6 lớp tuần dương hạm thông thường của Hải quân Liên Xô

Mặc dù không nổi tiếng như tuần dương hạm hạt nhân Kirov nhưng 6 lớp tàu tuần dương thông thường khác của Hải quân Liên Xô cũng có sức mạnh rất đáng gờm.


Bài viết dưới đây xin giới thiệu sơ lược với độc giả về 6 lớp tuần dương hạm thông thường được đóng cho Hải quân Liên Xô tính từ thời điểm sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Những "Tuần dương hạm hạng nặng mang máy bay" theo cách gọi của Liên Xô (mà thực chất chính là tàu sân bay) sẽ được đề cập tới trong một dịp khác.
Tuần dương hạm Đô đốc Ushakov lớp Sverdlov
1. Tuần dương hạm lớp Sverdlov

Sverdlov - Dự án 68bis là lớp tuần dương hạm thông thường cuối cùng của Hải quân Liên Xô được đóng trong giai đoạn những năm 1950, thiết kế của chúng dựa trên các khái niệm và ý tưởng lạc hậu có từ thời kỳ trước Chiến tranh thế giới thứ hai.
Trong kỷ nguyên của tàu sân bay và tên lửa hành trình đối hạm, các tàu tuần dương to lớn, nặng nề chỉ được trang bị pháo tỏ ra rất không phù hợp.
Do đó, tổng cộng chỉ có 14 chiếc lớp Sverdlov được hoàn thành trong số 30 chiếc đã lên kế hoạch đóng trước khi chương trình bị Nikita Khrushchev hủy bỏ.
Tuần dương hạm Mikhail Kutuzov lớp Sverdlov
Thông số kỹ thuật cơ bản: lượng giãn đầy tải 16.640 tấn; dài 210 m; rộng 22 m; mớn nước 6,9 m. Tàu được trang bị 6 động cơ hơi nước với tổng công suất 118.100 mã lực cho tốc độ tối đa 32 hải lý/h; tầm hoạt động 9.000 hải lý khi chạy ở tốc độ 18 hải lý/h; thủy thủ đoàn 1.250 người.
Vũ khí trang bị của lớp Sverdlov gồm 12 pháo 152 mm 57 cal B-38, 12 pháo 100 mm 56 cal M-1934, 37 pháo phòng không 37 mm và 10 ống phóng ngư lôi 533 mm.
Hiện nay chỉ còn duy nhất tuần dương hạm Mikhail Kutuzov đang được trưng bày tại Novorossiysk, những chiếc khác đã bị tháo dỡ.
Tuần dương hạm Đô đốc Golovko lớp Kynda
2. Tuần dương hạm lớp Kynda

Kynda - Dự án 58 hay đôi khi còn được gọi bằng cái tên Groznyy là lớp tuần dương hạm trang bị tên lửa điều khiển đầu tiên của Liên Xô. Chúng được thiết kế xoay quanh tên lửa hành trình đối hạm tầm xaSS-N-3 Shaddock.
Mặc dù được gọi là tuần dương hạm nhưng kích thước của Kynda không hơn khinh hạm là bao với chiều dài 142 m; rộng 15,8 m; mớn nước 5,3 m; lượng giãn nước đầy tải 5.500 tấn; thủy thủ đoàn 390 người. Tàu có sàn đáp trực thăng bố trí ở đuôi nhưng lại không có nhà chứa máy bay.
Các tuần dương hạm lớp Kynda được trang bị 4 nồi hơi và 2 turbine khí có tổng công suất 100.000 mã lực, cho phép chạy với tốc độ tối đa 34 hải lý/h; tầm hoạt động 2.000 hải lý khi chạy ở tốc độ 34 hải lý/h hoặc 7.000 hải lý với tốc độ 14,5 hải lý/h.
Tuần dương hạm Đô đốc Fokin lớp Kynda
Vũ khí chính của tuần dương hạm lớp Kynda là 16 tên lửa đối hạm SS-N-3 Shaddock bố trí trong 2 cụm 4 ống phóng (8 tên lửa trong ống phóng và 8 tên lửa dự trữ).
Ngoài ra, tàu còn được trang bị 16 tên lửa phòng không SA-N-1 Goabắn đi từ ray phóng đôi phía trước tàu, 2 pháo 76 mm nòng đôi, 4 pháo phòng không 30 mm, 2 bệ phóng rocket chống ngầm RBU-6000và 2 cụm 3 ống phóng ngư lôi 533 mm.
Các tuần dương hạm lớp Kynda đã sớm bị thay thế vai trò bởi lớp Kresta I tiên tiến hơn nhưng 4 chiếc được đóng vẫn tiếp tục phục vụ trong Hải quân Liên Xô cho tới khi Liên bang sụp đổ, cá biệt chiếc Đô đốc Golovko còn phục vụ tới tận năm 2002.
Tuần dương hạm Phó đô đốc Drozd lớp Kresta I
3. Tuần dương hạm lớp Kresta I

