Chiến tranh Vùng Vịnh 1990-1991 - Kỳ 4: Màn dạo đầu của cuộc khủng hoảng

Nổi lên từ cuộc chiến tranh Iran - Iraq ở cương vị lãnh đạo một cường quốc quân sự nổi bật ở Vùng Vịnh, Saddam Hussein tự cho mình là một nhà lãnh đạo cao nhất trong thế giới Arập. Tháng 4/1990, ông tuyên bố có một vai trò to lớn hơn trong khu vực và yêu cầu Mỹ phải rút khỏi Vùng Vịnh, cho rằng khu vực này không cần có sự hiện diện của nước ngoài. Ngày 1/7, Hussein tuyên bố Iraq sở hữu vũ khí hóa học - “một vũ khí răn đe đủ để chọi với vũ khí nguyên tử của Israel”. Đồng thời, nhà lãnh đạo Iraq đưa ra vài bài phát biểu có tính chất khiêu khích, cho rằng một mình Iraq đã bảo vệ “dân tộc Arập” chống lại mối đe dọa lâu đời của vùng Vịnh Persian (ám chỉ Israel).

Xe tăng T-72 của quân đội Iraq
Vào thời điểm cuộc xâm lược Kuwait, quân đội Iraq là một đơn vị thiện chiến đã qua thử thách. Iraq bắt đầu cuộc chiến tranh với hơn 1 triệu quân tương đương 69-71 sư đoàn, 100.000 xe tăng và xe bọc thép chở quân, 3.000 khẩu pháo lớn. Iraq có lực lượng mặt đất lớn nhất Vùng Vịnh và thứ 4 thế giới. Không quân cũng lớn: 700 máy bay chiến đấu với nhiều loại máy bay tiêm kích, cường kích hiện đại bậc nhất (E18, MIG-29, Su-24) và một hệ thống chỉ huy kiểm soát phòng không hiện đại (C2). Lực lượng phòng không mạnh với tên lửa phòng không SAM-3-6, tên lửa Roland, 7.000 khẩu pháo phòng không… 

Về hải quân, Iraq chỉ có tàu tuần dương nhưng được trang bị tên lửa Styx (tầm bắn 46 - 95 km) và có tên lửa "con tằm" (100 km), nhiều thủy lôi chạm nổ. Ngoài ra, Iraq còn có các loại tên lửa Scud (tầm bắn 600 - 700 km) mang đầu đạn thường hoặc hóa học, sinh học và có tin nước này đang chuẩn bị sản xuất vũ khí hạt nhân. 

Trong 6 tháng cuối cùng của cuộc chiến tranh Iran-Iraq, quân đội Iraq đã thể hiện một khả năng tác chiến hiệp đồng quân binh chủng, trên nhiều trục, với sự tham gia của nhiều quân đoàn thọc sâu vào trong lãnh thổ của đối phương... Quân đội Iraq đã phát triển một hệ thống bảo đảm an ninh và đánh lừa đối phương tốt ở cấp chiến dịch. Các lực lượng vũ trang của Iraq được cơ cấu như quân đội Anh, nhưng các hoạt động tác chiến của lực lượng này lại gần giống với các lực lượng vũ trang Xô Viết. 

Một chiếc trực thăng “siêu vận tải” của không quân Iraq.
Tuy nhiên, việc Iraq xâm lược Kuwait đã dẫn đến hậu quả hết sức nghiêm trọng. Một là, Mỹ có cớ để can thiệp vào Vùng Vịnh với chiêu bài “giải phóng Kuwait”, tập hợp lực lượng tiến hành cuộc chiến tranh chống Iraq. Ngay sau khi đưa quân tiến công Kuwait, Tổng thống Saddam Hussein đã phải đối mặt với một bất lợi ngoài dự kiến là vấn đề không chỉ dừng lại ở khu vực các nước Arập mà nhanh chóng lan rộng ra toàn thế giới với sự bất lợi về chính trị cho nước này. Cụ thể, HĐBA LHQ với sự thao túng của Mỹ đã đưa ra một loạt NQ trong đó có NQ 678 (29/11/1990) cho phép sử dụng vũ lực trừng phạt Iraq. 

Hai là, việc Iraq xâm lược Kuwait làm cho mối quan hệ giữa các nước Arập vốn đã lỏng lẻo càng chia rẽ hơn bao giờ hết. Liên đoàn Arập được thành lập tháng 3/1945 với mục tiêu đoàn kết chống lại chủ nghĩa thực dân, bảo vệ quyền lợi của dân tộc Arập, song giữa các nước thành viên vẫn âm ỉ những mâu thuẫn nội tại khó điều hòa. 

Có thể thấy những mâu thuẫn đó qua quan hệ giữa Iraq và Syria đối với cuộc nội chiến ở Liban, trong đó mỗi nước ủng hộ 1 phe phái; giữa Iraq và Ai Cập - nước có cùng tham vọng làm lãnh đạo thế giới Arập; giữa các nước Arập đối với vấn đề giải phóng các vùng đất bị Israel chiếm đóng, trong đó một số nước ủng hộ giải pháp vũ lực, một số nước muốn thương lượng hòa bình…Và đặc biệt là những mâu thuẫn hết sức nhạy cảm ẩn chứa trong lòng thế giới đạo Hồi, giữa các dòng đạo khác nhau với những quan niệm riêng về giáo lý, lễ phục… Tất cả những mâu thuẫn nội tại đó thường bùng nổ quyết liệt bởi sự “nhòm ngó” của phương Tây. 

Như vậy, cuộc khủng hoảng Vùng Vịnh với việc Iraq xâm lược Kuwait và sau đó liên quân do Mỹ đứng đầu tiến hành cuộc chiến tranh hủy diệt Iraq, là sự bùng nổ những mâu thuẫn từ lâu giữa các nước trong thế giới Arập - đạo Hồi, giữa thế giới Arập - đạo Hồi với Mỹ và phương Tây. Thế giới Arập vốn là một dân tộc có tiếng nói chung, phong tục tập quán chung và một nền văn minh chung, nhưng trong quá trình lịch sử đã hình thành hơn 20 quốc gia có chế độ chính trị khác nhau và do đó cũng nảy sinh những mâu thuẫn chồng chéo và hết sức phức tạp. Tất cả những mâu thuẫn đó trở nên phức tạp hơn khi có sự lũng đoạn, tranh giành quyền lợi của các nước phương Tây tại khu vực này.

Công Thuận_Thứ Tư, 04/12/2013 23:04
http://baotintuc.vn/tu-lieu/chien-tranh-vung-vinh-19901991-ky-4-man-dao-dau-cua-cuoc-khung-hoang-20131205110814084.htm

إرسال تعليق

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

أحدث أقدم