Hiện đại hóa tên lửa chống hạm cho Tarantul 1241.RE Việt Nam.

Tàu hộ vệ tên lửa Tarantul 1241.RE của Việt Nam cần được nâng cấp với loại tên lửa chống hạm mạnh hơn nhằm đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của tác chiến hải quân hiện đại.


Vì sao phải nâng cấp tên lửa chống hạm cho Tarantul 1241.RE?
Hải quân Nhân dân Việt Nam bắt đầu đặt mua thế hệ tàu hộ vệ tên lửa Tarantul Dự án 1241.RE từ năm 1996, 4 tàu đã được chuyển giao vào đầu những năm 2000 mang các số hiệu HQ-371; HQ-372; HQ-373 và HQ-374.
Tarantul 1241.RE có lượng giãn nước tiêu chuẩn 480 tấn, đầy tải 540 tấn; dài 56 m; rộng 10,5 m; mớn nước 2,5 m; vận tốc tối đa 42 hải lý/h; vũ khí chủ lực là 4 tên lửa hành trình đối hạm P-15M Termitđược đặt trong bệ phóng KT-138.

Tàu hộ vệ tên lửa Tarantul 1241.RE của Hải quân Việt Nam. Nguồn: Quân đội nhân dân
Đây được coi là những con tàu hiện đại đầu tiên của Hải quân Việt Nam có khả năng tuần tra và tác chiến tại vùng biển quần đảo Trường Sa.
Tuy nhiên sau gần 15 năm sử dụng, vào thời điểm hiện tại các chiến hạm trên đã phát sinh một số vấn đề cần phải quan tâm, trong đó đáng kể nhất là hỏa lực chống hạm.
Đạn tên lửa P-15 Termit (SS-N-2 Styx) ra đời từ những năm 1950 có tầm bắn 80 km, tốc độ tối đa Mach 0,9 và mang đầu đạn bán xuyên giáp nặng 513 kg.
P-15 có kích thước khá lớn, bay hành trình cao, tốc độ chậm, khả năng cơ động kém nên rất dễ bị đánh chặn bởi các chiến hạm hiện đại có hệ thống phòng thủ tiên tiến, ngoài ra nó còn rất dễ bị gây nhiễu trong môi trường tác chiến điện tử dày đặc.
Do đó, để những chiếc Tarantul 1241.RE phát huy tốt năng lực tác chiến trong tình hình mới thì nâng cấp tên lửa chống hạm là yêu cầu cấp thiết.
Mô hình nâng cấp Tarantul 1241.RE với tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos của Hải quân Ấn Độ
Loại tên lửa chống hạm nào phù hợp để thay thế P-15M Termit?
Không chỉ có Việt Nam nhận ra vấn đề trên, một quốc gia khác cũng có nhiều tàu tên lửa Tarantul 1241.RE trong biên chế là Ấn Độ cũng đã lên kế hoạch nâng cấp hỏa lực cho lớp chiến hạm này.
Theo đó, 2 cụm bệ phóng KT-138 của tên lửa P-15M Termit sẽ bị tháo bỏ và thay bằng 2 container với 8 ống phóng tên lửa hành trình chống hạm siêu âm BrahMos có tầm bắn lên tới 290 km do Ấn Độ sản xuất trong nước.
Với phương án trên, năng lực diệt hạm của Tarantul 2141.RE đã có bước chuyển về chất, không thua kém bất cứ thế hệ tàu tên lửa tấn công nhanh hiện đại nào mà chi phí bỏ ra hoàn toàn chấp nhận được.
Vậy Việt Nam có nên học tập Ấn Độ và sử dụng cấu hình hiện đại hóa trên?
Mặc dù Việt Nam và Ấn Độ có quan hệ quốc phòng ở tầm chiến lược nhưng nếu ta có ý định đặt mua tên lửa BrahMos thì chắc chắn vẫn gặp phải trở ngại. Nga nhiều khả năng sẽ không đồng ý vì lo ngại ảnh hưởng đến việc xuất khẩu tên lửa Yakhont của họ.
Ngoài ra, có vẻ như Việt Nam vẫn chỉ có ý định triển khai tên lửaYakhont cho hệ thống Bastion-P và chưa có kế hoạch đưa chúng lên tàu chiến mặt nước.
Do đó, phương án khả thi nhất có lẽ vẫn là trang bị cho Tarantul 1241.RE tên lửa Uran-E.
Tàu hộ vệ tên lửa Nanuchka II Dự án 1234E của Hải quân Algeria được hiện đại hóa với tên lửa Uran-E
Việc thay thế P-15M Termit bằng 3M24 Uran-E có ưu điểm đầu tiên là đồng bộ hóa được với Molniya 1241.8 nhằm tạo thuận lợi trong việc khai thác, bảo dưỡng.
Hơn nữa, đây là loại tên lửa đối hạm có trọng lượng nhẹ, phù hợp với các tàu chiến cỡ nhỏ hơn là Yakhont/ BrahMos khá nặng nề. Việc thay thế 2 cụm bệ phóng KT-138 bằng KT-184 là khá đơn giản mà không đòi hỏi phải thay đổi kết cấu của tàu.
Ngoài ra trong tương lai gần, có thể Việt Nam sẽ được phép sản xuất trong nước một biến thể của tên lửa Uran, vì vậy phương án trên còn giúp chúng ta tự chủ được nguồn cung, không bị phụ thuộc vào bên ngoài.
Trong thực tế, một số quốc gia đang triển khai P-15 Termit trên tàu tên lửa cỡ nhỏ Nanuchka Dự án 1234E hoặc Osa Dự án 205E cũng đã lựa chọn Uran-E để nâng cấp hỏa lực chứ không phải một loại nào khác.
Do vậy, Việt Nam nên bắt tay nghiên cứu phương án lắp đặt tên lửa 3M24 Uran-E trên tàu hộ vệ Tarantul 1241.RE thay cho P-15M Termit để triển khai vào thời điểm phù hợp nhằm giúp lớp chiến hạm này đáp ứng được những yêu cầu của tác chiến hải quân hiện đại.
theo Đại Lộ_Tuấn Trung | 

إرسال تعليق

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

أحدث أقدم