Điểm yếu "chết người" khiến Type 054A khó lòng bảo vệ tàu sân bay

Điểm yếu về hiệu suất làm việc của động cơ sẽ khiến tàu hộ vệ Type 054A phải "miễn cưỡng" đảm đương vai trò chống ngầm cho biên đội tàu sân bay Trung Quốc.



Hạn chế của động cơ 16PA6V-280STC trang bị cho Type 054A
Những năm gần đây Hải quân Trung Quốc không ngừng biên chế thêm tàu hộ vệ tên lửa, ngoài các chiến hạm Type 056 được đưa vào trang bị, còn số lượng lớn tàu hộ vệ Type 054A cũng được đóng mới.
Hiện số lượng tàu Type 054A được biên chế và đang trong quá trình đóng mới đã đạt 24 tàu, nếu toàn bộ những tàu chiến này đưa vào sử dụng, đồng nghĩa với việc lực lượng tàu hộ vệ tên lửa của Trung Quốc sẽ sang trang mới.
Type 054A có lượng giãn nước 4.053 tấn, đã đạt tiêu chuẩn của tàu hộ vệ viễn dương, có thể bảo vệ cho nhóm tác chiến tàu sân bay. Nhưng cũng cần phải thấy rằng lớp chiến hạm này có một điểm yếu rất nghiêm trọng đó là vấn đề lực đẩy của động cơ.
Tàu hộ vệ Type 054A sử dụng động cơ diesel 16PA6V-280STC nhập khẩu từ công ty Pielstick Pháp. Giai đoạn 1996 - 2000, Trung Quốc đã nghiên cứu ra hệ thống tăng áp và thiết bị kiểm soát STC cho động cơ này.
Vận tốc quay của động cơ được nâng lên mức 350 - 850 vòng/phút, mức tiêu thụ nhiên liệu thấp hơn 14%, nhiệt độ cửa xả giảm 30%, khói giảm 55%. Công suất định mức của động cơ 16PA6V-280STC nâng cao 10%, tương đương động cơ diesel cùng loại của nước ngoài.
Tàu hộ vệ Type 054A có tổng cộng 4 động cơ 16PA6V-280STC, công suất của mỗi động cơ là 5.700 KW. Động cơ này mặc dù có các ưu điểm như phạm vi công suất rộng, kết cấu gọn, nhưng đồng thời cũng tồn tại rất nhiều lỗ hổng.
Thứ nhất là tỷ lệ điều tiết tốc độ thấp, trong trường hợp bình thường tỷ lệ này của động cơ diesel là 3:1, vì vậy khả năng tăng tốc và giảm tốc xuất hiện vấn đề rất lớn.
Thứ hai là có sự cộng hưởng thân máy, sự dao động hệ thống trục xoay và tiếng ồn. Thứ 3 là điều kiện làm việc của một số bộ phận rất kém, khả năng chịu nhiệt độ và áp suất cao không tốt.

Khoảng cách lớn khi so sánh với Hải quân Mỹ
Trong khi đó, biên đội tàu sân bay Mỹ thường sử dụng biện pháp phối hợp giữa tàu tuần dương Ticonderoga và tàu khu trục Arleigh Burke.
Arleigh Burke mặc dù lớn hơn khá nhiều so với tàu khu trục của các nước khác nhưng khả năng hành trình liên tục chỉ có 4.400 hải lý, tương đương với tàu hộ vệ của nhiều nước. Nhưng khu trục hạm Arleigh Burke có ưu thế tốc độ vượt trội, vận tốc tối đa của nó là 31 hải lý/h.
Từ khi tàu ngầm đưa vào thực chiến đến nay, tốc độ và tính năng cơ động của tàu chống ngầm phải vượt tàu ngầm trở thành một tiền đề lớn, tất nhiên Arleigh Burke là lựa chọn rất tốt.
Rất nhiều cư dân mạng cho rằng, vai trò chủ yếu của Arleigh Burke không phải là tàu phòng không và chống tên lửa, điều đáng lưu ý là tàu Arleigh Burke cũng có thể kéo sonar, có khả năng chống ngầm, thậm chí còn rất mạnh.
Hiện nay lực lượng tàu chống ngầm phía trước của biên đội tàu sân bay Mỹ đều do tàu chiến đấu ven biển lớp Freedom và Independencecó tốc độ rất cao đảm nhận, Independence đạt vận tốc 44 hải lý/h, còn tốc độ tối đa của Freedom là 47 hải lý/giờ.
Hai lớp tàu này có tốc độ rất cao, vì vậy có thể tiến đến khu vực biển có tàu ngầm nguy hiểm rất nhanh và nhanh chóng giải quyết đối phương. Trái lại, tốc độ tối đa của tàu hộ vệ Type 054A thấp hơn so với 3 tàu trên.

Tàu chiến đấu ven bờ USS Freedom (LCS-1)
Như đã đề cập trước đó, do Type 054A sử dụng động cơ diesel, khả năng tăng tốc và giảm tốc không tốt. Sau khi bị tàu ngầm ngắm, nó thường rất khó thoát.
Mặt khác, để có thể tóm được tàu ngầm thường đòi hỏi tàu chống ngầm có tính năng chống ồn tốt. Nhưng động cơ diesel không thể tránh những vấn đề như sự cộng hưởng và tiếng ồn lớn, điều này làm cho tàu hộ vệ Type 054A không thể săn tàu ngầm.
Hơn nữa, với những nhược điểm như điều kiện làm việc của một số bộ phận của động cơ diesel kém, khả năng chịu nhiệt độ và áp lực cao thấp, làm cho độ an toàn trong hành trình của Type 054A không được ổn định.
Trong thời chiến, vấn đề lực đẩy là sự sống còn của tàu chiến, đối với trường hợp tàu hộ vệ Type 054A, nếu khi tác chiến, lực đẩy xuất hiện sự cố sẽ khiến tàu bị tiêu diệt.
Trên thực tế, tàu hộ vệ La Fayette của Pháp cũng sử dụng động cơ diesel, nhưng trường hợp này không đủ để giải thích rõ vấn đề.
Vì so với tàu Trung Quốc, Pháp có thể đảm nhận tiếp viện nhỏ cho Mỹ, đi theo nhóm tác chiến tàu sân bay, mà vấn đề chống ngầm đã có Mỹ đảm nhận. Ngược lại, Trung Quốc không có lợi thế này.
Ngoài ra, trên các phương tiện truyền thông còn có ý kiến cho rằng tốc độ tối đa của Type 054A sử dụng động cơ diesel là quá thấp, không thể đuổi kịp tàu sân bay, điều này hiện nay vẫn xuất hiện những tranh cãi.
Tác chiến chống ngầm hiện đại chủ yếu là do trực thăng săn ngầm và tàu chống ngầm phối hợp tiến hành, nhưng tính năng của thân tàu cũng không thể bỏ qua.
Vì vậy, nếu để Type 054A trở thành tàu hộ vệ chống ngầm của biên đội tàu sân bay Trung Quốc, sẽ có một số sự “miễn cưỡng” đối với lớp chiến hạm này.
Tóm lại cuối cùng vẫn chỉ một vấn đề, đó là vấn đề của động cơ, nếu không giải quyết được điều này, chắc chắn sẽ hạn chế rất nhiều việc phát triển hải quân viễn dương của Trung Quốc.

Hòa Trần | _theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/quan-su/diem-yeu-chet-nguoi-khien-type-054a-kho-long-bao-ve-tau-san-bay-20150902001815209.htm

إرسال تعليق

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

أحدث أقدم