P-120 - Tên lửa đối hạm "độc nhất vô nhị" có 2 hệ thống dẫn đường

(Soha.vn) - P-120 Malakhit là loại tên lửa đối hạm độc nhất vô nhị khi được trang bị song song cả hai hệ thống dẫn đường bằng radar chủ động và đầu dò hồng ngoại.




Thông số cơ bản của tên lửa P-120 Malakhit (SS-N-9 Siren)
Dài: 8,84 m
Đường kính: 762 mm
Sải cánh: 2,6 m
Tầm bắn: 110 km khi phóng từ tàu mặt nước và 70 km khi phóng từ tàu ngầm
Tốc độ: Mach 0.9
Đầu đạn: 500 kg xuyên thép hay 200 kT
Trọng lượng phóng: 3.000 kg
Tàu trang bị : Tàu ngầm dự án 670M-Charlie II, Tàu tên lửa cỡ nhỏ dự án 1234-Nanuchka và dự án 1240-Sarancha
Nước sử dụng : Liên Xô/ Nga

Những nhà hoạch định chiến lược của Liên Xô nhận thấy rằng việc tiếp cận hạm đội tàu sân bay Mỹ trong cự ly gần hơn 100 km là rất nguy hiểm cho tàu ngầm, do đó tính cấp thiết phải trang bị một tên lửa đối hạm có tầm bắn tối thiểu 120 km đã được đặt ra. Tên lửa mới có tên P-120 Malakhit (SS-N-9 Siren) được phát triển bởi Chelomey lãnh đạo của CKBM Design Bureau (hiện nay là NPO Mashinostroenia) dựa trên cơ sở của loại tên lửa đối hạm đời trước P-70 Ametist với kích thước lớn hơn để có thể đạt được tầm bắn yêu cầu.
Trái ngược với P-70 Ametist chỉ có thể phóng đi từ tàu ngầm, P-120 Malakhit được trang bị 2 động cơ khởi tốc thông thường có kích thước khá lớn so với tên lửa nên còn có thể phóng từ tàu chiến mặt nước, độ sâu tối đa khi phóng từ tàu ngầm là 50 m. P-120 được trang bị động cơ hành trình nhiên liệu rắn cho phép tên lửa bay ở tốc độ cận âm, độ cao hành trình 40 m. Tầm bắn của tên lửa đã đạt yêu cầu đặt ra là 110 km mặc dù một vài nguồn nói rằng nó còn có thể bay xa hơn, tới 150 km.
Sau khi phóng, tên lửa bay tiếp cận mục tiêu thông qua hệ thống dẫn đường quán tính, giai đoạn cuối chu trình phóng của P-120 được hiện đại hóa với hai cảm biến kết hợp: kiểu dẫn đường bằng radar chủ động truyền thống được hỗ trợ bởi một đầu dò hồng ngoại thụ động gắn dưới bụng tên lửa. Điều này làm tăng độ chính xác và cải thiện năng lực chống lại các biện pháp đối kháng của tàu mục tiêu. Tên lửa có thể mang đầu đạn thường bán xuyên giáp nặng 500 kg hay đầu đạn hạt nhân 200 kT.
Tàu hộ vệ tên lửa cỡ nhỏ dự án 1234 Nanuchka
Tên lửa P-120 Malakhit được đưa vào biên chế từ tháng 3/1972. Quá trình thử nghiệm phóng tên lửa từ dưới nước tốn nhiều thời gian hơn và chỉ được chấp nhận đưa vào phục vụ trên tàu ngầm từ tháng 11/1977. Tên lửa P-120 ban đầu được trang bị cho tàu tuần tiễu cao tốc Nanuchka I, từ năm 1969-1976 có tất cả 18 tàu loại này đã được đóng, tiếp theo sau là loạt 21 tàu Nanuchka III.
Khoảng thời gian từ 1973-1980 đã có 6 chiếc tàu ngầm hạt nhân Charlie II được đóng, mỗi tàu ngầm trang bị 8 ống phóng với 6 tên lửa mang đầu đạn thường và 2 tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Tất cả các tàu ngầm trên được trang bị hệ thống sonar MGK-400 Rubikon. Đầu những năm 1980, sonar Rubikon được thay thế bởi sonar MGK-500 Skat tiên tiến hơn, có năng lực xử lý tín hiệu tốt hơn nhờ sử dụng máy tính kỹ thuật số. Tên lửa được phóng (toàn bộ 8 tên lửa có thể được phóng trong cùng một loạt nhanh) thông qua hệ thống kiểm soát hỏa lực Raduga. Tất cả tàu ngầm Charlie II ngày nay đã ngừng hoạt động nhưng tên lửa P-120 vẫn còn được sử dụng trên các tàu tên lửa cỡ nhỏ Nanuchka III.
Tàu ngầm hạt nhân dự án 670M Charlie II
Tiền thân của P-120 Malakhit chính là tên lửa P-50 được phát triển với vai trò như một tên lửa hành trình chống hạm đa năng vừa sử dụng cho tàu ngầm vừa sử dụng cho tàu mặt nước. Nó được phát triển với dự định sẽ thay thế tên lửa P-35 (SS-N-3 Shaddock) hoạt động ở tầm cao lớn và có tốc độ khá chậm. Tuy nhiên trước khi dự án này hoàn thành, P-50 đã được thay thế bằng phiên bản P-120 tiên tiến hơn. Tên lửa được đưa vào phục vụ từ năm 1972, ban đầu được trang bị cho tàu mặt nước và sau này là tàu ngầm Charlie II.
Tầm của P-120 Malakhit xa hơn P-70 Ametist (SS-N-7 Starbright), đạt 70 km khi phóng từ tàu ngầm và 110 km khi phóng từ tàu mặt nước. Radar kiểm soát hỏa lực của tên lửa có thể là Band Stand hoặc Plank Shave. Band Stand hoạt động trên băng tần D và F dùng để phát hiện và theo dõi mục tiêu còn Plank Shave hiện vẫn có rất ít thông số kỹ thuật được công bố. Ngoài việc được trang bị thêm đầu dò hồng ngoại, hệ thống dẫn đường của Malakhit còn tiên tiến hơn Ametist ở chỗ tên lửa có thể được cập nhật tham số mục tiêu trong giai đoạn giữa từ bên thứ 3 (máy bay hoặc tàu chiến).
Dương Phạm | _theo Trí Thức Trẻ
http://soha.vn/quan-su/p-120-ten-lua-doi-ham-doc-nhat-vo-nhi-co-2-he-thong-dan-duong-20140407173648048.htm

إرسال تعليق

Please Select Embedded Mode To Show The Comment System.*

أحدث أقدم