Tuần dương hạm Dự án 1134 Berkut (Đại bàng vàng) hay còn được biết đến với tên thông dụng hơn là Kresta I được thiết kế thiên về nhiệm vụ chống tàu mặt nước.
Ban đầu Liên Xô dự định trang bị cho Kresta I tên lửa hành trình đối hạm tầm xa thế hệ mới SS-N-12 Sandbox (P-500 Bazalt) nhưng do sự chậm trễ trong quá trình phát triển dẫn đến việc tên lửa SS-N-3 Shaddock vẫn được tin dùng
Mặc dù lớn hơn đáng kể cũng như có hiệu quả tác chiến và độ tin cậy cao hơn hẳn lớp tuần dương hạm Kynda thế hệ trước nhưng Kresta I chỉ mang theo được một nửa số ống phóng tên lửa SS-N-3 Shaddock và 1/4 tổng số tên lửa.
Tuần dương hạm Đô đốc Zozulya lớp Kresta I
Thông số kỹ thuật cơ bản của tuần dương hạm Kresta I: lượng giãn nước đầy tải 7.500 tấn; dài 159 m; rộng 17 m; mớn nước 6 m.
Hệ thống động lực gồm 2 động cơ turbine hơi nước công suất 91.000 - 100.000 shp cho tốc độ tối đa 34 hải lý/h; tầm hoạt động 10.500 hải lý ở tốc độ 14,5 hải lý/h; thủy thủ đoàn 343 - 360 người.
Vũ khí trang bị của Kresta I gồm: 2 cụm 2 ống phóng mang theo 4 tên lửa SS-N-3 Shaddock, 2 ray phóng đôi với 44 tên lửa phòng không SA-N-1 Goa, 2 pháo phòng không nòng đôi 57 mm AK-725, 2 cụm 5 ống phóng ngư lôi 533 mm.
Kresta I cũng là lớp tuần dương hạm đầu tiên của Liên Xô được thiết kế có sàn đáp và nhà chứa máy bay, cho phép mang theo 1 trực thăng săn ngầm Ka-25B “Hormone-B” trong khi thực hiện nhiệm vụ.
Có tổng cộng 4 chiếc tuần dương hạm lớp Kresta I được đóng trong giai đoạn 1964 - 1966, chúng đã lần lượt được cho nghỉ hưu vào các năm 1991 (2 chiếc), 1992 và 1994.
Tuần dương hạm Đô đốc Yumashev lớp Kresta II
4. Tuần dương hạm lớp Kresta II

