Kế hoạch cải tổ Quân đội Trung Quốc: Khó trăm bề

(Kiến Thức) - Sự xáo trộn về nhân sự cấp cao và giải quyết ổn thỏa việc giảm 300.000 quân là những thách thức trong chương trình cải tổ Quân đội Trung Quốc.


300.000 quân nhân Trung Quốc sẽ mất việc trong thời gian tới. Ảnh: Tân Hoa Xã


Trong tháng 9/2015, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã công bố chương trình cải cách quân đội theo mô hình phương Tây. Theo kế hoạch,Quân đội Trung Quốc (PLA) sẽ giảm 300.000 quân, quy hoạch 7 đại quân khu thành 5 vùng chiến lược.

Đánh giá về kế hoạch cải tổ quân đội Trung Quốc, nhà phân tích Mandip Singh, thuộc Viện Nghiên cứu và Phân tích Quốc phòng (IDSA) có trụ sở tại New Delhi, Ấn Độ trao đổi với tạp chí Eurasia Review Journal rằng, kế hoạch báo hiệu 3 điểm nhấn quan trọng.

Đầu tiên đó là thiết lập uy quyền tuyệt đối của Chủ tịch Tập Cận Bình đối với PLA. Định hình cấu trúc hoạt động của quân đội Trung Quốc trong tương lai. Đảm bảo trách nhiệm, lòng trung thành tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng đối với quân đội.

Nhà phân tích Singh nhận định, kế hoạch cải tổ là tín hiệu tốt đối với Đảng Cộng sản Trung Quốc. Tuy nhiên, kế hoạch này đang đối mặt với những thách thức to lớn mà chưa từng được đề cập trên các phương tiện truyền thông ở Trung Quốc.

4 vấn đề khó khăn

- Thứ nhất: Quá trình cải tổ quân đội phải hoàn thành vào năm 2020. 5 năm là một quãng thời gian dài đối với một Trung Quốc đang thay đổi nhanh chóng. Thay đổi lớn đầu tiên diễn ra ngay trong Quân ủy trung ương (CMC). Trong năm 2017, một nữa các tướng lĩnh cấp cao của CMC sẽ nghỉ hưu cùng với 20 quan chức cấp cao khác đang đối mặt với cáo buộc tham nhũng.

Việc lựa chọn thế hệ lãnh đạo mới sẽ là một thách thức không nhỏ. Ông Singh cho rằng, sự trung thành với ông Tập là tiêu chí quan trọng, tiếp đến là thâm niên và kinh nghiệm công tác. Quá trình lựa chọn này có thể dẫn đến sự xáo trộn trong hàng ngũ lãnh đạo cấp cao của PLA.

- Thứ hai: 7 đại quân khu sẽ được tổ chức lại thành 5 vùng chiến lược. Một số quan chức lãnh đạo các đại quân khu có thể bị mất chức dẫn đến tâm lý bất mãn hay thái độ chống đối là điều khó tránh khỏi. Mục tiêu của việc cải tổ cơ cấu chỉ huy nhằm tăng cường sự khớp lệnh giữa các đơn vị quân đội trong các hoạt động chung.

Trong kế hoạch cải tổ cơ cấu chỉ huy, lục quân sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất, trong khi đó vai trò của không quân và hải quân được nâng cao. Do đó, tâm lý phản đối cải cách chủ yếu xuất phát từ lục quân. Sau khi cải tổ, cơ cấu chỉ huy, PLA sẽ có 5 lực lượng bao gồm: Không quân, Hải quân, Lục quân, Tên lửa chiến lược và Hỗ trợ chiến lược với vai trò ngang bằng nhau.

- Thứ ba: Kế hoạch giảm 300.000 sẽ là thách thức lớn nhất, đặc biệt là đối với sĩ quan cấp dưới. Một số nguồn tin cho biết, khoảng 130.000 có thể được phân công các nhiệm vụ dân sự, trong khi 170.000 người còn lại không biết sẽ đi đâu về đâu.

Một số tướng lĩnh cấp cao PLA đã cảnh báo về sự cần thiết phải lên kế hoạch cẩn thận và sắp xếp công việc ổn thỏa cho các quân nhân bị giảm biên chế nếu không có thể dẫn đến sự bất ổn trong tầng lớp sĩ quan cấp dưới.

Cuối cùng là đặc quyền của PLA sau cải tổ sẽ không còn như trước. Một số quan chức cấp cao của PLA vốn quen với lối sống xa hoa và đặc quyền riêng, nên khi sự kiểm soát của Đảng đối với PLA trở nên gắt gao hơn có thể dẫn đến sự hình thành bè phái để bao che lẫn nhau.

CMC đang tiến hành chiến dịch quét sạch các tướng tham nhũng và bè phái trong quân đội, nhưng kế hoạch này không dễ thực hiện và phải đối mặt với những thử thách không nhỏ. Nhìn chung, kế hoạch cải tổ Quân đội Trung Quốc chắc chắn sẽ diễn ra theo đúng kế hoạch, nhưng hiệu quả đến đâu vẫn cần thời gian để kiểm chứng, ông Singh kết luận.

Quốc Minh_Cập nhật lúc: 09:00 17/03/2016
http://kienthuc.net.vn/quan-doi/vach-nhung-thach-thuc-trong-cai-to-quan-doi-trung-quoc-651726.html

إرسال تعليق

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

أحدث أقدم