, đặt ra mối đe doạ cho Mỹ. Theo USCC, lo ngại lớn nhất là tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26. Tên lửa này có nhiều biến thể, tầm bắn từ 3.000-4.000 km và có thể bắn tới đảo Guam của Mỹ. Bản báo cáo cảnh báo, tên lửa DF-26 sẽ giúp Trung Quốc có được những cú đánh đa dạng và chất lượng nhất từ trước đến nay nhắm vào đảo Guam.

Trong khi đó, nói về việc Trung Quốc nâng tầm tên lửa lần này, Tạp chí IHS Jane’s cho rằng, dựa trên thế hệ tên lửa cũ hơn DF-21, tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 là một trong những chương trình phát triển tên lửa tiên tiến nhất nước này. Khả năng đặc biệt của vũ khí mới là tốc độ cao trong triển khai và vận hành.

DF-26 cho phép Trung Quốc tiến hành cuộc tấn công đáp trả một cách nhanh chóng ngay khi bị đối phương tấn công trước, theo các nhà phân tích quân sự. Tên lửa được trang bị công nghệ dẫn hướng độc đáo dù chưa được tiết lộ. Công nghệ dẫn hướng mới cho phép nó bám theo những mục tiêu di động. Đây là tính năng chưa từng có đối với các tên lửa đạn đạo tầm trung.

Tầm bắn của tên lửa DF-26 cơ bản là giống với DF-3 cũ có thể bắn mục tiêu ở tầm đến trên 3.500 km và sử dụng nhiên liệu lỏng. Tuy nhiên, dù Trung Quốc chưa tiết lộ về sức mạnh thực sự của tên lửa DF-26 nhưng đã úp mở về mục tiêu của tên lửa này có thể phá hủy: đầu tiên là cơ sở hạ tầng quân sự và mục tiêu chiến lược trên các đảo tại Thái Bình Dương, toàn bộ lãnh thổ Ấn Độ.

Ngoài ra, nếu triển khai những tên lửa này tại khu vực phía Tây Trung Quốc, một số nước Trung Đông cũng có thể nằm trong tầm tấn công của tên lửa. Trung Quốc tiết lộ, không giống với tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, tên lửa DF-26 thuộc loại vũ khí rất linh hoạt.

Sự xuất hiện của tên lửa DF-26 có thể khiến Mỹ cảm thấy “bối rối” nhưng chắc chắn rằng, người Mỹ không hề e ngại DF-26, bởi tại đảo Guam Mỹ đã triển khai hệ thống đánh chặn tầm cao THAAD và một số hệ thống phòng thủ tầm ngắn khác. Theo thông tin Mỹ công bố, THAAD là hệ thống tên lửa được thiết kế để đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, nó cũng có khả năng hạn chế trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Mỗi khẩu đội THAAD bao gồm: 4 xe phóng mang tên lửa (8 ống phóng/xe), radar tìm kiếm mục tiêu và điều khiển hỏa lực AN/TPY-2 cùng một xe trung tâm điều khiển di động và 2 trung tâm hoạt động chiến thuật TOC.

Khi chiến đấu, "mắt thần" AN/TPY-2 sẽ thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm và phát hiện mục tiêu (các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo chiến thuật, tên lửa đạn đạo tầm trung). THAAD được trang bị công nghệ đánh chặn “hit-to-kill” (truy đuổi - tiêu diệt) tương tự như công nghệ được trang bị trên hệ thống tên lửa phòng không Patriot.

Đạn tên lửa có chiều dài 6,17m, sử dụng động cơ nhiên liệu rắn điều khiển bằng lực đẩy vector. Tên lửa có khả năng đánh chặn mục tiêu ở cự ly từ 150-200km, tầm cao 150 km. Giai đoạn tiếp cận tên lửa địch, THAAD sử dụng module đánh chặn được trang bị đầu tự dẫn hồng ngoại để truy theo mục tiêu.

Tên lửa tiêu diệt mục tiêu bằng động năng từ vụ va chạm tốc độ cao, không sử dụng đầu đạn chứa thuốc nổ như tên lửa thông thường. Trong những lần thử nghiệm, THAAD đã chứng minh khả năng tương thích dữ liệu mục tiêu cùng với hệ thống đánh chặn Aegis và Patriot PAC-3. THAAD cùng với hệ thống phòng thủ tầm ngắn tạo nên hệ thống đánh chặn 2 tầng. Trong đó, hệ thống THAAD ở tầm trung. Chúng thiết lập nên “cái ô che chắn” cho Guam trước bất kỳ mối đe dọa nào từ trên không.

Theo Đất việt_Cập nhật lúc: 07:55 13/05/2016
http://kienthuc.net.vn/quan-su/ten-lua-df-26-co-thuc-su-de-doa-duoc-guam-680817.html

إرسال تعليق

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

أحدث أقدم