Tuần dương hạm lớp Kresta II - Dự án 1134A Berkut A là biến thể dựa trên Kresta I với mục đích chuyển đổi nhiệm vụ từ chống hạm sang chống ngầm.
Có tất cả 10 chiếc Kresta II được đóng tại nhà máy Zhdanov, Leningrad trong giai đoạn 1966 - 1974, chúng nhanh chóng bị loại biên không lâu sau khi Liên bang Xô Viết sụp đổ.
Tuần dương hạm Vasily Chapaev lớp Kresta II
Kresta II có kích thước tương tự Kresta I với lượng giãn nước đầy tải 7.535 tấn; dài 159 m; rộng 17 m; mớn nước 6 m; thủy thủ đoàn 380 người.
Hệ thống động lực gồm 2 động cơ turbine hơi nước công suất 91.000 - 100.000 shp cho tốc độ tối đa 34 hải lý/h; tầm hoạt động 10.500 hải lý ở tốc độ 14,5 hải lý/h hoặc 5.200 hải lý khi chạy với tốc độ 18 hải lý/h.
Kresta II được trang bị hệ thống điện tử đồ sộ hơn Kresta I khá nhiều gồm radar trinh sát trên không MR-600 và MR-310; radar hàng hải Don và Volga; sonar MG-26, MG-35, MG-322; radar kiểm soát hỏa lực Grom của tên lửa phòng không, MR-103 của pháo AK-725 và Drakon RP-33.
Vũ khí chủ lực của các tuần dương hạm Dự án 1134A Kresta II là 8 tên lửa chống ngầm SS-N-14 Silex (2 cụm 4 ống phóng) thay vì tên lửa chống hạm SS-N-3 Shaddock. Ngoài ra tàu còn được trang bị tên lửa hạm đối không SA-N-3 thế hệ mới (72 tên lửa bắn đi từ 2 ray phóng đôi).
Vũ khí phụ gồm có 2 pháo AK-725 57 mm, 4 pháo phòng không bắn nhanh AK-630 30 mm, 10 ống phóng ngư lôi 533 mm (2 cụm 5 ống phóng) và 1 trực thăng chống ngầm Kamov Ka-25.
Tuần dương hạm Ochakov lớp Kara
5. Tuần dương hạm lớp Kara
Kara là tên định danh của NATO dành cho lớp tuần dương hạm mang tên lửa có điều khiển Dự án 1134B (Berkut B). Hải quân Liên Xô gọi nó một cách đơn giản là “Chiến hạm săn ngầm cỡ lớn” chứ không phải “Tuần dương hạm”.

Về cơ bản Kara chính là biến thể phóng to của tuần dương hạm lớp Kresta II với động cơ turbine khí thay cho động cơ hơi nước truyền thống. Lớp tàu chiến này thường đảm trách nhiệm vụ kỳ hạm với khả năng chỉ huy, điều khiển và giao tiếp được nâng cao.
Tuần dương hạm Kerch lớp Kara
Thông số kỹ thuật cơ bản: Lượng giãn nước đầy tải 9.700 tấn; dài 173,2 m; rộng 18,6 m; mớn nước 6,7 m. Tàu được trang bị 4 động cơ turbine khí công suất 120.000 mã lực cho tốc độ tối đa 34 hải lý/h; tầm hoạt động 9.000 hải lý; thủy thủ đoàn 380 người.
Để đảm trách chức năng chống ngầm, vũ khí chủ đạo của Kara là 8 tên lửa SS-N-14 Silex bố trí trong 2 cụm 4 ống phóng. Bên cạnh đó là 2 x 5 ống phóng ngư lôi PTA-53-1134B cỡ 533 mm và 4 bệ phóng rocket săn ngầm (2 RBU-6000 và 2 RBU-1000).
Ngoài săn ngầm, Kara còn có năng lực phòng không rất mạnh với 80 tên lửa tầm trung SA-N-3 Goblet và 40 tên lửa tầm ngắn SA-N-4 Gecko.
Đặc biệt, chiếc tuần dương hạm Azov còn được sử dụng làm tàu thử nghiệm hệ thống phòng không tầm xa SA-N-6 (phiên bản hải quân của S-300) với 24 tên lửa.
Vũ khí phụ gồm 2 pháo 76 mm nòng đôi AK-726, 4 pháo phòng không bắn nhanh AK-630 30 mm. Sàn đáp và nhà chứa máy bay ở đuôi tàu cho phép mang theo 1 trực thăng săn ngầm Ka-25 hoặc Ka-27.

Tổng cộng có 7 tuần dương hạm săn ngầm lớp Kara được đóng trong khoảng thời gian 1968 - 1975 tại nhà máy Mykolaiv bên bờ Biển Đen, hiện nay chỉ duy nhất chiếc Kerch còn hoạt động trong thành phần Hạm đội Biển Đen của Nga.
Tuần dương hạm Slava
Slava - Dự án 1164 Atlant là một lớp tuần dương hạm cỡ lớn được đóng cho Hải quân Liên Xô trong thời kỳ Chiến tranh lạnh. Hiện nay chúng vẫn là lớp tàu chiến có sức mạnh hàng đầu của Hải quân Nga cũng như trên thế giới.
Slava được thiết kế từ những năm 1960 xoay quanh tên lửa hành trình chống hạm tầm xa SS-N-12 Sandbox (P-500 Bazalt) với mục đích đảm trách vai trò kỳ hạm như một giải pháp kinh tế hơn so với tuần dương hạm hạt nhân lớp Kirov.
Tuy nhiên do có sự chậm trễ kéo dài trong việc thiết kế, trong khi các vấn đề với tên lửa P-500 đã được giải quyết từ lâu dẫn đến việc chiếc đầu tiên phải đến năm 1982 mới chính thức đi vào hoạt động.

Slava cũng được đóng tại nhà máy Mykolaiv, chúng gần như là phiên bản kéo dài phần thân của tuần dương hạm lớp Kara và 2 lớp tàu này cũng thường kết hợp với nhau trong chiến đấu.
Tuần dương hạm Moskva lớp Slava
Tuần dương hạm lớp Slava có kích thước khổng lồ với lượng giãn nước đầy tải 12.500 tấn; dài 186,4 m; rộng 20,6 m; mớn nước 8,4 m; thủy thủ đoàn 485 người (trong đó có 66 sĩ quan).
Tàu được trang bị hệ thống động lực kết hợp COGOG gồm động cơ turbine khí và động cơ turbine hơi nước với tổng công suất 130.000 mã lực, cho tốc độ tối đa 32 hải lý/h, tầm hoạt động 7.500 hải lý (12.100 km) khi chạy ở tốc độ 18 hải lý/h (33 km/h).
Hệ thống điện tử của Slava cũng thuộc hàng tinh vi và đồ sộ bậc nhất với radar kiểm soát đường không tầm xa MR-800 Voshkod/Top Pair 3D, MR-700 Fregat/Top Steer hoặc MR-710 Fregat-MA/Top Plate 3D.
Bên cạnh đó là radar kiểm soát hỏa lực Volna/Top Dome, MPZ-301 Baza/Pop Group của tên lửa phòng không và Argument/Front Door-C của tên lửa chống hạm.
Sonar tần số cao MG-332 Tigan-2T/Bull Nose và Platina/Horse Tail MF VDS của Slava có thể phát hiện và định vị cũng như cung cấp thông tin về các loại tàu ngầm, tầu nổi của đối phương trong phạm vi lên đến vài trăm hải lý.
Vũ khí của Slava rất toàn diện gồm 16 tên lửa chống hạm P-500 Bazalt, 8 bệ phóng thẳng đứng của tên lửa phòng không tầm xa SA-N-6 Grumble (S-300PMU) với 64 đạn, 2 ray phóng đôi của tên lửa phòng không tầm ngắn SA-N-4 Gecko (OSA-M).
Ngoài ra, trên tàu còn có 1 pháo 130 mm nòng kép AK-130, 6 pháo phòng không AK-630 30 mm, 2 bệ phóng rocket săn ngầm RBU-6000, 10 ống phóng ngư lôi 533 mm và 1 trực thăng săn ngầm loại Ka-27.

Hiện nay Hải quân Nga có trong biên chế 3 tuần dương hạm lớp Slava gồm Moskva - soái hạm Hạm đội Biển Đen; Varyag - soái hạm Hạm đội Thái Bình Dương và Nguyên soái Ustinov hoạt động trong Hạm đội Biển Bắc.
Phi Yến | _theo Đại Lộ
http://soha.vn/quan-su/6-lop-tuan-duong-ham-thong-thuong-cua-hai-quan-lien-xo-p2-20141204161831259.htm

إرسال تعليق

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

أحدث أقدم